Việt Nam là quốc gia đầu tiên về đích trước mục tiêu giảm nghèo
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tạo điều kiện thông thương là con đường căn bản để giảm nghèo bền vững, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận nguồn lực để họ tự vươn lên.
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 ngày hôm nay, Thủ tướng cho rằng, giảm nghèo là một nhiệm vụ có ý nghĩa xã hội bậc nhất và mang đậm tình người nhất. Đây là một định hướng xã hội chủ nghĩa quan trọng của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Ngân sách dành cho phúc lợi xã hội cao nhất ASEAN
Theo người đứng đầu Chính phủ, sau hơn 30 năm, Việt Nam là một trong những hình mẫu trên thế giới về thành tựu xóa đói giảm nghèo, là câu chuyện thành công, truyền cảm hứng cho bạn bè năm châu. Đảng và Nhà nước luôn nhất quán quan điểm phát triển kinh tế gắn với xã hội, môi trường, trong đó luôn chú trọng giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội.
Theo đó, mặc dù ngân sách còn nhiều khó khăn nhưng Quốc hội, Chính phủ đã tăng nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo gấp 2 lần so với giai đoạn trước. 21% ngân sách Nhà nước đã dành cho phúc lợi xã hội, là mức cao nhất trong số các nước ASEAN.
Đặc biệt, trong thời điểm dịch COVID-19, Việt Nam đã có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho 13 triệu người với các mức hỗ trợ khác nhau.
Trong cả giai đoạn 2016-2020, Việt Nam đã đưa tỷ lệ nghèo từ 9,88% (năm 2015) còn 3,75% vào năm 2019 và dự kiến dưới 3% trong năm 2020. Nhờ đó, Việt Nam đã trở thành một quốc gia đầu tiên về đích trước Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc về giảm nghèo.
Thủ tướng cho biết thêm, đến nay 100% các xã đã có đường ô tô đến trung tâm, 99% trung tâm xã và 80% thôn có điện. 100% đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo có bảo hiểm miễn phí.
Hệ thống giao thông, đặc biệt là ở miền núi, đã rút ngắn thời gian đi lại, thúc đẩy thương mại dịch vụ, tạo việc làm. Nhiều nhà máy, xí nghiệp mọc lên ở nhiều địa phương đã giúp người dân chuyển đổi việc làm, thoát nghèo, “ly nông bất ly hương”. Bên cạnh đó, phong trào thoát nghèo với nhiều tấm gương, điển hình lan tỏa tích cực trong cộng đồng tại các địa phương...
Nguồn: VGP
Vì một Việt Nam không có đói nghèo năm 2045
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng nêu rõ còn rất nhiều thách thức ở phía trước.
Thách thức đầu tiên phải kể đến là Việt Nam vẫn còn chịu ảnh hưởng nặng nề của hậu quả chiến tranh. Đồng thời, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia chịu tổn thương lớn nhất trên thế giới từ biến đổi khí hậu và thường xuyên chịu thiên tai nên công cuộc xóa đói giảm nghèo, chống tái nghèo sẽ luôn là thách thức lớn.
Bên cạnh đó, kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, dễ tái nghèo, chênh lệch giàu nghèo giữa vùng, các nhóm dân cư chưa được thu hẹp. Nhiều nơi tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn trên 50%, nhất là vùng dân tộc thiểu số...
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn như vậy, đại dịch COVID-19 xuất hiện trong năm 2020, càng làm cho những tiến bộ đạt được trong việc thực hiện các mục tiêu bền vững bị gián đoạn. Tổ chức Oxfam ước tính COVID-19 khiến nửa tỷ người, khoảng trên 8% dân số thế giới lâm vào cảnh nghèo đói. Thủ tướng cho rằng, đây thực sự là một thử thách lớn đối với cuộc chiến chống đói nghèo toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng.
Từ những thách thức trên, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, “giảm nghèo trong thời gian tới là công việc của cả trí tuệ và trái tim”.
Thủ tướng đề nghị nghiên cứu trình Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành các nghị quyết, chỉ thị về chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững đến năm 2030, trình Quốc hội ban hành nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bao trùm và phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 vì một Việt Nam không có đói nghèo.
Theo Thủ tướng cần đẩy mạnh đầu tư hạ tầng kinh tế xã hội ở các vùng khó khăn, nhất là hạ tầng giao thông kết nối để tạo cơ hội giao thương, việc làm, đầu tư cho giáo dục và dạy nghề. Bởi dân trí, giáo dục, dạy nghề là những bài toán quan trọng để góp phần mục tiêu quan trọng xóa đói giảm nghèo, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
"Tạo điều kiện thông thương là con đường căn bản để giảm nghèo bền vững, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận nguồn lực để họ tự vươn lên”, Thủ tướng nói và chỉ rõ giải quyết đói nghèo phải đi từ sản xuất kinh doanh, có việc làm mà trước hết là sản xuất nông nghiệp, dịch vụ, nhất là những chương trình đã triển khai tập trung cho vùng có thu nhập thấp.
Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện cho người dân chủ động hơn, năng động hơn, có năng lực, động lực lớn hơn, được trao quyền tự quyết nhiều hơn trong việc thực hiện các mô hình giảm nghèo từ xây dựng chính sách đến tổ chức thực hiện.
Thủ tướng đề nghị cả nước triển khai phong trào mới: “Mỗi xã, mỗi huyện xây dựng một mô hình giảm nghèo tiêu biểu phù hợp với địa phương mình”, với cách làm sáng tạo hơn nữa, giảm nghèo bền vững bắt đầu từ trẻ em, cần đặc biệt quan tâm đến nguồn vốn con người. Các địa phương có điều kiện, phát triển khá hơn nhận hỗ trợ các huyện nghèo, xã có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.
Ngoài ra, lãnh đạo các địa phương phải sát dân hơn, nắm vững từng hộ để có biện pháp hỗ trợ cụ thể. “Lãnh đạo một xã hội mà tầng lớp trung lưu phát triển là đáng mừng nhưng quan trọng nhất là tuyệt đại bộ phận người dân phải có thu nhập, bảo đảm cuộc sống tốt, không còn đói, nghèo mới là lãnh đạo đúng”, Thủ tướng chốt lại.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận