Việt Nam mới thoát nghèo, năng suất lao động thấp, có nên tính chuyện giảm giờ làm?
Đại biểu Quốc hội cho rằng kể cả người lao động rất muốn làm thêm vì tiền lương không đủ sống nhưng pháp luật phải đảm bảo sức khỏe cho họ.
Giảm giờ làm việc bình thường hay nới rộng số giờ làm thêm tối đa là những vấn đề trong dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi đang được thảo luận sôi nổi tại Quốc hội những ngày qua.
Trả lời VTC News về vấn đề này, đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng không nên để cho người lao động phải làm quá sức, kiệt sức để trẻ mang sức khỏe đi kiếm tiền, già mang tiền đi mua sức khỏe.
- Nhiều ý kiến đề xuất "tăng lương, giảm giờ làm" nhưng Việt Nam còn nghèo, bây giờ cứ đấu tranh giảm giờ làm trong khi không tăng được năng suất lao động, thưa ông?
Năng suất lao động không phải là tăng về thời gian, không phải là điều kiện tăng thời gian mà năng suất lao động là phải giảm thời gian làm việc trên 1 đơn vị sản phẩm hoặc tăng số lượng sản phẩm trên 1 đơn vị thời gian.
Vì vậy tăng giờ, tăng thời gian làm thêm không phải là một trong những yếu tố quyết định để tăng năng suất lao động.
Đầu tiên, tăng năng suất lao động là phải đổi mới công nghệ trong bối cảnh tiến tới cách mạng 4.0. Hai là, phải đổi mới tổ chức sản xuất kinh doanh, nhân sự, quản trị, nhân lực của đơn vị đó. Ba là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nếu sử dụng đội ngũ cán bộ có chuyên môn, năng lực, có trình độ cao thì dứt khoát chúng ta giảm được số người làm việc.
Còn hiện nay, hầu hết các ngành da giầy, dệt may, điện tử là những ngành thâm dụng lao động. Không thể nói là tăng năng suất lao động bằng cách tăng cường độ lao động, kéo dài thời gian lao động. Tuy nhiên, phải xem xét điều kiện cụ thể để quyết định vấn đề cụ thể như làm thêm giờ.
Như ngành hải sản, không làm suốt cả năm mà chi có thời vụ. Vậy có cần làm thêm một vài giờ để tháng sau người ta nghỉ không? Cái đó chúng ta xem xét, giao cho Chính phủ tính toán trong trường hợp đặc biệt.
Về mặt nguyên lý, không có đất nước nào nói tăng năng suất lao động là tăng cường độ lao động, đó là trái với nguyên lý.
Giải quyết vấn đề làm thêm, chẳng qua là giải quyết tính chất thời vụ của công việc, không phải là biện pháp tăng năng suất lao động. Nếu kéo dài thời gian đó vào ngày lễ, ngày tết hay ban đêm thì phải trả lương cao để người ta tái sản xuất sức lao động.
Vấn đề quan trọng là, tăng năng suất lao động hay phát triển kinh tế xã hội nhưng yếu tố con người rất quan trọng, không nên để cho người lao động phải làm quá sức, kiệt sức để trẻ mang sức khỏe đi kiếm tiền, già mang tiền đi mua sức khỏe.
Thứ hai là, Chính phủ, Quốc hội khi nghiên cứu pháp luật là phải bảo vệ người lao động. Thực tế, người lao động rất muốn làm thêm vì miếng cơm manh áo, vì tiền lương tối thiểu chưa đủ sống, vì cuộc sống còn khó khănnhưng Nhà nước phải làm luật để bảo vệ quyền lợi cho họ.
Còn người lao động có sức khỏe để thỏa thuận với chủ sử dụng lao động là quan hệ thương lượng và đối thoại.
Ví dụ, tôi là công chức, tôi chỉ có tối đa 200 giờ làm thêm nhưng thực tế tôi làm thêm rất nhiều vì tình chất công việc thì khác hoàn toàn. Còn đây là lao động cơ bắp, lao động trực tiếp nên phải xem xét, đánh giá để đừng thấy người lao động mong muốn, chủ sử dụng mong muốn mà ta thỏa thuận việc làm ảnh hưởng tới sức khỏe người lao động.
Không thể tăng năng suất lao động bằng cách tăng cường độ lao động, kéo dài thời gian lao động. Đại biểu Bùi Sỹ Lợi
- Bộ trưởng Lao động, Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung thống kê, nếu giảm 4 giờ làm/tuần thì xuất khẩu sẽ mất 20 tỷ USD/ năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm 0,5%. Điều đó ảnh hưởng thế nào đến nền kinh tế, thưa ông?
Bộ trưởng Dung nói đúng. Vì trong tức thời, nếu giảm ngay mà không có gì thay đổi thì dứt khoát là GDP giảm. Nhưng Chính phủ phải thấy rằng, không thể để mãi như thế. Phải có các giải pháp để cải tiến công nghệ, đổi mới sản xuất, khích lệ các doanh nghiệp chuẩn bị các điều kiện để đến thời điểm nào đó, vấn đề an toàn vệ sinh lao động, năng suất lao động tăng lên thì mới giảm giờ làm. Có thế mới được chống cái giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế kia.
Video: Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nghẹn lời: Tăng giờ làm thêm thì nhân văn ở đâu?
- Nhưng dường như các doanh nghiệp, VCCI rất gay gắt trong vấn đề tăng giờ làm thêm?
Lẽ ra chúng ta phải phân tích kỹ, một số ngành nghề, lĩnh vực làm thêm không có nghĩa là làm thêm cả năm mà chỉ tập trung vào bốn ngành trọng điểm là: da giày, dệt may, điện tử và thủy sản.
Như thủy sản, người ta chỉ làm trong 4 tháng sau đó lại nghỉ 3 tháng đợi đến thời vụ chứ không làm cả năm. Cho nên, nếu khống chế như vậy, người dân sản xuất ra con cá, bán cho doanh nghiệp mang đi xuất khẩu, chúng ta không có người làm thêm thì làm sao thu mua được sản phẩm đó để xuất khẩu. Vừa có lợi cho người dân, vừa có lợi cho doanh nghiệp, vì vậy, phải tính toán rất kỹ.
Tôi nghĩ rằng khi chúng ta chuẩn bị soạn thảo bộ luật này phải có sự đồng thuận, sự phối hợp các cơ quan có liên quan. Nếu không, khi trình ra các cơ quan có chức năng, bên nào nói cũng có lý nhưng không tạo được sự đồng thuận thì rất có vấn đề.
Trong suốt 4 khóa Quốc hội vừa qua, Uỷ ban về các vấn đề xã hội Quốc hội chưa bao giờ ủng hộ việc tăng thời gian làm thêm.
- Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Việt Nam là một trong 47 nước có giờ làm cao nhất, vậy tại sao không mạnh dạn đề xuất thêm ngày nghỉ, thưa ông?
Chúng tôi không đề xuất mà là do Chính phủ đề xuất nhưng cái quan trọng là khi đề xuất chính sách thì phải đánh giá tác động.
Chúng ta so với nước này, nước kia là không đúng. Vấn đề chính sách, vấn đề quyền lợi phải xuất phát từ nguyện vọng của người dân. Trước đây, không ai có ý kiến và chúng ta cũng chưa đề xuất vấn đề này. Bây giờ, người ta kiến nghị thì mình bàn lại, nếu thấy hợp lý thì đồng ý.
Pháp luật là phải đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Khi lấy ý kiến, tổng kết bộ Luật Lao động 2012, chúng ta chỉ nói rằng số ngày nghỉ còn ít nhưng lựa chọn ngày nào và khi nào lựa chọn thì đề xuất và xuất phát từ thực tiễn đời sống. Quan trọng hơn hết là đi vào lòng dân.
- Thưa ông, liệu có bất đồng quan điểm khi nhiều doanh nghiệp không làm thêm quanh năm nhưng lại kiến nghị tăng giờ làm thêm?
Không tăng giờ làm thêm cho tất cả các ngành nghề, các lĩnh vực, đây là nguyên lý chung. Việc tăng giờ làm thêm hoàn toàn đặc thù và giả sử có làm thêm 100 giờ cho một ngành nghề, lĩnh vực nào đó là sự cần thiết khách quan như cần cho xuất khẩu tăng trưởng và chủ sử dụng lao động có nhu cầu mà người lao động lại muốn làm để có thêm thu nhập.
Chính phủ phải quy định cụ thể, chi tiết với từng ngành nghề như thế.
- Doanh nghiệp kiến nghị chỉ quy định số giờ làm thêm theo năm, quan điểm của ông thế nào?
Pháp luật đang khống chế làm thêm không quá 40 giờ/tháng để mong muốn giữ sức khỏe cho người lao động. Chủ sử dụng lao động không muốn quy định theo tháng bởi vì tháng này có thể người lao động làm thêm, tháng sau không làm. Vấn đề này, Quốc hội đang bàn để khống chế.
Phải nói thật, nếu có mức khống chế như vậy thì tính tuân thủ pháp luật rất tốt, đảm bảo quyền lợi sức khỏe cho người lao động tốt hơn.
Nếu chỉ quy định số giờ làm thêm theo năm, sẽ có hiện tượng cộng dồn thời gian làm thêm trong vòng 1 tháng bằng cả năm thì quá nguy hiểm. Trong thực tế, mặc dù pháp luật khống chế thời gian làm thêm tối đa không quá 300 giờ cho ngành nghề đặc biệt trong năm nhưng vẫn có doanh nghiệp sử dụng đến vài trăm giờ vượt khỏi mức quy định. Cho nên khống chế cái trần 1 tháng cũng có ý nghĩa như vậy.
Kể cả người lao động người ta rất muốn làm thêm vì tiền lương không đủ sống nhưng pháp luật phải đảm bảo sức khỏe cho người lao động.
- Nhưng không phải vì cái yếu trong giám sát của Nhà nước mà đẩy doanh nghiệp vào thế khó, thưa ông?
Doanh nghiệp cần chia sẻ, người lao động cũng phải chia sẻ. Doanh nghiệp có thể áp dụng nhiều biện pháp. Một là tăng thêm công nghệ, hai là kiếm thêm lao động. Kiếm thêm lao động có thể là khó nhưng anh có thể luân chuyển lao động hoặc cho phép hợp đồng lao động thời vụ anh. Nói chung phải dùng nhiều biện pháp, theo tôi nghĩ là như vậy.
Tôi đi Bình Dương, thấy rất đau lòng. Người lao động gầy gò ốm yếu mà đứng lên xin các bác, các chú quy định cho cháu cứ được làm thêm giờ, làm đến khi nào không làm nữa.
Làm như vậy có nghĩa là người lao động bỏ sức khỏe lúc trẻ đi kiếm tiền, già phải mang tiền đi mua sức khoẻ. Thế thì chết rồi!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận