Việt Nam gia nhập ASEAN Khởi đầu của những khởi đầu
Việt Nam trở thành thành viên của ASEAN là một ký ức không thể quên của nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm.
Quyết sách đúng đắn
Nói về việc Việt Nam gia nhập ASEAN năm 1995, nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm luôn cho rằng, đó là một quyết sách đúng đắn và kịp thời thể hiện khả năng nắm bắt được sự phát triển của xu thế toàn cầu hóa gắn với khu vực hóa.
Trở thành thành viên thứ bảy của ASEAN, theo nhà ngoại giao kỳ cựu, Việt Nam đã đáp ứng được lời tuyên bố của các nhà sáng lập ra Hiệp hội là “tăng cường hợp tác để mỗi nước phát triển và cả khu vực cùng phát triển”. Tham gia ASEAN, Việt Nam đồng thời gia nhập AFTA – tổ chức hợp tác kinh tế của ASEAN. Nhờ tranh thủ cơ hội hợp tác với các nước trong Hiệp hội sẽ giúp đất nước vừa thoát khỏi bao vây cấm vận, đẩy nhanh sự phát triển đất nước.
Sáu tháng sau khi gia nhập ASEAN, Hiệp hội (lúc này đã có bảy thành viên) cùng với ba nước châu Á khác là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đại diện cho châu Á họp với 17 nước châu Âu thành lập Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM). Nhờ đó, Việt Nam nghiễm nhiên là một thành viên sáng lập của tổ chức liên khu vực, liên châu lục này, có quan hệ hợp tác, cả trên bình diện song phương lẫn bình diện đa phương, với các nước châu Âu có trình độ phát triển cao và tiềm năng lớn, góp phần đẩy nhanh hơn nữa sự phát triển. Năm 1998, Việt Nam gia nhập Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) bao gồm các nước ở hai bên bờ Thái Bình Dương, trong đó có những nước phát triển hàng đầu như Mỹ và Nhật Bản.
Như vậy, sau khi gia nhập ASEAN, Việt Nam cùng các nước trong tổ chức hoặc dựa vào uy tín và kinh nghiệm của ASEAN, tranh thủ được ngày càng nhiều đối tác phát triển mạnh, có tiềm năng, số vốn lớn, công nghệ, kỹ thuật cao cùng kinh nghiệm quản lý tốt đã góp phần tăng thế và lực của mình.
Thời khắc không phai
Nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm gắn bó với sự nghiệp ngoại giao hơn 50 năm trời. Làm ngoại giao, ông có dịp đi nhiều nước, gặp nhiều bạn bè trên khắp thế giới và lưu lại trong mình không ít kỷ niệm.
Một trong hai sự kiện để lại ấn tượng không thể phai mờ trong ông là lễ kết nạp Việt Nam vào ASEAN diễn ra tại Quảng trường Trung tâm Hội nghị Quốc gia Brunei chiều 28/7/1995.
Ông kể lại, khoảnh khắc khi lá cờ đỏ sao vàng từ từ kéo lên, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ bảy của ASEAN, “tôi xúc động đến rưng rưng nước mắt”. Khi lá cờ được kéo lên đỉnh, một tràng pháo tay vang lên, từng cái bắt tay, từng khuôn mặt hân hoan của các ngoại trưởng ASEAN, quan chức nước chủ nhà và các nước thành viên ASEAN dự buổi lễ chúc mừng cho Việt Nam khiến nhà ngoại giao kỳ cựu càng không thể quên.
Ngay sau đó, đại diện cho thành viên thứ bảy của ASEAN, ông Nguyễn Mạnh Cầm khi đó là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, thay mặt Chính phủ lên đọc diễn văn. Bày tỏ niềm vui khi Việt Nam trở thành thành viên ASEAN, ông cảm ơn đồng nghiệp và nhấn mạnh vai trò quan trọng của ASEAN và hứa sẽ làm hết sức với tư cách là một thành viên có trách nhiệm trong tổ chức này.
Cũng sau diễn văn của đại diện Việt Nam, sáu Ngoại trưởng và Tổng Thư ký ASEAN đã phát biểu chúc mừng và ca ngợi Việt Nam hết lời. Sự xúc động đó hòa quyện với niềm tự hào về đất nước và dân tộc từ những giờ phút ấy đã khắc sâu vào tâm trí nhà ngoại giao kỳ cựu...
Những người bạn thân thiết
Nghiệp ngoại giao nhiều thập niên giúp ông Nguyễn Mạnh Cầm gặp, tiếp xúc rồi thân thiết với nhiều bạn bè trên thế giới. Đó là những người bạn từ Bộ Ngoại giao và Ban đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô ông gặp khi bắt đầu sự nghiệp tại Moscow, những người bạn khi công tác tại Hungary. Và đặc biệt, đó còn là những đồng nghiệp trong ASEAN.
Năm tháng sau khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt kết thúc chuyến thăm hai nước ASEAN, tháng 7/1992, ASEAN chủ động mời Bộ trưởng Ngoại giao hai nước Việt Nam và Lào dự Hội nghị Ngoại trưởng hàng năm, ký Hiệp ước thân thiện và hợp tác Đông Nam Á – văn kiện chính của ASEAN và nhận cương vị quan sát viên.
Trong cuộc trò chuyện, ông Nguyễn Mạnh Cầm nhắc lại một điều đặc biệt thú vị trong buổi đầu, khi ông và Bộ trưởng Ngoại giao Lào nhận cương vị quan sát viên, các đồng nghiệp ASEAN đều đổi cách xưng hô từ “ông” hoặc “Ngài” bằng tên như những người bạn thân thiết từ lâu.
Kể từ sau đó, các cuộc họp đều diễn ra trong không khí thân mật và dễ đi đến đồng thuận dù có những vấn đề ban đầu khác nhau phải tranh cãi, nhưng dù có lời qua tiếng lại cũng nhẹ nhàng không ảnh hưởng bầu không khí thân thiện.
Từ ngày Việt Nam gia nhập ASEAN đến ngày ông Nguyễn Mạnh Cầm thôi kiêm chức Bộ trưởng Ngoại giao, ông tham gia các hoạt động trong ASEAN khoảng 4 năm rưỡi. “Trong thời gian đó, có một vài nước thay đổi Bộ trưởng, nhưng chúng tôi vẫn giữ cách xưng hô như buổi ban đầu”, ông nhớ lại.
Đến nay trong số đồng nghiệp làm việc với ông hồi đó có người đã mất hay chuyển sang làm nhiệm vụ khác. Ông vẫn giữ liên hệ với một số người bạn cũ, do điều kiện địa lý và công việc cũng như hoàn cảnh khác nhau nên ít khi gặp được nhau.
“Thỉnh thoảng, chúng tôi vẫn gửi thư thăm hỏi nhau, nhắc lại kỷ niệm những ngày hợp tác với nhau và gửi thư chúc mừng nhau nhân các ngày lễ, tết và Quốc khánh”, ông chia sẻ.
Khi golf là đầu câu chuyện
Một năm trước khi Việt Nam gia nhập ASEAN, tại cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 7/1994 tổ chức ở Bangkok, theo lời dặn của Tổng Thư ký, Bộ trưởng Ngoại giao khi đó là ông Nguyễn Mạnh Cầm phải nói rõ rằng Việt Nam đã sẵn sàng tham gia ASEAN chưa. Bắt đầu cuộc họp, chủ tọa nêu vấn đề: “Đề nghị bạn Cầm cho biết Việt Nam đã sẵn sàng gia nhập ASEAN chưa, tự xét đã đủ điều kiện chưa?". Nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm đứng dậy, dõng dạc nói: “Việt Nam sẵn sàng gia nhập ASEAN và tự nhận mình đã đủ điều kiện gia nhập”.
Cả khán phòng vỗ tay hoan nghênh và Việt Nam được ghi vào biên bản để chuẩn bị cho lễ kết nạp vào tháng Bảy năm sau tại Brunei. Đột nhiên, Ngoại trưởng Malaysia Badawi đứng dậy: “Cầm ơi, điều kiện Việt Nam thì đủ rồi, nhưng còn hai điều kiện với Ngoại trưởng”. Ông Nguyễn Mạnh Cầm khi đó hơi ngỡ ngàng nhưng vẫn vui vẻ hỏi lại Ngoại trưởng Badawi rằng: “Những điều kiện gì, có khó không?”. Ngoại trưởng Malaysia chậm rãi: “Điều kiện thứ nhất: Trong ASEAN chỉ nói tiếng Anh, không được nói tiếng Pháp hay tiếng Nga”.
Tuy với vốn tiếng Anh tự học và chỉ cần cố gắng thì sử dụng được nên ông Nguyễn Mạnh Cầm mạnh dạn trả lời: “Về tiếng Anh, tuy vốn ít nhưng tôi sẽ cố gắng. Còn điều kiện thứ hai?”, ông Nguyễn Mạnh Cầm hỏi. Ngoại trưởng Badawi vừa cười vừa nói: “Vào ASEAN phải đánh golf!”. Nhà ngoại giao kỳ cựu liền trả lời: “Điều kiện này khó quá, khó hơn cả điều kiện Việt Nam vào ASEAN vì từ bé đến giờ tôi có biết golf là gì đâu”.
Ngoại trưởng Indonesia liền đứng dậy: “Cầm ơi, golf trong ASEAN là làm việc đấy chứ không phải đánh cho vui hay để tăng sức khỏe đâu. Cậu yên tâm bọn tớ sẽ tạo điều kiện giúp cậu đánh golf. Người Việt Nam làm gì chẳng được!”. Tất cả cười xòa vui vẻ. Quả thực đúng như vậy, các cuộc họp của ASEAN từ chuyên viên cao cấp, Bộ trưởng đến Hội nghị cấp cao trong chương trình nghị sự bao giờ cũng có một buổi chơi golf…
“Lúc bấy giờ, nắm bắt được sự phát triển của xu thế toàn cầu hóa gắn với khu vực hóa, ta đã có một quyết sách đúng đắn và kịp thời là gia nhập ASEAN. Gia nhập ASEAN, chúng ta đáp ứng lời tuyên bố của các nhà sáng lập ra Hiệp hội tăng cường hợp tác để mỗi nước phát triển và cả khu vực cùng phát triển”.
Nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận