24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nhật Anh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Việt Nam kỳ vọng xuất khẩu vaccine Covid-19

Sáng 15/3, tại trường Đại học Y Hà Nội, chương trình nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vaccine Covivac phòng Covid-19 do Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC) nghiên cứu đã chính thức tiêm cho người tình nguyện.

Đây là sự kiện đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình nghiên cứu và sản xuất vaccine phòng Covid-19 “made in Vietnam”.

Đảm bảo an toàn tiêm thử nghiệm

Theo thông tin từ IVAC, sau sơ tuyển ban đầu, đã có 230 tình nguyện viên từ 18 - 59 tuổi được mời đến tư vấn, họ đều chấp thuận tham gia nghiên cứu, khám sức khỏe và lấy mẫu máu xét nghiệm sàng lọc tại trường Đại học Y Hà Nội. Trong đó, có 6 người vì lý do thời gian nên không thể tham gia vào nghiên cứu. Trong số 224 người, nhóm nghiên cứu lựa chọn được 120 người tình nguyện khỏe mạnh đủ tiêu chuẩn, chia đều theo các nhóm tuổi và giới tính lần lượt đến tham gia tiêm liều đầu tiên.

120 người được chia thành 5 nhóm tiêm với các mức liều khác nhau. Trong buổi tiêm sáng 15/3, 6 người tình nguyện đã được tiêm mũi đầu tiên. Với liều tiêm thứ nhất, 114 người còn lại sẽ lần lượt được tiêm theo các đợt, mỗi đợt cách nhau 8 ngày cho đến 20/4. Theo lịch trình nghiên cứu, mỗi đợt sẽ tổ chức tiêm từ 12 - 18 người/ngày. Mũi tiêm thứ hai sẽ được tiêm sau mũi thứ nhất 28 ngày.

Sau khi có báo cáo kết quả giữa kỳ và cuối kỳ của giai đoạn 1, nếu vaccine cho thấy đạt các tiêu chuẩn về an toàn và tạo được miễn dịch có khả năng phòng bệnh, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 2 với cỡ mẫu lớn hơn. Giai đoạn 2 sẽ được triển khai tiêm tại Trung tâm Y tế huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình - cơ sở y tế đã được Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư lựa chọn và tổ chức triển khai thử nghiệm lâm sàng nhiều vaccine trước đây.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, đoàn công tác của Bộ Y tế sẽ giám sát toàn bộ quá trình tiêm thử nghiệm lâm sàng của vaccine Covivac và phối hợp với các đơn vị liên quan để đảm bảo quy trình nghiên cứu thử nghiệm đạt sự an toàn và hiệu quả.

Triển vọng vaccine Việt

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, đây là sự kiện đánh dấu mốc quan trọng của tiến trình nghiên cứu và sản xuất vaccine phòng Covid-19 “made in Vietnam” do đơn vị trực thuộc Bộ Y tế thực hiện. Cũng theo ông, dù điều kiện đầu tư của Việt Nam không được như nhiều nước ở châu Âu, Mỹ hay các nước phát triển nhưng các nhà khoa học Việt Nam đã dốc sức, nỗ lực hết lòng vì cộng đồng mang lại thành quả bước đầu. Các cơ quan chức năng của Bộ Y tế và Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học làm việc khoa học, công tâm, rút ngắn tối đa thời gian để thông qua đề cương thử nghiệm lâm sàng pha 1, pha 2 trên tinh thần khoa học - chặt chẽ - an toàn…". Đây là vaccine mà chúng tôi rất kỳ vọng và có niềm tin sẽ thành công. Qua nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam, Ấn Độ và Hoa Kỳ cho thấy hiệu quả bảo vệ của vaccine này không chỉ với chủng virus bình thường mà còn với biến chủng tại Anh, Nam Phi" - Thứ trưởng Bộ Y tế nói.

Khi sản xuất thành công được vaccine phòng Covid-19, Việt Nam có thể chủ động được nguồn vaccine trong nước. Lãnh đạo Bộ Y tế kỳ vọng cuối năm 2021, đầu năm 2022 có thể có vaccine để sử dụng, thậm chí xuất khẩu.

Thông tin công nghệ sản xuất của Covivac tương đồng công nghệ vaccine của AstraZeneca, ông Dương Hữu Thái - Viện trưởng IVAC cho biết, cả 2 loại vaccine đều sử dụng công nghệ vector, tuy nhiên có giá thể khác nhau, trong đó công nghệ của AstraZeneca dùng Adenovirus tái tổ hợp và còn của Covivac dùng NewCastle virus. Cùng đó, IVAC sản xuất Covivac trên công nghệ trứng gà có phôi truyền thống đã sản xuất vaccine cúm thành công. Công nghệ này quốc tế sử dụng nhiều và IVAC đã làm chủ; còn của AstraZeneca sản xuất theo công nghệ nuôi cấy tế bào.

Liên quan đến vấn đề mua bảo hiểm cho người tham gia nghiên cứu, ông Nguyễn Ngô Quang - Phó Cục trưởng Cục KHCN&ĐT (Bộ Y tế) cho biết, IVAC đến nay đã mua bảo hiểm cho tất cả đối tượng nghiên cứu, Bộ Y tế đã nhận được hồ sơ IVAC trình. Công ty ký hợp đồng trách nhiệm tổng tiền tối đa mua bảo hiểm cho cả đợt nghiên cứu khoảng 40 tỷ đồng. Theo ông Quang, đây là quy định không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước trên thế giới, đảm bảo vấn đề về pháp lý và đạo đức.

Hiện trên thế giới có 187 công ty, nhóm đang phát triển vaccine phòng Covid-19. Việt Nam có 4 nhà sản xuất (Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC), Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH), Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vaccine và Sinh phẩm y tế (POLYVAC), Công ty TNHH Công nghệ sinh học Dược NANOGEN). Hiện 4 nhà sản xuất này đang nghiên cứu vaccine theo các hướng công nghệ khác nhau.

Theo ông Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Việt Nam có truyền thống đáng tự hào trong nghiên cứu, sản xuất vaccine, hiện nay Việt Nam đã tự sản xuất được vaccine phòng 16 loại bệnh. Vaccine sản xuất trong nước đã được đưa vào phục vụ chương trình tiêm chủng mở rộng góp phần thanh toán và đẩy lùi nhiều dịch bệnh nguy hiểm, bảo đảm an ninh, an toàn sức khỏe quốc gia. Bên cạnh đó, Hệ thống Quản lý chất lượng vaccine Quốc gia của Việt Nam cũng đã được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận, mở ra cơ hội lớn cho việc xuất khẩu vaccine trong nước.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả