Việt Nam xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 thế giới nhưng chưa làm chủ về giá
Nghịch lý, cà phê xuất khẩu tỷ đô nhưng người trồng thụ hưởng rất thấp.
Tại lễ ký kết hợp đồng hợp tác nghiên cứu công nghệ bón phân thông minh giữa Viện khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (Wasi) và Công ty Enfarm Agritech, ngày 19/7, các chuyên gia trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, môi trường... đã chỉ ra nhiều hạn chế trong phát triển nông nghiệp, trong đó có cà phê.
Lễ ký kết hợp tác nghiên cứu công nghệ bón phân thông minh. |
Tiến sĩ Trần Vinh - Quyền Viện trưởng Wasi - cho biết, cả nước có khoảng 10 địa phương trồng cà phê, tổng diện tích 710.590 ha, trong đó Tây Nguyên chiếm 90% diện tích. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 4 tỷ USD. Nhiều năm qua, nước ta đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu nhưng vẫn chưa làm chủ về giá cà phê.
Cà phê là cây chủ lực của Tây Nguyên, góp phần đáng kể vào công cuộc xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, hiện nay, bà con nông dân vẫn còn sản xuất truyền thống, chưa áp dụng công nghệ dẫn đến năng suất, hiệu quả chưa cao.
Cà phê được trồng tại Đắk Lắk. |
Nghiên cứu của Viện thổ nhưỡng Nông hóa, tổng sản phẩm nông sản của Việt Nam tăng lên nhờ phân bón khoảng 35-40%, song phân bón chưa được sử dụng hiệu quả và bền vững.
Theo thông tin tại hội thảo, có khoảng 60% lượng phân không được cây hấp thụ còn lại trong môi trường, gây lãng phí lên tới 30.000 tỷ đồng, cùng với đó là vấn đề ô nhiễm môi trường, đất đai bị bạc màu... Thực tế này đặt ra bài toán làm cách nào để bón phân hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, giảm tác động xấu đến môi trường. Mức thụ hưởng giá trị từ cà phê của người trồng rất thấp, do chi phí đầu tư cao.
Tiến sĩ Hồ Long Phi - nguyên Viện trưởng Viện nước và biến đổi khí hậu - cho hay, thiết bị thông minh sẽ giúp nông dân biết khi nào cần bón phân, phân loại gì và bán bao nhiêu cho vừa đủ nhằm tối đa năng suất, giảm chi phí, đồng thời hạn chế lượng phân dư thừa ra bên ngoài...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận