24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Bảo Toàn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Việt Nam nhập 10 tỷ USD nguyên liệu thức ăn chăn nuôi

Là nước nông nghiệp, nhưng năm 2021 Việt Nam phải nhập 22,3 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, trị giá 10 tỷ USD, chủ yếu là ngô, khô dầu đậu tương.

Sáng 8/6, giải trình trước Quốc hội về lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Phó thủ tướng Lê Văn Thành cho biết Việt Nam chưa chủ động được các yếu tố đầu vào quan trọng cho sản xuất nông nghiệp, đó là giống cây trồng, vật nuôi, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, phân bón, vật tư. Việc này làm tăng chi phí sản xuất.

Thống kê cho thấy, Việt Nam phải nhập nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi đến 60%. Trong 10 tỷ USD nhập nguyên liệu thức ăn chăn nuôi năm 2021, có 10 triệu tấn ngô, 5 triệu tấn khô dầu đậu tương. Ngoài ra, phân bón cũng phải nhập đến hơn 40%, năm 2021 là 1,54 triệu tấn, giá trị 1,45 tỷ USD. Giống cây trồng, vật nuôi cũng chủ yếu nhập khẩu.

Xuất khẩu nông sản 5 tháng đầu năm 2022 cả nước đạt 23 tỷ USD, với các sản phẩm chủ lực là hồ tiêu (đứng đầu thế giới), cà phê (thứ hai thế giới), gạo (3 triệu tấn), thủy sản... "Đây là những kết quả rất đáng khích lệ, tiếp tục khẳng định nông nghiệp luôn là trụ đỡ của nền kinh tế", ông Thành nói.

Tuy nhiên, nền nông nghiệp Việt Nam vẫn gặp khó khăn trong xuất khẩu, nhất là với thị trường lớn, đòi hỏi chất lượng cao. Nguyên nhân chủ yếu là chưa có nhiều vùng sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn, công nghệ cao, đáp ứng điều kiện thị trường.

Các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến sản phẩm nông nghiệp còn nhiều hạn chế. Nông sản, nhất là rau quả vẫn chủ yếu được xuất sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. "Tình trạng được mùa, mất giá, ùn ứ nông sản xuất khẩu tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc xảy ra thường xuyên hàng năm, gây nhiều thiệt hại về kinh tế và xã hội", Phó thủ tướng Lê Văn Thành nêu thực trạng.

Vì vậy, thời gian tới, Chính phủ sẽ đổi mới sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, từ khâu nghiên cứu tạo giống đến quy hoạch, xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn; hình thành vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn; ứng dụng khoa học công nghệ để có nông sản sạch, chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế phục vụ xuất khẩu.

Việt Nam sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán các điều kiện về hàng rào kỹ thuật, thương mại để nông sản sớm được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường lớn, có giá trị như châu Âu, Mỹ, Trung Quốc. Giải pháp này cũng nhằm giảm xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới phía Bắc, hạn chế ùn ứ nông sản như vừa qua.

Chính phủ sẽ đẩy mạnh cơ chế hỗ trợ tín dụng, miễn giảm phí, thuế để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất vật tư nông nghiệp, phân bón; nhất là khuyến khích đầu tư chế biến nông sản, khắc phục tình trạng dư thừa theo mùa vụ.

Các cơ quan sẽ rà soát, đánh giá tổng thể nhu cầu về nguyên liệu chế biến thức ăn giá súc, thức ăn chăn nuôi. Từ đó, Chính phủ sẽ quy hoạch xây dựng vùng sản xuất phục vụ ngành công nghiệp thức ăn chăn nuôi. Việt Nam từng bước tự chủ nguồn cung, giảm nhập khẩu để không bị phụ thuộc quá nhiều vào thị trường thế giới, giảm chi phí đầu vào cho sản xuất nông nghiệp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ ra sự bất hợp lý khi một năm xuất được khoảng 3 tỷ USD tiền gạo, nhưng phải nhập đến 9-10 tỷ USD nguyên liệu để làm thức ăn chăn nuôi và các loại vật tư nông nghiệp khác. "Chúng ta cạnh tranh với thế giới thì khó, vì họ sản xuất quy mô đại điền, công nghệ rất cao, công nghệ gen, năng suất cao nhưng ta phải giảm một phần phụ thuộc", ông Huệ nói.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi đến đại biểu ngày 5/6, dịch bệnh Covid-19 từ năm 2019, xung đột quân sự Nga - Ukraine từ đầu năm 2022 làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, đẩy giá vật tư lên cao. Trong khi nguồn nguyên liệu đầu vào sản xuất nông nghiệp của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc nhập khẩu. Vì vậy, nguyên liệu, vật tư đầu vào, chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm nông nghiệp đều tăng.

Phân bón tăng giá cao nhất, đơn cử phân urê tăng 136-143%, DAP tăng 143-164%, kali tăng 180-200% so với tháng 12/2021. Giá nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi tăng 30-45%; giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm tăng 30-35% so với cuối năm 2021. Sản xuất thuốc, vaccine thú y gặp nhiều khó khăn.

Giá dầu diesel 0.05S tăng trên 8.000 đồng/lít làm cho chi phí nhiên liệu tăng thêm 2.640 tỷ đồng/tháng khiến chi phí vận chuyển đường biển tăng. Giá thuốc bảo vệ thực vật tương đối ổn định, chỉ tăng ở nhóm thuốc trừ cỏ không chọn lọc và thuốc trừ sâu.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả