Vietnam Report: EVFTA sắp có hiệu lực, ngân hàng Việt Nam lo làn sóng 'đổ bộ' của ngân hàng châu Âu
Theo Vietnam Report, xu hướng cạnh tranh giữa các ngân hàng đang có sự thay đổi lớn, đặc biệt là sắp tới khi EVFTA được thực thi, các ngân hàng châu Âu cũng có khả năng tiếp cận thị trường Việt Nam nhanh hơn, mạnh hơn.
Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) vừa công bố danh sách Top 10 ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2020. Đây là hoạt động thường niên do Vietnam Report nghiên cứu và công bố từ năm 2012.
Theo đó, Vietcombank đứng đầu danh sách top 10 ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2020, kế đó là VietinBank. TPBank, HDBank chia nhau các vị trí cuối cùng.
Ở bảng xếp hạng 10 ngân hàng TMCP tư nhân uy tín, Techcombank dẫn đầu, theo sau là VPBank, ACB... còn OCB và MSB xếp cuối.
Trong khảo sát của Vietnam Report, 96,15% các chuyên gia và ngân hàng cho rằng một trong những thách thức lớn nhất với ngân hàng là xu hướng gia tăng nợ xấu dưới tác động của đại dịch Covid-19, khi thực hiện các biện pháp cơ cấu nợ, giãn nợ và khoanh nợ.
Với những khoản vay không đủ điều kiện để tái cơ cấu nợ, ngân hàng phải chuyển thành nợ xấu theo quy định, kéo theo áp lực thoái thu lãi và trích lập dự phòng, từ đó cũng kéo lợi nhuận của ngân hàng bị sụt giảm.
Một số khoản nợ có cho phép các ngân hàng gia hạn và tái cấu trúc các khoản nợ. Tuy nhiên, về lâu dài đây là các khoản nợ xấu tiềm ẩn với các ngân hàng thương mại. Nếu sức khỏe của nền kinh tế không sớm được cải thiện, các ngân hàng sẽ gặp rủi ro mất vốn.
Theo tính toán của Ngân hàng Nhà nước, trường hợp dịch bệnh được kiểm soát trong quý I, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ đã bán cho VAMC và nợ đã phân loại sẽ ở mức 2,9-3,2% vào cuối quý II và 2,6-3% vào cuối năm.
Theo đánh giá của các chuyên gia trong khảo sát của Vietnam Report, xu hướng cạnh tranh giữa các ngân hàng đang có sự thay đổi lớn. Mặc dù các ngân hàng TMCP của Việt Nam đã tạo được vị thế, nâng cao năng lực cạnh tranh nhưng sức ép cạnh tranh ngày một lớn khi mở cửa thị trường. Đặt biệt là sắp tới, khi EVFTA được thực thi, các ngân hàng châu Âu cũng có khả năng tiếp cận thị trường Việt Nam nhanh hơn, mạnh hơn.
Thêm vào đó, sự xuất hiện và phát triển của các công ty công nghệ tài chính (fintech) và những gã khổng lồ về công nghệ (big tech) trong cung cấp dịch vụ tài chính đang tạo ra những áp lực cho các ngân hàng. Dự báo hoạt động kinh doanh của ngân hàng sẽ ngày càng khó khăn nếu không nhanh chóng bắt kịp xu hướng công nghệ.
Cũng theo Vietnam Report, mặc dù ngành ngân hàng đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong vận hành, quản lý - phần lớn các ngân hàng đã xây dựng chiến lược chuyển đổi số để gia tăng trải nghiệm cho khách hàng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng - nhưng đa số hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn hoạt động truyền thống với các chi nhánh giao dịch và chủ yếu số hóa các quy trình nội bộ.
Việc quyết định đầu tư hạ tầng hệ thống công nghệ nhằm đáp ứng sự thay đổi trong xu hướng mua sắm, tiêu dùng các dịch vụ hiện nay là một vấn đề khó khăn với các nhà lãnh đạo ngân hàng khi đây là một khoản đầu tư lớn, trong khi hiệu quả khó đánh giá.
Kết quả khảo sát của Vietnam Report ghi nhận 4 thách thức lớn nhất với ngân hàng khi triển khai ngân hàng số, đó là: rủi ro an ninh mạng (63,64%); thiếu chính sách, quy định pháp luật hỗ trợ (63,64%); có quá nhiều ưu tiên chồng chéo (45,45%); thiếu lao động có kỹ năng.
46,15% chuyên gia và ngân hàng trong khảo sát của Vietnam Report cũng nhận định nhu cầu tín dụng giảm là một trong thách thức với ngành ngân hàng. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, dù Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh nhưng trên thế giới dịch bệnh vẫn đang bùng phát, làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong nước, cho nên nhiều doanh nghiệp vẫn chưa có nhu cầu vay vốn mới dù mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khá mạnh so với trước khi có dịch.
Theo đánh giá của các chuyên gia và ngân hàng trong khảo sát của Vietnam Report, áp lực tăng vốn lên các ngân hàng trong năm 2020 vẫn tương đối lớn, đòi hỏi nhiều ngân hàng phải có vốn chủ sở hữu cao hơn nhiều so với trước đây để đảm bảo quản trị rủi ro hiệu quả theo tiêu chuẩn Basel II, đặc biệt là các ngân hàng có vốn nhà nước. Lợi nhuận của một số ngân hàng sụt giảm trong bối cảnh rủi ro nợ xấu gia tăng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến an toàn vốn của ngân hàng làm tăng thêm áp lực tăng vốn điều lệ với ngân hàng.
Cùng với đó, theo Vietnam Report, chìa khóa tạo nên thành công đột phá của mỗi ngân hàng chính là yếu tố nhân sự và công nghệ. Ngân hàng là một ngành tổng hợp và luôn tiềm ẩn rủi ro nếu như cán bộ ngân hàng không có đủ năng lực và đạo đức nghề nghiệp. Ngoài ra, cuộc cách mạng số trong ngành ngân hàng cũng yêu cầu cán bộ, nhân viên ngân hàng phải nâng cao trình độ khoa học công nghệ, thường xuyên cập nhật thông tin, sáng tạo và thích ứng với những yêu cầu mới.
Mặc dù, chuyên ngành tài chính – ngân hàng đã và đang thu hút một số lượng lớn sinh viên theo học nhưng theo đánh giá của các ngân hàng hiện nay vẫn đang thiếu hụt nguồn nhân lực tài chính, ngân hàng chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập và đây là thách thức lớn đối với các ngân hàng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận