Việt Nam sẽ trở thành cứ điểm sản xuất máy tính xách tay ?
Một bài báo trên Nikkei Asian Review đăng ngày 26.9 cho rằng đến năm 2030, một nửa số máy tính xách tay (laptop) trên thế giới sẽ được sản xuất bởi các quốc gia khu vực Đông Nam Á.
Trong đó Việt Nam và Thái Lan sẽ trở thành trung tâm sản xuất chủ chốt.
Sản xuất laptop sẽ tăng vọt
Nhận định trên của tờ báo Nhật Bản được trích dẫn từ báo cáo của Viện Nghiên cứu Market Intelligence & Consulting Institute (MIC - Đài Loan). Theo lý giải của MIC, chi phí lao động tăng cao tại Trung Quốc cũng như việc nhiều doanh nghiệp (DN) muốn đa dạng hóa địa điểm sản xuất dự kiến sẽ khiến cho hoạt động đầu tư sản xuất laptop tại Đông Nam Á ngày một nhiều hơn. Năm 2019, tổng số laptop sản xuất ra trên toàn cầu ước tính khoảng 160 triệu chiếc, trong đó Trung Quốc chiếm khoảng 90%. Dựa trên số liệu có được từ các cuộc phỏng vấn với nhà sản xuất, MIC tính toán rằng tỷ lệ thị phần của Trung Quốc trong hoạt động sản xuất laptop toàn cầu sẽ giảm từ 90% xuống còn 40% vào năm 2030. Đơn cử Công ty Wistron của Đài Loan sẽ sản xuất laptop dưới sự ủy quyền của thương hiệu Mỹ tại Việt Nam. Bên cạnh đó, một số công ty máy tính Đài Loan khác như Compal Electronics đang cân nhắc mở rộng hoạt động sản xuất tại Việt Nam. Công ty Quanta Computer, công ty sản xuất laptop theo hợp đồng lớn thứ 3 thế giới, dự kiến sản xuất tại Thái Lan. Công ty Hon Hai Precision Industry, còn được biết đến với cái tên Foxconn, hiện giữ vị trí nhà sản xuất các sản phẩm điện tử lớn nhất thế giới, nhiều khả năng sẽ sản xuất laptop tại Việt Nam.
Sản phẩm máy tính, điện tử và linh kiện hiện đứng thứ 2 về kim ngạch xuất khẩu và dẫn đầu trong hoạt động nhập khẩu của cả nước. Cụ thể theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong 8 tháng năm 2020 đạt 27,73 tỉ USD, tăng 25,3% so với cùng kỳ năm trước. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 38,75 tỉ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước.
Số lượng laptop sản xuất trong năm nay dự kiến tăng 6% lên 170 triệu chiếc, do dịch Covid-19 đã khiến nhu cầu giao tiếp và học tập từ xa tăng mạnh, đồng thời cũng làm nhu cầu tìm hiểu kiến thức dựa trên nền tảng của Google tăng cao hơn.
Trước đó vào đầu tháng 8, một bài báo trên Nikkei Asian Review cũng cho hay, Samsung Electronics sẽ chấm dứt mảng sản xuất laptop tại Tô Châu (Trung Quốc) và tính toán chuyển dây chuyền sản xuất sang Việt Nam. Samsung đã thông báo cho nhân viên về việc nhà máy ngừng hoạt động và cắt giảm việc làm chính thức vào cuối tháng 7. Mới nhất là Tập đoàn Pegatron của Đài Loan sẽ đầu tư vào Hải Phòng dự án thứ 2 sau dự án đầu tiên được cấp phép từ tháng 3 vừa qua, nâng tổng vốn đầu tư 2 dự án lên đến 500 triệu USD. Pegatron là tập đoàn chuyên cung ứng linh kiện cho các “ông lớn” trong ngành điện tử như Apple, Sony, Microsoft, Lenovo… Dự kiến tập đoàn này sẽ sản xuất thiết bị điện tử gồm điện tử dân dụng, máy vi tính và thiết bị ngoại vi, thiết bị truyền thông, linh kiện điện tử, bảng mạch để cung cấp cho các tập đoàn điện tử lớn đang đầu tư tại Việt Nam và xuất khẩu.
Việt Nam đón sóng đầu tư mới
Trong làn sóng dịch chuyển đầu tư sản xuất khỏi Trung Quốc, trong tháng 6, với sự hỗ trợ của chính phủ Nhật Bản, đã có 57 DN Nhật rời Trung Quốc. Có 30 DN trong số đó chọn thị trường Đông Nam Á để đặt nhà máy, một nửa trong số này (15 DN) chọn Việt Nam làm “bến đỗ” mới. Tờ Nikkei Asian Review cũng cho rằng hiện nay nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á đang mở rộng thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), nhắm đến các công ty đang tính đến việc thay đổi chuỗi cung ứng sau khi đại dịch Covid-19 gây ra nhiều gián đoạn khắp Trung Quốc.
Theo TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, khi dịch Covid-19 diễn ra, hoạt động sản xuất máy tính đã gia tăng mạnh do người dùng toàn cầu bùng nổ nhu cầu học hành, làm việc tại nhà. Hơn nữa, trong làn sóng các tập đoàn điện tử nói chung đang tái định vị lại chuỗi cung ứng để giảm bớt lệ thuộc vào Trung Quốc thì Việt Nam có cơ hội trở thành một trong những cứ điểm sản xuất máy tính của thế giới. Thực tế Việt Nam cũng đã có sự cạnh tranh tốt với các nước, thu hút được nhiều ông lớn vào đặt nhà máy sản xuất. Từ đó việc lan tỏa, thu hút thêm các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực phụ trợ, cung cấp hàng loạt sản phẩm nguyên phụ liệu đi kèm đang dần dần phát triển.
Ông Đỗ Khoa Tân, Phó tổng thư ký Hiệp hội DN điện tử Việt Nam, nhận định: Việt Nam sau một thời gian với sự đầu tư sản xuất của các hãng lớn như Samsung, Intel, LG... đã dần dần hình thành được chuỗi cung ứng phụ trợ đi kèm, tạo ra cơ hội để thu hút thêm đầu tư mới trong lĩnh vực này. So với nhiều nước trong khu vực, Việt Nam đang có lợi thế về nguồn nhân lực phổ thông lẫn kỹ sư chất lượng cao cho ngành máy tính nói riêng và điện tử nói chung. Đồng thời, môi trường kinh tế, chính trị, xã hội và các chính sách ưu đãi thu hút vốn FDI sẽ góp phần đón được sóng dịch chuyển sản xuất máy tính từ Trung Quốc. Dù vậy, ông Tân cho rằng việc đón cơ hội dịch chuyển sản xuất máy tính từ Trung Quốc vào Việt Nam chủ yếu sẽ diễn ra với sự xuất hiện của các DN có vốn ngoại, tương tự như Foxconn, Pegatron... Bởi để tiếp cận được chuỗi cung ứng trong ngành điện tử, DN cần được chuyển giao công nghệ và đầu tư lớn trong khi Việt Nam vẫn còn rất ít số đơn vị có khả năng đó.
“Hiện nay, dù người dùng mua máy tính với nhiều nhãn hiệu khác nhau thì trên toàn cầu cũng chỉ có vài nhà sản xuất. Chẳng hạn Foxconn của Đài Loan là có thể sản xuất đủ máy tính cho cả thế giới sử dụng, Việt Nam chỉ cần tham gia được vào chuỗi cung ứng này là sẽ góp phần thúc đẩy công nghiệp phụ trợ phát triển và giá trị của ngành điện tử sẽ tăng mạnh. Quan trọng nhất là ngoài các chính sách ưu đãi thu hút vốn FDI, các cơ quan quản lý nhà nước vẫn cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hoạt động logistics thật sự nhanh gọn để mọi hoạt động xuất nhập khẩu từ linh kiện đầu vào đến sản phẩm đầu ra của các DN được thuận tiện hơn”, ông Tân nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận