Việt Nam được hưởng lợi từ việc Ấn Độ ngăn chặn đầu tư của Trung Quốc
Những năm gần đây, Việt Nam vươn lên mạnh mẽ trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, bao gồm đầu tư từ Trung Quốc.
Theo trang The Economic Times của Ấn Độ hôm 6/7, kể từ khi áp đặt một số yêu cầu đối với đầu tư nước ngoài từ các quốc gia có chung biên giới trên bộ với Ấn Độ vào tháng 4/2020, Chính phủ Ấn Độ đã phê duyệt 80 đề xuất liên quan đến các thực thể Trung Quốc (tính đến ngày 29/6). Trong giai đoạn này, Ấn Độ đã nhận được 382 đề xuất đầu tư từ các thực thể Trung Quốc.
Mặc dù bản tin của The Economic Times khẳng định rằng Ấn Độ đã nới lỏng một số hạn chế đối với đầu tư của Trung Quốc từ giữa năm 2021, nhưng tốc độ phê duyệt tương đối chậm cho thấy cách tiếp cận thận trọng của Chính phủ Ấn Độ đối với các đề xuất đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Trung Quốc.
Lâu nay, Ấn Độ đã hướng tới mục tiêu trở thành cường quốc sản xuất bằng cách thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển nền kinh tế công nghiệp trong nước, nhưng chính sách bảo hộ của Ấn Độ bị nghi ngờ mâu thuẫn với các mục tiêu của họ. Ví dụ, việc Ấn Độ ngăn chặn đầu tư của Trung Quốc đã thực sự nhường những cơ hội phát triển cho Việt Nam.
Trước năm 2020, đã từng có cuộc thảo luận sôi nổi về việc liệu Việt Nam hay Ấn Độ sẽ thực hiện chuyển giao công nghiệp của Trung Quốc để trở thành trung tâm sản xuất tiếp theo của thế giới. Hiện tình hình đã rõ ràng khi ngành sản xuất Việt Nam đã cho thấy khả năng phục hồi và tăng trưởng cao hơn trong thời kỳ đại dịch. Trong quý 1/2022, GDP của Việt Nam đã tăng khoảng 5%, trong khi thương mại hàng hóa của Việt Nam đạt 176,35 tỷ USD; xuất khẩu của Việt Nam đạt 88,58 tỷ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Một lý do quan trọng đằng sau sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam là chính sách đầu tư nước ngoài thân thiện.
Một số ý kiến có thể tranh luận rằng Ấn Độ và Việt Nam có những chiến lược phát triển khác nhau do các điều kiện kinh tế khác nhau. Tuy nhiên, nếu thu hút đầu tư nước ngoài vẫn là yếu tố quan trọng đối với chiến lược phát triển của Ấn Độ thì kinh nghiệm của Việt Nam có thể vẫn có giá trị tham khảo tốt ở một mức độ nhất định.
Sự không chắc chắn xung quanh việc “đối xử” với đầu tư nước ngoài của Ấn Độ có vẻ chỉ gây tổn hại cho những lợi ích của các công ty Trung Quốc trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài, uy tín của Ấn Độ trong việc thu hút đầu tư nước ngoài và niềm tin của các công ty nước ngoài vào môi trường đầu tư ở Ấn Độ đã bị tổn hại.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận