Việt Nam là đầu cầu đầy hứa hẹn giữa doanh nghiệp Đức với ASEAN
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại hiện nay, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và EU có rất nhiều cơ hội sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết.
Nhân dịp ngành Việt Nam học thuộc Viện Á Phi - Đại học Hamburg ngày 22/6 tổ chức ngày Việt Nam (Vietnam Tag) trong khuôn khổ kỷ niệm 100 năm thành lập Đại học Hamburg (1919 - 2019), Tiến sĩ Gerhard Will, nguyên chuyên gia về châu Á, Viện nghiên cứu Khoa học và Chính trị ở Berlin (SWP) và Tiến sĩ Daniel Müller, Giám đốc khu vực ASEAN của Hiệp hội doanh nghiệp Đức tại châu Á-Thái Bình Dương (OAV) đưa ra đánh giá về tình hình phát triển kinh tế Việt Nam thời gian qua, cơ hội hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU), Việt Nam - Đức.
Theo Tiến sĩ Will, sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong sáu tháng đầu năm 2019 rất tốt. Trong bối cảnh căng thẳng thương mại hiện nay, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và EU có rất nhiều cơ hội sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết.
Tuy nhiên, để tận dụng mọi cơ hội có thể đem đến cho sự phát triển kinh tế, Tiến sĩ Will cho rằng Việt Nam cần phải có những phân tích thận trọng, cần thiết dự báo về cơ hội cũng như khó khăn có thể xảy ra. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần chú trọng “nâng cao nấc thang sản xuất” và phát triển các sản phẩm chất lượng cao, với giá trị lớn hơn; tăng cường đội ngũ chuyên môn, chuyên gia chất lượng cao.
Về phần mình, Tiến sĩ Müller nhận định trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu Việt Nam là một đầu cầu đầy hứa hẹn để các doanh nghiệp Đức tới khu vực ASEAN. Thêm vào đó, thu nhập đang được tăng cao của nền kinh tế 96 triệu dân, sự giao thương liên tục tăng giữa hai nước nhấn mạnh sự quan tâm của hai bên với nhau.
Tiến sĩ Müller nhấn mạnh, việc EVFTA được ký kết càng góp thêm sự thu hút của Việt Nam. Một số quốc gia, trong đó có Đức - có thế mạnh trong các lĩnh vực sẽ được hưởng lợi từ Hiệp định EVFTA trên các lĩnh vực khác nhau như sản xuất máy móc - phương tiện - công nghệ, dược phẩm và phương tiện vận tải. Ngoài ra, các doanh nghiệp thực phẩm Đức là khả năng tiếp cận đấu thầu nhà nước dễ dàng hơn bởi thế mạnh về bảo vệ, nguồn gốc thực phẩm rõ ràng.
Với EVFTA, Việt Nam cũng gửi tín hiệu mạnh mẽ về sự cởi mở của mình trong hoàn cảnh bảo hộ thương mại gia tăng và điều này gián tiếp mang lại sự chú ý với các lợi thế đa dạng của Việt Nam. Việt Nam có thể tận dụng lợi thế này để cạnh tranh mạnh mẽ hơn nhắm tới hợp tác thương mại sâu sắc với Đức.
Tiến sĩ Müller đánh giá cao về các chuyến thăm của các phái đoàn kinh tế cấp cao giữa Đức và Việt Nam trong những tháng đầu năm 2019 như chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Kinh tế Liên bang Đức Peter Altmaier cùng phái đoàn kinh tế cấp cao và một số nghị sĩ Quốc hội Liên bang Đức tới Việt Nam (từ ngày 24-26/3), Hiệp hội OVA cũng đã tiếp đón và làm việc với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Nguyễn Chí Dũng vào tháng Ba tại Hamburg, tổ chức buổi làm việc giữa Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh và các thành viên của hiệp hội OVA.
Giữa tháng 11 năm nay, Hiệp hội OVA sẽ thực hiện chuyến đi tới Việt Nam và tập trung vào lĩnh vực chế biến thực phẩm và khoa học sức khỏe (y tế và dược phẩm). Tiến sĩ Müller nhấn mạnh “chúng tôi đánh giá những ngành này có tiềm năng hợp tác rất lớn giữa Đức và Việt Nam”.
Tiến sĩ Müller nói thêm với chính sách thu hút, chào đón đầu tư nước ngoài hiện tại, Việt Nam nên quan tâm đẩy mạnh các lĩnh vực công nghệ truyền thông - thông tin, hàng may mặc, ngành ô tô. Trong bối cảnh thương mại quốc tế với những hạn chế đang diễn ra, Việt Nam nên tập trung nhiều hơn vào phát triển nội lực và nâng khả năng tạo ra giá trị kinh tế trong nước./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận