Việt Nam dự kiến vay nợ nước ngoài thêm trên 1,2 tỷ USD trong năm nay
Bộ Tài chính cho biết dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ hoàn thành việc đàm phán, ký kết 12 hiệp định, thỏa thuận vay vốn ưu đãi nước ngoài, với tổng trị giá ký kết khoảng 1,255 tỷ USD...
Thông tin về công tác huy động vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, tính đến giữa tháng 11/2023, Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ đã thực hiện ký kết 6 hiệp định vay nước ngoài với Quỹ quốc tế về phát triển nông nghiệp (IFAD), Hàn Quốc và Nhật Bản với tổng trị giá ký kết khoảng 531,79 triệu USD.
"Dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ hoàn thành đàm phán, ký kết 12 hiệp định, thỏa thuận vay với tổng trị giá ký kết khoảng 1,255 tỷ USD". Bộ Tài chính.
Trong tháng 11, Bộ Tài chính cũng trình đề xuất đàm phán với một số các Tổ chức Tài chính như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KFW), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB)...cho các dự án về phát triển hạ tầng giao thông, năng lượng, môi trường...
Song song, Bộ Tài chính tổng hợp ý kiến và báo cáo bộ dự thảo báo cáo đánh giá giữa kỳ kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025.
Theo trên, tính đến cuối năm 2022, các chủ nợ song phương chủ yếu của Việt Nam gồm Nhật Bản cho Chính phủ Việt Nam vay hơn 10,6 tỷ USD (tương ứng 252.000 tỷ đồng); Hàn Quốc, Pháp cho vay hơn 1 tỷ USD tương ứng khoảng 27.000 tỷ đồng; Đức cho vay hơn 500 triệu USD (trên 13.000 tỷ đồng)…
Tính theo đối tác đa phương, WB đứng đầu danh sách chủ nợ với gần 15 tỷ USD (tương ứng trên 350.000 tỷ đồng), tiếp đến là Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) với gần 7,7 tỷ USD, tương đương khoảng 180.000 tỷ đồng…
Gần đây nhất, tháng 7/2023, Chính phủ thực hiện ký kết 3 hiệp định vay Chính phủ Nhật Bản với tổng giá trị 434,45 triệu USD. Với ba khoản vay được ký kết này, Nhật Bản tiếp tục là nhà tài trợ song phương lớn nhất của Việt Nam với tổng số vốn cam kết đến nay lên tới hơn 2.567 tỷ Yên, tương đương khoảng hơn 23 tỷ USD.
Theo đó, khoản vay lớn nhất là thỏa thuận vay hỗ trợ ngân sách trị giá 50 tỷ Yên cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam hậu Covid-19. Đây là khoản vay thuộc chương trình ODA thế hệ mới được triển khai trên cơ sở cam kết của Thủ tướng Chính phủ hai nước Việt Nam và Nhật Bản với lãi suất ưu đãi nhất từ trước đến nay, theo cơ chế giải ngân nhanh, hòa đồng trực tiếp vào ngân sách nhà nước. Khoản vay này được triển khai với thủ tục nhanh chóng, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ hai nước cam kết cho đến khi hoàn thành ký thỏa thuận vay chỉ trong vòng 1 năm.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản cũng triển khai ký kết 2 thỏa thuận vay cho các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng của hai tỉnh Bình Dương và Lâm Đồng.
Trong đó, khoản vay cho dự án cải tạo hạ tầng giao thông công cộng tại tỉnh Bình Dương trị giá 6,3 tỷ Yên được triển khai trong lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông thông qua việc phát triển hệ thống xe buýt nhanh kết nối giao thông giữa tỉnh Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai, tạo tiền đề để phát triển hệ thống giao thông định hướng dọc tuyến metro.
Còn khoản vay cho dự án cải thiện cơ sở hạ tầng phát triển nông nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng (giai đoạn 1) trị giá 4,7 tỷ Yên có mục tiêu hỗ trợ cơ sở hạ tầng nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng với các tiểu dự án trong lĩnh vực giao thông, thủy lợi và trung tâm giao dịch hoa.
Các dự án vay vốn Nhật Bản có phạm vi đối tượng sử dụng vốn vay đa dạng như giao thông, năng lượng, y tế, giáo dục, ứng phó với biến đổi khí hậu... đã và đang đóng góp quan trọng cho công cuộc phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.
Theo một báo cáo Bộ Tài chính công bố cho thấy, giai đoạn 2021 - 2023, các chỉ tiêu an toàn nợ từng năm đảm bảo trong các mức trần và ngưỡng an toàn được Quốc hội phê duyệt.
Cụ thể, ước đến cuối năm 2023, nợ công/GDP khoảng 39 - 40%; nợ Chính phủ/GDP khoảng 36 - 37%; nợ nước ngoài của quốc gia/GDP khoảng 37 - 38%, đều cách xa ngưỡng cảnh báo.
Dù vậy, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không bao gồm nghĩa vụ trả nợ đối với các khoản cho vay lại)/tổng thu ngân sách nhà nước khoảng 20 - 21%, dù dưới 25% nhưng áp lực trả nợ đang tăng dần.
Dự kiến trong giai đoạn này, tổng mức vay của Chính phủ khoảng 1,317 triệu tỷ đồng (đạt 42,9% kế hoạch); trong đó, vay của ngân sách trung ương khoảng 1,279 triệu tỷ đồng (đạt 44,1% kế hoạch). Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 906,7 nghìn tỷ đồng (đạt 53,3% kế hoạch).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận