“Việt Nam sẵn sàng đón đại bàng, chứng khoán tiếp tục mang sức hút lớn”
Đó là nhận định của ông Nguyễn Duy Anh - Đại diện Khối Khách hàng tổ chức của Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) về thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam năm 2021.
Chứng khoán mang sức hút lớn trong năm 2021
Theo ông Duy Anh, 2020 là năm thành công của thị trường tài chính Việt Nam. Đến giai đoạn cuối năm, tiền vẫn tiếp tục được bơm vào thị trường một cách gián tiếp cực kỳ mạnh mẽ và sức nhân của dòng tiền sẽ còn lớn hơn trong đầu năm 2021 khi lãi suất huy động ngân hàng dự báo tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Vị chuyên gia cũng cho rằng khó có kênh nào mang lại sức hút hơn chứng khoán vào thời điểm này. Tình hình thanh khoản liên tục tạo kỷ lục kết hợp với vòng quay nhanh chính là một biểu hiện rõ nét cho điều này. Các chỉ số kinh tế đã tốt lên, Việt Nam là điểm đến của làn sóng doanh nghiệp nước ngoài,… nhiều yếu tố báo hiệu nước ta đã đủ điều kiện để “dọn ổ đón đại bàng”.
P/E của TTCK Việt Nam tính đến tháng 12/2020 đang ở mức trên 18, thấp hơn đáng kể các thị trường trong khu vực khi rõ ràng trong năm 2020 chúng ta đã có những bước tiến mạnh mẽ trong tăng trưởng GDP và các chỉ tiêu kinh tế xã hội (nhiều nước khu vực và thế giới tăng trưởng âm).
“Nếu P/E 2021 của Việt Nam đạt mức của Thái Lan, Indonesia, Malaysia (từ 24 đến 26) thì cũng không phải là điều quá bất ngờ”, ông Duy Anh nói thêm.
Và ông Duy Anh còn dự báo VN-Index có thể đạt mức cao nhất trong năm 2021 quanh 1,400 điểm, tương ứng với P/E thị trường đạt mức 24. Thanh khoản cao hơn 10,000 tỷ đồng/phiên đã không còn là chuyện lạ nữa, do đó, trung bình năm 2021 có thể ở quanh mức 15,000-17,000 tỷ đồng/phiên, thậm chí có thể xuất hiện phiên 30,000 tỷ đồng.
Ông Duy Anh nhận định: “Nước chảy vào chỗ trũng, khối ngoại được dự báo sẽ quay lại mua ròng sớm sau kỳ nghỉ lễ Giáng sinh 2020. Từ xưa đến nay điều khối ngoại lo lắng nhất là về thanh khoản TTCK Việt Nam, nên khi đáp ứng được tiêu chuẩn này và sự tăng trưởng còn chậm hơn ở các thị trường trong khu vực thì sẽ buộc họ phải giải ngân nhiều hơn. Chưa kể yếu tố định giá thị trường Việt Nam rõ ràng còn quá rẻ so với khu vực”.
Những yếu tố nào sẽ tác động nhiều nhất đến TTCK trong năm 2021?
Ông Duy Anh chỉ ra các hiệp định thương mại (như EVFTA, CPTPP, RCEP,…) sẽ mở toang cánh cửa xuất khẩu cho Việt Nam, những sản phẩm cần tay nghề thủ công, vật liệu thô vốn là thế mạnh của Việt Nam với nguồn lao động trẻ dồi dào. Lực lượng lao động có tay nghề cao của Việt Nam càng ngày càng phát triển, với dân số đang trong thời kỳ vàng thì việc bùng nổ thu nhập trung lưu ở Việt Nam chắc chắn sẽ diễn ra trong năm 2021.
Việc tân Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức được đánh giá về cơ bản sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến Việt Nam từ chính trị đến kinh tế và chiến lược đối ngoại. Việt Nam còn phụ thuộc khá nhiều vào nền kinh tế Trung Quốc - vốn đang có dấu hiệu đi xuống, nhiều tập đoàn lớn đang chạm vào làn sóng phá sản và sự dịch chuyên của khối doanh nghiệp Mỹ, châu Âu, châu Úc sang các nước khác sẽ gây ra không ít khó khăn cho Trung Quốc.
Các vấn đề địa chính trị luôn nóng cả nhiều năm nay, tuy nhiên ông Duy Anh khá tin tưởng vào cách lèo lái của Chính phủ về vấn đề này để tránh gây căng thẳng và đảm bảo môi trường tốt nhất cho kinh tế.
Covid-19 đã diễn ra 1 năm, Việt Nam đã làm quá tốt các biện pháp phòng vệ. Nhìn cách phản ứng của thị trường, vị chuyên gia không cho rằng Covid-19 còn có thể “dọa” được giới đầu tư trong nước, nhất là hiện nay nhiều nước trên thế giới cũng như tại Việt Nam đã thử nghiệm vaccine trên người đạt hiệu quả cực kỳ khả quan. Khi Covid qua đi thì ngành nào cũng hồi phục mạnh mẽ, nhưng hưởng lợi nhất theo ông Duy Anh có thể là nhóm du lịch, hàng không, vận tải, các công ty cung cấp các giải pháp kinh doanh online… bên cạnh đó, nhóm ngành chứng khoán, bất động sản (bao gồm cả bất động sản công nghiệp) luôn luôn là một kênh đầu tư cực kỳ khả quan của những nước đang phát triển, nhà đầu tư nên lưu tâm.
Theo ông Duy Anh, trái phiếu, chứng khoán phái sinh hay chứng quyền có đảm bảo cũng có thêm cơ hội để phát triển cùng đà đi lên của thị trường cơ sở. Tuy nhiên suốt trong năm 2020, ghi nhận không ít lần nhà đầu tư than phiền về tính minh bạch của các sản phẩm phái sinh, cũng như quy mô thị trường này khá nhỏ và dễ thao túng. Kênh đầu tư bất động sản cũng sẽ nóng lên trở lại, nhưng có độ trễ sau chứng khoán. Bất động sản trong năm 2021 dự báo cũng là một kênh tăng trưởng mạnh kể từ sau quý 1. Còn với kênh đầu tư vàng, giá vàng Việt Nam thường xuyên có độ chênh so với thế giới, thực tế luôn có sự ảnh hưởng bằng các biện pháp hành chính nên có lẽ khó có thể hút được đa phần nhà đầu tư. Mặt khác, nếu muốn giao dịch vàng một cách chính quy (tuân thủ pháp luật) thì điều này không được đánh giá cao bằng kênh chứng khoán hay bất động sản. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận