menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Lê Long

Việt Nam nằm trong số các quốc gia phát triển nhanh nhất trong thập kỷ tới

Trang eurekalert.org ngày 27/7 đăng kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm tăng trưởng tại Đại học Harvard (Mỹ) cho thấy Trung Quốc, Việt Nam, Uganda, Indonesia và Ấn Độ được dự báo sẽ nằm trong số các nền kinh tế phát triển nhanh nhất đến năm 2030.

Theo kết quả nghiên cứu, khi ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 không còn, tăng trưởng dài hạn được dự báo sẽ tập trung ở châu Á, Đông Âu và Đông Phi. Trung Quốc được kỳ vọng là nền kinh tế phát triển nhanh nhất tính theo đầu người, ngay cả khi dự báo cho thấy tốc độ tăng trưởng đang chậm lại so với những gì nước này đã đạt được trong thập kỷ qua. Nghiên cứu cho thấy rằng các quốc gia đã đa dạng hóa sản xuất sang các lĩnh vực phức tạp hơn, như Việt Nam và Trung Quốc, là những quốc gia sẽ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong thập kỷ tới.

Các nhà nghiên cứu của Phòng thí nghiệm tăng trưởng đã công bố bảng xếp hạng quốc gia mới tính theo Chỉ số phức tạp kinh tế (ECI), đánh giá sự đa dạng và tinh vi về năng lực sản xuất thể hiện trong hàng hóa xuất khẩu của mỗi quốc gia. Bất chấp sự gián đoạn về thương mại do đại dịch, xếp hạng mức độ phức tạp kinh tế của các nước vẫn ổn định đáng kể.

Bảng xếp hạng ECI cho thấy các quốc gia phức tạp nhất trên thế giới được giữ ổn định, các vị trí đầu bảng theo thứ tự là Nhật Bản, Thụy Sĩ, Đức, Hàn Quốc và Singapore. Các quốc gia đáng chú ý khác bao gồm Vương quốc Anh (xếp thứ 10), Mỹ (12), Trung Quốc (16) và Italy (17).

Những nền kinh tế đang phát triển đã đạt được những bước tiến lớn nhất trong việc cải thiện mức độ phức tạp bao gồm Việt Nam (51), Campuchia (72), Lào (89) và Ethiopia (97).

Những quốc gia tụt hạng nhanh nhất trong thập kỷ qua do ngày càng phụ thuộc vào hàng hóa hoặc không đa dạng hóa xuất khẩu, bao gồm Botswana (111), Zimbabwe (114), Ecuador (119) và Cuba (120).

Trong số các quốc gia có chỉ số kinh tế phức tạp nhất, Pháp (19) giảm mạnh nhất khi tụt 6 bậc trong bảng xếp hạng.

Nhìn vào dự báo tăng trưởng đến năm 2030, 3 cực tăng trưởng đã được xác định. Một số nền kinh tế châu Á đã nắm giữ sự phức tạp kinh tế cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng nhanh nhất trong thập kỷ tới, dẫn đầu là Trung Quốc, Campuchia, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Ấn Độ.

Ở Đông Phi, một số nền kinh tế dự kiến sẽ tăng trưởng nhanh chóng, mặc dù được thúc đẩy bởi sự gia tăng dân số nhiều hơn là sự phức tạp của nền kinh tế, bao gồm Uganda, Tanzania và Mozambique. Tính trên cơ sở bình quân đầu người, khu vực Đông Âu có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ nhờ những tiến bộ liên tục về mức độ phức tạp kinh tế, với Gruzia, Lítva, Belarus, Armenia, Latvia, Bosnia, Romania và Albania đều được xếp hạng 15 nền kinh tế hàng đầu được dự đoán trên cơ sở bình quân đầu người.

Ngoài các cực tăng trưởng này, các dự báo cũng cho thấy tiềm năng của Ai Cập trong việc đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh hơn. Các khu vực đang phát triển khác phải đối mặt với triển vọng tăng trưởng đầy thách thức hơn do mức độ phức tạp kinh tế đạt được ít hơn, bao gồm Mỹ Latinh, Caribe và Tây Phi.

Ảnh hưởng của đại dịch đối với thương mại toàn cầu

Những dự đoán ban đầu về tác động của đại dịch đối với sự sụt giảm thương mại toàn cầu ở mức 2 con số đã không xảy ra, vì khối lượng thương mại giảm ít hơn so với thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu một thập kỷ trước. Sự sụt giảm thương mại vào giữa năm 2020 xảy ra nhanh hơn so với các cú sốc trước đó, nhưng thương mại cũng phục hồi nhanh hơn, giảm thiểu ảnh hưởng chung cho cả năm.

Các mô hình toàn cầu này che giấu sự khác biệt lớn giữa các quốc gia, hàng hóa và dịch vụ cụ thể. Đáng chú ý, Trung Quốc đã tăng khối lượng xuất khẩu trong năm 2020 so với cùng kỳ năm trước, mặc dù nước này là tâm chấn ban đầu của đại dịch. Những nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu dịch vụ, đặc biệt là du lịch, chẳng hạn như Jamaica và Kenya, đã bị thiệt hại 2 con số về khối lượng xuất khẩu.

Xuất khẩu dịch vụ đã giảm 2 con số trên toàn cầu vào năm 2020 và cao hơn gấp đôi sự sụt giảm của hàng hóa. Trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch và lữ hành mất gần 2/3 khối lượng xuất khẩu, giảm 900 tỷ USD. Ngược lại, xuất khẩu dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) vẫn ổn định ngang với mức trước đại dịch. Xuất khẩu hàng hóa vận hành tốt hơn so với dịch vụ, mặc dù một số phân khúc sản phẩm chính đã có sự sụt giảm mạnh về trao đổi thương mại vào năm 2020, bao gồm xăng dầu, ô tô, máy bay, vũ khí và thép. Các phân khúc khác tăng trao đổi thương mại, đặc biệt là dược phẩm, khẩu trang, đồ gia dụng và máy tính. Sự khác biệt về khối lượng thương mại trên các phân khúc cụ thể cho thấy sự khác biệt lớn hơn so với thời gian xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả