Việt Nam giữ vững vị trí Á Quân xuất khẩu gạo trên thế giới
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) , xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ đạt 6,4 triệu tấn trong năm 2021, tăng 233 nghìn tấn; Thái Lan đạt 6,1 triệu tấn, tăng gần 400 nghìn tấn và Ấn Độ đạt 15,5 triệu tấn, tăng 940 nghìn tấn. Việt Nam tiếp tục giữ vị trí xuất khẩu gạo thứ 2 thế giới, vượt lên cả Thái Lan, chỉ đứng sau Ấn Độ.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT), năm 2020, Việt Nam đã XK thành công 6,15 triệu tấn gạo, mang về tổng giá trị kim ngạch 3,07 tỉ USD. Điều đáng nói là hàm lượng gạo phẩm cấp cao để XK ngày càng tăng, chất lượng gạo của Việt Nam đang chiếm được sự ưa chuộng và tín nhiệm của người tiêu dùng nhiều nước.
Điều này cho thấy, XK gạo của Việt Nam đã đi đúng hướng: Giảm số lượng và tăng giá trị. Khối lượng gạo XK năm 2020 giảm 3,5% nhưng tăng tới 9,3% về giá trị. Bước sang năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp ở cả Việt Nam và trên thế giới, bên cạnh đó là áp lực thiếu container rỗng, cước phí logistics tăng ảnh hưởng đến giá thành hàng hóa XK, nhưng XK gạo của Việt Nam vẫn mang về trên 1,01 tỉ USD.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), khối lượng gạo xuất khẩu tháng 4.2021 ước đạt 700.000 tấn với giá trị đạt 362 triệu USD, đưa tổng khối lượng gạo xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2021 đạt 1,9 triệu tấn với giá trị 1,01 tỉ USD, giảm 10,8% về khối lượng nhưng tăng 1,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Gạo của Việt Nam đang là một trong những mặt hàng chủ lực xuất khẩu mang về nguồn ngoại tệ lớn đóng góp vào kinh tế chung của đất nước.
Về chủng loại xuất khẩu, trong 3 tháng đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu gạo trắng chiếm 39,3% tổng kim ngạch; gạo jasmine và gạo thơm chiếm 36,0%; gạo nếp chiếm 22,0%; gạo Japonica và gạo giống Nhật chiếm 2,6%, còn các loại gạo khác chiếm 0,1%.
Các thị trường xuất khẩu gạo trắng lớn nhất của Việt Nam là Philippines (chiếm 63,1%), Cuba (chiếm 12,6%) và Malaysia (chiếm 5,7%). Với gạo Jasmine và gạo thơm, thị trường xuất khẩu lớn nhất là Philippines (chiếm 21,9%), Ghana (19,8%) và Bờ Biển Ngà (chiếm 16,8%). Với gạo nếp, thị trường xuất khẩu lớn là Trung Quốc (chiếm 82,5%), Malaysia (chiếm 6,7%) và Philippines (chiếm 4,3%). Với gạo Japonica và gạo giống Nhật, thị trường xuất khẩu lớn nhất và nhì của Việt Nam là Đảo quốc Solomon (chiếm 11,8%) và Campuchia (chiếm 11,8%), tiếp theo là Ảrập Xê út (chiếm 8,7%)… Căn cứ tỉ lệ XK của từng chủng loại cho thấy, Việt Nam đang đẩy mạnh XK gạo phẩm cấp cao sang các nước, theo đúng chiến lược “giảm số lượng, tăng giá trị kim ngạch” theo đúng chiến lược XK gạo từ nay đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Phân tích về các nước xuất khẩu gạo, USDA dự báo Ấn Độ tiếp tục là nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, dự kiến xuất 15,5 triệu tấn, tăng 940.000 tấn so với năm 2020; Việt Nam duy trì giữ vị trí thứ hai với 6,4 triệu tấn, tăng 233.000 tấn. Đứng thứ ba là Thái Lan dự kiến đạt 6,1 triệu tấn, tăng gần 400.000 tấn.
Năm 2020, Việt Nam xuất khẩu 6,15 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 3,07 tỷ USD, giảm 3,5% về lượng và tăng 9,3% về trị giá so với năm 2019.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tiếp tục chuyển dịch sang các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao với giá bán và giá trị gia tăng cao hơn.
Cùng với đó, người nông dân và các thương nhân xuất khẩu gạo ngày càng quan tâm hơn tới việc nâng cao chất lượng, truy xuất nguồn gốc và hướng tới đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường như EU, Hàn Quốc, Mỹ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận