Việt Nam không còn là "thị trường biên"
Theo đánh giá của các chuyên gia, các quỹ đầu tư tư nhân toàn cầu là những đơn vị đầu tiên đầu tư vào các tập đoàn hàng đầu của Việt Nam - hiện đang ưa thích đầu tư vào các lĩnh vực giao dịch nhỏ.
VN-Index duy trì ở mức cao là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp chuyển nhượng mua bán sáp nhập (M&A) hay phát hành thêm cổ phiếu, từ đó gia tăng năng lực tài chính và ghi nhận các khoản lãi tài chính đáng kể.
Đơn cử, The CrownX một công ty con của Tập đoàn Masan mới đây nhận được khoản đầu tư 350 triệu USD từ các quỹ TPG, Platinum Orchid và SeaTown Master Fund. Trước đó, thành viên khác của Masan là Núi Pháo chào bán 110 triệu cổ phần trị giá 90 triệu USD cho nhà đầu tư Nhật Mitsubishi Materials Corporation.
Ở ngành thủy sản, Tập đoàn PAN Group bán 5,4 triệu cổ phiếu thủy sản Sao Ta cho Tập đoàn C.P của Thái Lan với giá trị gần 500 tỷ đồng. Ở mảng công nghệ, trên thị trường đang rộ lên thông tin nền tảng thanh toán di động MoMo sẽ chuyển nhượng 7,5% cổ phần với giá trị lên đến 170 triệu USD cho ngân hàng Mizuho của Nhật Bản. Nếu thương vụ này thành công sẽ giúp giá trị của MoMo tăng lên khoảng 1,5 tỷ USD và trở thành “kỳ lân” mới.
Những tháng cuối năm, bất động sản cũng chứng kiến một số thương vụ M&A “chốt sổ”, tạo điều kiện để chủ đầu tư mới xúc tiến thủ tục và đưa tài sản vào khai khác kinh doanh ngay đầu năm sau nhằm đón sóng phục hồi kinh tế và đầu tư công. Chẳng hạn, ở Bình Dương, CapitaLand (Singapore) thâu tóm lô đất có tổng diện tích 18,9 ha với số tiền lên tới 242 triệu USD. Hay như bất động sản Nam Long ký hợp tác chiến lược toàn diện với cổ đông lớn TBS Land. Nam Long dự kiến sẽ hoàn tất thêm thương vụ bán 50% cổ phần tại dự án Paragon Đại Phước cho nhà đầu tư Nhật và ghi nhận 300 tỷ đồng lợi nhuận.
Thị trường M&A năm nay sẽ có thể thêm thương vụ lớn khác khi Tập đoàn Vingroup đang đàm phán với các nhà đầu tư toàn cầu, trong đó có quỹ đầu tư Qatar để huy động thêm 1 tỷ USD. Công ty Xây lắp điện I (PC1) lên kế hoạch mua 30% cổ phần tại Công ty cổ phần Western Pacific - chủ đầu tư dự án Trung tâm logistics thông minh cao tầng tại Khu công nghiệp Yên Phong II - A, Bắc Ninh.
Báo cáo của Công ty kiểm toán KPMG cho thấy, bất chấp đại dịch Covid-19, trong 10 tháng năm 2021, tổng giá trị các giao dịch M&A trên thị trường đã đạt 8,8 tỷ USD với hơn 500 thương vụ giao dịch được công bố. Trong đó, giá trị giao dịch được thực hiện bởi các nhà đầu tư trong nước khoảng 1,6 tỷ USD với hơn 130 thương vụ giao dịch.
Theo đánh giá của các chuyên gia, các quỹ đầu tư tư nhân toàn cầu (Global PE) là những đơn vị đầu tiên đầu tư vào các tập đoàn hàng đầu của Việt Nam - hiện đang ưa thích đầu tư vào các lĩnh vực giao dịch nhỏ. “Đó là hiện tượng của một thị trường mới nổi rộng lớn”, ông Conrad Tsang - Chủ tịch và đồng sáng lập, Strategic Year Holdings Limited (công ty cổ phần tư nhân có trụ sở tại Hồng Kông) cho biết và nhấn thêm: Nhiều quỹ PE theo truyền thống thực hiện các giao dịch mua lại quy mô lớn ở các thị trường phát triển, sau đó đến các khu vực trưởng thành hơn ở châu Á như Singapore, Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc. Nhờ nền tảng cơ bản hấp dẫn, các nhà đầu tư này ngày càng quan tâm đến Việt Nam - thị trường cách đây 5 năm vẫn còn gọi là thị trường biên. “Giờ mọi người không còn gọi Việt Nam là thị trường biên nữa”, ông Conrad Tsang cho biết.
Công ty chứng khoán VNDirect dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ trở lại trạng thái “bình thường mới” vào năm 2022 với triển vọng tăng trưởng tươi sáng. Dự kiến tăng trưởng GDP đạt 7,5%, với tốc độ phục hồi cao trên mọi phương diện. Ngành dịch vụ sẽ phục hồi và có tốc độ tăng trưởng cao hơn nhờ việc mở lại các dịch vụ không thiết yếu và sự phục hồi của cầu tiêu dùng nội địa. Xuất khẩu duy trì đà tăng tích cực nhờ thương mại toàn cầu được kỳ vọng sẽ tiếp tục phục hồi trong năm sau. Cùng với các gói hỗ trợ tài khóa sắp tới, Chính phủ có kế hoạch tăng cường đầu tư công vào năm 2022 để bù đắp cho sự suy giảm của các động lực tăng trưởng khác.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận