Việt Nam là điểm đến chiến lược của doanh nghiệp Hàn Quốc
Việt Nam là đối tác thương mại quan trọng và là điểm đến chiến lược trong chính sách mở rộng đầu tư về phía Nam của các doanh nghiệp Hàn Quốc thời gian tới.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Xuân Anh-TTXVN
Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo Chính sách thương mại Việt Nam – Hàn Quốc do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại Tp. Hồ Chí Minh (VCCI- HCM) phối hợp với Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 16/7.
Theo Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Hàn Quốc và là địa điểm đầu tư hấp dẫn trong xu hướng mở rộng đầu tư về phía Nam của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn Hàn Quốc.
Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Hàn Quốc đã tăng hơn 130 lần kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (năm 1992) từ 500 triệu USD lên 68,3 tỷ USD.
Đặc biệt, chỉ sau 2 năm sau khi ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc - VKFTA (2015), trao đổi thương mại song phương đã tăng gấp đôi. Điều này cho thấy việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan đã tác động tích cực đến hoạt động xuất nhập khẩu của cả hai quốc gia.
Thương mại hàng hóa thuận lợi cũng giúp hợp tác đầu tư giữa hai nước phát triển một cách mạnh mẽ. Hàn Quốc đã vươn lên là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất của Việt Nam với tổng số vốn đầu tư đạt 64,5 tỷ USD và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới.
Bà Nguyễn Thị Huyền Ngọc, Trưởng phòng Xúc tiến đầu tư, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư phía Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Việt Nam - Hàn Quốc có nhiều thuận lợi trong hợp tác thương mại và đầu tư bởi có lợi thế bổ sung cho nhau, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư, những ngành nghề mà Việt nam có nhu cầu như công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ chính là thế mạnh của doanh nghiệp Hàn Quốc.
Xét về thương mại hàng hóa, Việt Nam với quy mô dân số hơn 96 triệu dân, kinh tế tăng trưởng ở khoảng 7%/năm là thị trường tiêu thụ nhiều tiềm năng.
Ngoài ra, Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi, từ đây có thể tiếp cận với gần một nửa thị trường thế giới chỉ với 6 - 8 giờ bay, chính là cầu nối để các nhà đầu tư mở rộng thị trường.
Một lợi thế khác của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài chính là thuận lợi trong hoạt động xuất khẩu thông qua các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, biểu thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam cũng thấp hơn hoặc tương đương với các quốc gia trong khu vực.
Tuy nhiên, ông Yoon Joo –Young, Trưởng Văn phòng đại diện KOTRA tại Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, điểm yếu lớn nhất trong hợp tác giữa Việt Nam – Hàn Quốc chính là mức độ tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do song phương Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) và Hiệp định Thương mại tự do Asean –Hàn Quốc (AKFTA) chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng.
Theo đó, thương mại Việt Nam – Hàn Quốc tăng trưởng nhanh nhưng chưa tương xứng, cán cân thương mại nghiêng về phía Hàn Quốc và Việt Nam thâm hụt thương mại trong nhiều năm. Việc tận dụng ưu đãi thuế quan từ VKFTA và AKFTA đều ở mức thấp.
Cụ thể, tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Hàn Quốc AKFTA chỉ ở mức 37%, mức trung bình tận dụng cả AKFTA và VKFTA là 62%.
Đặc biệt, trong khi 90% hàng hóa Hàn Quốc nhập khẩu vào Việt Nam tận dụng ưu đãi thuế thì ở chiều ngược lại chỉ có 47% hàng hóa Việt Nam tận dụng được ưu đãi thuế khi xuất khẩu sang Hàn Quốc.
Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân hàng hóa Việt Nam chưa tận dụng được các ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu vào thị trường có FTA là do vướng mắc về quy tắc xuất xứ hàng hóa và thủ tục để được hưởng ưu đãi quá phức tạp.
Trong bối cảnh cạnh tranh thương mại ngày càng khốc liệt và xu hướng thương mại diễn biến phức tạp, doanh nghiệp muốn trụ vững và phát triển phải có chiến lược tận dụng hiệu quả những ưu đãi thuế quan.
Việc này đòi hỏi sự nổ lực của doanh nghiệp trong việc xác định lại nguồn cung nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất cũng như việc đơn giản hóa quy trình tân dụng ưu đãi từ phía các cơ quan quản lý nhà nước./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận