24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Cao Vân
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Việt Nam xuất siêu sang các nước CPTPP 1,6 tỷ USD trong năm 2019

Trong khi đó, năm 2018, Việt Nam nhập siêu từ các nước CPTPP 0,9 tỷ USD. Điều này cho thấy tác động tích cực rõ rệt của FTA thế hệ mới đầu tiên mà Việt Nam tham gia - CPTPP.

Tích cực tuyên truyền về CPTPP

Ngay sau khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 121/QĐ-TTg ngày 24/1/2019 về Kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP với các nhóm nhiệm vụ cụ thể và lộ trình thực hiện.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực thi các FTA mà Việt Nam tham gia, cho đến nay, đã có 26 Bộ, ngành và cơ quan cấp trung ương và 62/63 địa phương đã xây dựng Kế hoạch của đơn vị mình và gửi về Bộ Công Thương để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã tổng hợp và gửi công văn số 696/BCT-ĐB ngày 5/2/2020 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả một năm triển khai Hiệp định CPTPP.

Công tác tuyên truyền phổ biến về Hiệp định CPTPP và thị trường các nước tham gia Hiệp định CPTPP đã được triển khai tích cực, đa dạng ở cả trung ương và địa phương. Phần lớn các Bộ, ngành và địa phương đã tiến hành hoạt động tuyên truyền của mình thông qua các hình thức như hội nghị, hội thảo, khóa tập huấn, các phóng sự truyền thanh, truyền hình, xuất bản ấn phẩm, v.v..

Các hoạt động này đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao sự hiểu biết và nhận thức của người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý đối với Hiệp định CPTPP. Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khoảng 86% doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đã biết hoặc đã tìm hiểu về Hiệp định CPTPP.

Bên cạnh đó, một số Bộ, ngành và địa phương đã thiết lập, đăng tải các mục thông tin về Hiệp định CPTPP trên trang thông tin điện tử của cơ quan mình như Bộ Tài chính, tỉnh Bình Định, tỉnh Đồng Nai v.v..

Đồng thời, các Bộ, ngành cũng thiết lập các kênh để tiếp nhận phản ánh của người dân, doanh nghiệp về các vấn đề liên quan của Hiệp định CPTPP như Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Tài nguyên và Môi trường, v.v.. Đây là những kênh thông tin hết sức quan trọng hỗ trợ cho sự tương tác giữa các Bộ, ngành với người dân, doanh nghiệp, đồng thời đã góp phần đáp ứng yêu cầu của Hiệp định CPTPP.

Bộ Công Thương đã thiết lập và đưa vào vận hành chuyên trang thông tin điện tử chính thức của Việt Nam về Hiệp định CPTPP tại địa chỉ: http://cptpp.moit.gov.vn với mục tiêu cung cấp thông tin và tương tác với công chúng về Hiệp định CPTPP.

Kể từ khi chuyên trang này hoạt động, Bộ Công Thương đã tiếp nhận và xử lý nhiều vướng mắc thực tiễn mà các doanh nghiệp gặp phải cũng như cung cấp thông tin giải thích liên quan đến các cam kết trong Hiệp định CPTPP. Hiện nay, Bộ Công Thương đang phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) nâng cấp trang thông tin điện tử lên Cổng thông tin điện tử về FTA (FTA Portal).

Vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu

Trong năm 2019, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và 10 nước CPTPP đạt 77,4 tỷ USD, tăng 3,9% so với năm 2018. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang 10 nước CPTPP đạt 39,5 tỷ USD, tăng 7,2% so với năm 2018. Kim ngạch nhập khẩu từ 10 nước CPTPP đạt 37,9 tỷ USD, tăng 0,7% so với năm 2018.

Như vậy, trong năm 2019, Việt Nam đã xuất siêu sang các nước CPTPP là 1,6 tỷ USD trong khi năm 2018 Việt Nam nhập siêu từ các nước CPTPP là 0,9 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất nhập khẩu của ta sang 6 nước đã phê chuẩn Hiệp định CPTPP năm 2019 đạt gần 34,4 tỷ USD, tăng 8,2% so với năm 2018.

Tỷ trọng trong tổng xuất nhập khẩu năm 2019 cũng đạt 14,1% so với con số 12,9% của năm 2018.

Nếu chỉ tính kim ngạch xuất nhập khẩu sang 2 thị trường mới chưa có FTA là Canada và Mexico thì trong năm 2019 Việt Nam xuất siêu hơn 5 tỷ USD, tương đương 50% tổng giá trị xuất siêu của Việt Nam. Đây cũng chính là hai đối tác có quan hệ FTA mới, các nước khác trong khối ta đã FTA trước đó nên tác động không rõ ràng bằng. Xuất khẩu sang Canada tăng 29,8%, Mexico tăng 26,3%.

Trong 6 nước đối tác, xuất khẩu sang Nhật Bản chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng xuất khẩu của Việt Nam (chiếm 8,4%), xếp thứ hai là Canada (1,6%).

Thị phần hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại các nước đối tác CPTPP phần lớn còn thấp. Trong đó, cao nhất là tại Nhật Bản (chiếm 2,8%) và thấp nhất là Mexico (chiếm 0,6%). Thị phần hàng Việt Nam tại các thị trường khác lần lượt là: 1,6% tại Australia, 1,3% tại New Zealand, 0,9% tại Singapore và Canada là 0,8%. Do vậy, Bộ Công Thương đánh giá còn nhiều tiềm năng để tăng trưởng xuất khẩu, nâng cao thị phần tại thị trường các đối tác này.

Năm 2019, Việt Nam đã cấp 21.163 C/O mẫu CPTPP cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu đi các nước thuộc hiệp định với tổng giá trị hàng hóa gần 600 triệu USD. Trong đó, Canada và Mexico là hai thị trường mới có FTA với Việt Nam có tỷ lệ sử dụng C/O mẫu CPTPP cao nhất trong số các nước thành viên. Các nước còn lại đã có quan hệ FTA, thậm chí như Nhật Bản đã có hai hiệp định FTA với các nước ASEAN và Việt Nam trước Hiệp định CPTPP, nên doanh nghiệp có thể sử dụng các mẫu C/O trong các FTA khác.

Link Nguồn
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả