menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Anh Khoa

VietinBank, áp lực Basel II và vòng quay vốn giá cao

VietinBank phải liên tiếp lên kế hoạch huy động và gối đầu các vòng quay vốn giá cao, khi nút thắt vẫn chưa được gỡ.

Chỉ riêng năm 2018, Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) đã có tới 8 đợt phát hành trái phiếu. Nút thắt tăng vốn vẫn chưa được tháo gỡ, trong khi phải đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) để tăng trưởng kinh doanh, bảo toàn thị phần, mà phía trước thời hạn áp dụng Basel 2 đã gần kề.

Tiếp tục 10.000 tỷ đồng trái phiếu, không “bật tường”

Tuần qua, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận phương án phát hành trái phiếu ra công chúng năm 2019 cho VietinBank, với tổng mệnh giá phát hành 10.000 tỷ đồng.

Lãi suất trái phiếu do VietinBank quyết định nhưng phải phù hợp với các quy định của pháp luật, đảm bảo hiệu quả kinh doanh và an toàn hoạt động ngân hàng.

Theo phương án được chấp thuận, đối tượng mua trái phiếu là các tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài. Đáng chú ý, đối tượng mua trái phiếu do VietinBank phát hành lần đầu trên thị trường sơ cấp không bao gồm các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty con của VietinBank và công ty con của các tổ chức tín dụng khác.

Việc loại trừ đối tượng như trên nhằm tránh tình trạng các tổ chức tín dụng “bật tường” vốn với nhau qua trái phiếu để tăng vốn cấp 2, cải thiện CAR mà báo cáo mới đây của Kiểm toán Nhà nước đề cập đến như một hạn chế.

Cũng theo phương án được chấp thuận, VietinBank được phép mua lại trái phiếu năm 2019 theo quy định của pháp luật; có trách nhiệm sử dụng vốn phát hành trái phiếu đúng mục đích, đảm bảo hiệu quả và an toàn hoạt động.

Trước đó, trong năm 2018, VietinBank đã có tới 8 đợt phát hành trái phiếu; trong đó, có 2 đợt phát hành trái phiếu thường và 6 đợt phát hành nhằm gia tăng vốn cấp 2, với tổng giá trị phát hành đạt hơn 7 nghìn tỷ đồng.

Và tính đến hết quý I/2019, VietinBank đang có 46.216 tỷ đồng giấy tờ có giá; trong đó, số trái phiếu trị giá 32.165 tỷ đồng, còn lại chứng chỉ tiền gửi là hơn 14 nghìn tỷ đồng.

Vòng quay huy động vốn giá cao

Theo Thông tư 41 của Ngân hàng Nhà nước, thời điểm áp dụng Basel II, phương pháp tiêu chuẩn, đang đến gần (từ 01/01/2020). Tính tới thời điểm hiện tại, đã có 7 ngân hàng được công nhận đạt chuẩn.

Dự kiến trong tháng 6 tới có thể có thêm một số ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt áp dụng Basel 2 trước thời hạn.

Tuy nhiên, trong danh sách trên cũng như ở những ứng viên tiềm năng hiện chưa có VietinBank.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 tổ chức hồi cuối tháng 4 vừa qua, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch VietinBank cho biết, tính đến cuối năm 2018, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) riêng lẻ của ngân hàng là 9,6% và hợp nhất là 10%. Tuy nhiên, nếu áp dụng theo Thông tư 41, CAR của ngân hàng lại ở mức dưới 8%.

“Từ năm 2013, vốn của VietinBank không tăng. Ngân hàng đã thực hiện nhiều giải pháp thay thế nhằm cải thiện tài sản có rủi ro theo quy định của Nhà nước, phù hợp với điều kiện thị trường. Thời gian qua, ngân hàng đã cấu trúc lại vốn tự có, phát hành trái phiếu thứ cấp bổ sung vào vốn cấp 2. Tuy nhiên, mảng này cũng đã khai thác tới hạn theo quy định”, ông Thọ cho hay.

Rõ ràng, nhu cầu tăng vốn tại VietinBank là hiện hữu, và tới thời điểm này trở nên cấp bách. Nhưng, dư địa để tăng vốn điều lệ theo cách thông thường đã cạn kiệt. Tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại VietinBank đã chạm sàn (64,46%) trong khi tỷ lệ sở hữu nước ngoài cũng đã được lấp đầy.

Việc phát hành cổ phiếu tăng vốn gần như là không thể do Nhà nước không có kế hoạch chi thêm ngân sách cho các ngân hàng thương mại. Phương án giữ lại lợi nhuận bổ sung vốn cũng chưa được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt do còn liên quan đến vấn đề thu chi ngân sách.

Để đảm bảo hệ số CAR cho tăng trưởng kinh doanh, bảo toàn thị phần, VietinBank buộc phải dựa vào giải pháp ngắn hạn, liên tục phát hành trái phiếu bổ sung vốn cấp 2.

Bên cạnh tính chất ngắn hạn, giải pháp kê vốn bằng trái phiếu dài hạn đang tạo nên những vòng quay liên tục tại VietinBank với chi phí lãi suất cao. Thông thường, lãi suất trái phiếu loại này cao hơn nhiều so với lãi suất trên biểu huy động.

Và giải pháp trên cũng có giới hạn. Theo quy định, tỷ lệ vốn cấp 2 không được quá 50% vốn cấp 1 khi tính toán các cân đối. Tạm tính với vốn cấp 1 bằng vốn chủ sở hữu 70.125 tỷ đồng thời điểm cuối quý I/2019, thì tổng vốn cấp 2 VietinBank có thể huy động là 35.062 tỷ đồng trong hướng đi này. tổng số trái phiếu kỳ hạn trên 5 năm ngân hàng đang nắm giữ đã lên tới 32.165 tỷ đồng nên dư địa bổ sung vốn cấp 2 cũng đã trở nên hạn hẹp.

Nhưng các vòng quay vẫn phải tiếp tục, “gối đầu” theo lượng trái phiếu phát hành từ những năm trước. Nó chỉ có thể giảm tải nếu năm nay nút thắt tăng vốn được tháo gỡ, hoặc VietinBank phải tiếp tục cơ cấu lại tài sản mạnh mẽ hơn như thoái lãi dự thu và tạm gửi một lượng nợ lớn sang VAMC cuối 2018.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại