'Việt Nam phải nắm công nghệ sản xuất đường sắt tốc độ cao'
Theo đại biểu Quốc hội, để đảm bảo khả thi và tiến độ dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, các đơn vị trong nước phải được chuyển giao công nghệ vận hành, sản xuất.
Thảo luận tổ về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam sáng 13/11, giáo sư Hoàng Văn Cường (nguyên Hiệu phó Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng thành công xây dựng đường dây 500kV mạch ba cho thấy để triển khai nhanh, hiệu quả bắt buộc phải làm chủ công nghệ.
"Thay vì thụ động thuê nhà thầu nước ngoài và mua từng tuyến, chúng ta cần chủ động nắm bắt công nghệ, tự mình làm chủ dự án. Nếu cứ phụ thuộc vào nước ngoài, việc hoàn thành toàn tuyến đường sắt cao tốc sẽ có thể kéo dài vô thời hạn", ông Cường nhấn mạnh.
Theo ông, Chính phủ cần xác định "không quan trọng là công nghệ nước nào, nhưng bắt buộc khi ký hợp đồng phải chuyển giao công nghệ cho Việt Nam". Việc chuyển giao công nghệ là yếu tố cốt lõi trong dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam. Việt Nam cần chủ động đàm phán để đảm bảo rằng các nhà thầu nước ngoài chia sẻ đầy đủ kiến thức và kinh nghiệm để đơn vị trong nước nâng cao năng lực và tự chủ trong quá trình thực hiện dự án.
Khi đó, Việt Nam đảm bảo được thời gian hoàn thành đúng theo tiến độ và chủ động trong quản lý, vận hành và bảo trì hệ thống, tránh phụ thuộc vào nước ngoài. Việc này sẽ tạo điều kiện để phát triển ngành công nghiệp đường sắt hiện đại, có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
"Tôi biết mua sẵn hệ thống để lắp thì rẻ hơn về chi phí ban đầu, nhưng chúng ta chấp nhận mua lại công nghệ để làm chủ sẽ có lợi mãi mãi về sau, đảm bảo tính bền vững cho các dự án sau này", ông Cường nhấn mạnh.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, ông Nguyễn Phi Thường đã chỉ ra một trong những thách thức lớn đối với việc phát triển hệ thống đường sắt tại Việt Nam đó là sự thiếu đồng bộ về công nghệ. Kinh nghiệm từ các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP HCM cho thấy mỗi dự án lại sử dụng một công nghệ khác nhau, gây khó khăn cho việc kết nối và vận hành thống nhất hệ thống.
Hoạt động chuyển giao công nghệ trong các dự án đường sắt hiện nay mới chỉ tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực vận hành, chưa thực sự đi sâu vào việc chuyển giao công nghệ sản xuất thiết bị. Phụ thuộc vào nhập khẩu thiết bị từ nước ngoài không chỉ gây tốn kém mà còn hạn chế khả năng tự chủ trong bảo trì, sửa chữa.
Vì vậy theo ông Thường, chuyển giao công nghệ không chỉ dừng lại ở làm chủ khai thác vận hành, mà phải bao gồm cả khâu sản xuất, lắp đặt trang thiết bị, đặc biệt là các công nghệ cốt lõi như tàu điện, đường ray và hệ thống tín hiệu. "Phí chuyển giao công nghệ là một trong những khoản chi phí lớn, quan trọng cần được xác định trong dự án", Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội góp ý.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường. Ảnh: Media Quốc hội
Ông kiến nghị Chính phủ bổ sung điều khoản công ty nước ngoài tham gia đấu thầu phải liên danh với nhà thầu trong nước, hoàn tất đàm phán chuyển giao công nghệ với các công ty nội địa và ký hợp đồng chuyển giao công nghệ hoàn chỉnh trước khi đấu thầu. Các công ty nước ngoài không ký hợp đồng chuyển giao công nghệ trước khi đấu thầu sẽ bị loại trực tiếp.
Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giám sát và đánh giá quá trình chuyển giao công nghệ. Do đó, ông đề nghị Bộ Giao thông Vận tải thành lập một cơ quan chuyên trách để thực hiện nhiệm vụ này, đồng thời xây dựng bộ tiêu chí đánh giá cụ thể, trong đó tập trung vào năng lực tiếp thu và ứng dụng công nghệ của doanh nghiệp trong nước.
"Việc tạo ra một cơ chế khuyến khích doanh nghiệp chủ động học hỏi sẽ giúp đảm bảo hiệu quả của quá trình chuyển giao công nghệ và thúc đẩy quá trình tự chủ trong ngành đường sắt", ông nói.
Ủy ban Kinh tế - cơ quan thẩm tra chủ trương đầu tư, đánh giá đường sắt tốc độ 350 km/h là công nghệ tiên tiến, hiện đại, trên thế giới chỉ có 4 nước làm chủ công nghệ này. Do vậy việc chuyển giao công nghệ phụ thuộc vào nước ngoài. Hơn nữa, ngành công nghiệp đường sắt Việt Nam hiện nay chỉ sản xuất được tà vẹt, toa xe của đường sắt khổ 1.000 mm với tốc độ dưới 120 km/h.
Vì vậy Ủy ban đề nghị đánh giá cụ thể khả năng tiếp nhận công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam; đồng thời làm rõ trường hợp nếu không được nước ngoài chuyển giao công nghệ thì giải pháp thay thế cũng như khả năng tự chủ, nội địa hóa công nghệ đường sắt tốc độ cao của Việt Nam ra sao.
"Cần đánh giá để có giải pháp phù hợp bảo đảm đáp ứng mục tiêu tạo tiền đề, động lực phát triển công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ như yêu cầu của Trung ương", Ủy ban Kinh tế nêu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận