Việt Nam và thách thức “kép” về phát triển công nghệ
Trang csis.org của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) 17/2 đăng bài nhận định Việt Nam đang trở thành cường quốc kỹ thuật số mới ở Đông Nam Á, song để vươn xa hơn, Việt Nam cần đáp ứng hai thách thức, gồm đột phá chuỗi giá trị kỹ thuật số và phát triển các mũi nhọn công nghệ trong tương lai.
Theo bài viết, Việt Nam nổi lên như một trung tâm phát triển năng động trong khu vực. Dù tổng giá trị hàng hóa của nền kinh tế Internet Việt Nam đang thua một số nước láng giềng, với ước tính khoảng 21 tỷ USD vào năm 2021, song con số đó dự kiến sẽ đạt 150 - 220 tỷ USD vào năm 2030.
Việt Nam có tỷ lệ sử dụng Internet là 70,3% (đứng thứ 4 ở Đông Nam Á) do tỷ lệ dân số thành thị tương đối thấp (38% vào năm 2021). Tuy nhiên, nhân khẩu học thanh niên của Việt Nam là một yếu tố mạnh mẽ thúc đẩy sự chấp nhận công nghệ trên toàn quốc lớn hơn đáng kể so với mức trung bình toàn cầu. Báo cáo mức độ sẵn sàng về kỹ thuật số của PwC Việt Nam năm 2021 cho thấy 42% người Việt Nam được hỏi bày tỏ sự hào hứng về việc đưa công nghệ vào công việc, so với mức trung bình toàn cầu là 16%.
Tuy nhiên, đối với Việt Nam, việc áp dụng công nghệ không chỉ là kết quả của sự ôm đồm tự phát từ dưới lên. Nền kinh tế kỹ thuật số chỉ là một khía cạnh trong tham vọng tổng thể của đất nước về Cách mạng Công nghiệp 4.0. Theo kế hoạch này, Việt Nam dự kiến lọt vào danh sách 40 quốc gia có thành tích hàng đầu trong Chỉ số Đổi mới toàn cầu, top 30 trong Chỉ số An ninh mạng toàn cầu của Liên minh viễn thông quốc tế và top 50 trong Chỉ số Phát triển chính phủ điện tử của Liên hợp quốc vào năm 2030. Chính phủ Việt Nam mong muốn nền kinh tế kỹ thuật số đóng góp vào khoảng 30% GDP và năng suất tăng trung bình 7,5% hàng năm. Việt Nam cũng hướng tới mục tiêu hoàn thiện và thiết lập các thành phố thông minh tại các khu kinh tế trọng điểm trên cả nước.
Các chính sách có vai trò định vị Việt Nam như một trung tâm khu vực về sản xuất công nghệ và chất bán dẫn. Khi Mỹ và Trung Quốc tiếp tục căng thẳng, những “gã khổng lồ” công nghệ như Apple, Samsung, LG và Foxconn, cùng với những công ty lĩnh vực khác, có sự hiện diện mạnh mẽ tại Việt Nam. Xu hướng chuyển công ty và sản xuất ra ngoài Trung Quốc có thể sẽ khiến Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn hơn nữa.
Tham vọng của chính phủ, được hỗ trợ bởi các chính sách gồm cả các ưu đãi về thuế, tạo môi trường thuận lợi hơn cho đầu tư công nghệ. Bất chấp đại dịch, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực công nghệ vẫn tiếp tục đổ vào Việt Nam để phục vụ phát triển và sản xuất của các công ty như Microsoft, Sony, Pegatron, Nokia, Panasonic, Intel và Canon. Việt Nam hiện cũng là một trung tâm của khu vực về nghiên cứu và phát triển (R&D) gia công phần mềm cho Cisco, Alcatel-Lucent, Toshiba, Hitachi, và Jupiter Networks, cùng nhiều công ty khác. Việt Nam đang trên đường trở thành một nhà sản xuất chất bán dẫn quan trọng trong khu vực và là mắt xích ngày càng thiết yếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Việc áp dụng rộng rãi công nghệ tiên tiến ở các nước phát triển sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh về chi phí lao động của các nền kinh tế kém công nghiệp hóa ngày nay. Khi các nước phát triển đạt được những tiến bộ trong công nghệ tiên phong, các nước đang phát triển như Việt Nam vẫn đang phát triển cơ sở hạ tầng cơ bản để áp dụng. Cạnh tranh về công nghệ đòi hỏi một ngân sách R&D quy mô lớn — không phải là các nước đang phát triển nào cũng có thể dễ dàng có được. Ngân sách R&D của Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước láng giềng lớn trong khu vực và phần lớn nguồn lực công nghệ của Việt Nam là nhờ FDI hơn là đầu tư trong nước vào các ngành công nghệ cao.
Tiến bộ công nghệ đẩy nhanh sự phát triển, song có thể sẽ làm gia tăng sự bất bình đẳng.
Ngay trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính gần 56% tổng số việc làm ở Việt Nam cũng như ở Campuchia, Indonesia, Philippines và Thái Lan, có nguy cơ cao bị thay thế bởi công nghệ và tự động hóa trong hai thập kỷ tới. Đại dịch mở ra cơ hội cho việc áp dụng kỹ thuật số quy mô lớn trong khu vực thông qua việc kích thích thương mại điện tử, giao hàng trực tuyến và dịch vụ điện tử, qua đó thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số. Đại dịch cũng thúc đẩy quá trình dịch chuyển việc làm: xu hướng giảm bớt các công việc đòi hỏi kỹ năng trung bình ở các nước đang phát triển và sự gia tăng dịch vụ và các công việc có kỹ năng cao hơn.
Tuy nhiên, nâng cao kỹ năng và tái đào tạo kỹ năng sẽ không hoàn chỉnh nếu không bao trùm và bền vững. Việt Nam, giống như nhiều quốc gia láng giềng khác, vẫn còn tụt hậu khi nói đến các chính sách quốc gia nhằm giải quyết vấn đề hòa nhập kỹ thuật số cho phụ nữ, cụ thể là truy cập Internet, đào tạo kỹ năng kỹ thuật số tập trung vào phụ nữ và giáo dục STEM.
Nhiều quan điểm trong khu vực cho rằng nền kinh tế kỹ thuật số đã trở thành biện pháp khắc phục tình trạng trì trệ kinh tế do đại dịch gây ra, song cũng kéo theo sự bất bình đẳng, khiến thế giới hậu COVID-19 thậm chí còn phân cực hơn. Học trực tuyến là một giải pháp cho giáo dục thời kỳ đại dịch. Tuy nhiên, đó là giải pháp không phải ai cũng thực hiện được. Việc nhanh chóng áp dụng dịch vụ trực tuyến trong lĩnh vực bán lẻ, giáo dục và y tế cũng khiến nhiều người dùng phải đối mặt với các rủi ro về an toàn-an ninh mạng trong một môi trường nơi an ninh mạng nói chung còn kém.
Tiềm năng và tham vọng của Việt Nam sẽ được thử thách bằng khả năng áp dụng các công nghệ tiên tiến, thúc đẩy đổi mới và điều hướng thành công thế giới mạng phức tạp và khuôn khổ pháp lý còn hạn chế trong nước. Việt Nam có thể khai thác lợi thế nhân khẩu học của mình để cạnh tranh về công nghệ trong tương lai. Tuy nhiên, Việt Nam cần thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số đang ngày càng gia tăng trong xã hội và không để ai bị bỏ lại phía sau trong lĩnh vực kỹ thuật số. Là nền kinh tế đang phát triển, thị trường kỹ thuật số của Việt Nam có tiềm năng to lớn và đầy hứa hẹn, song nếu muốn vươn xa hơn, cần phải đột phá chuỗi giá trị kỹ thuật số và phát triển các mũi nhọn công nghệ trong tương lai.
Theo CSIS
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận