Việt Nam đón chờ dòng vốn lớn từ Nhật
Sau lễ đón chính thức Thủ tướng Phạm Minh Chính do Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio chủ trì vào cuối chiều qua (24.11), Thủ tướng hai nước đã có cuộc hội đàm và ra Tuyên bố chung.
Theo đó, Tuyên bố chung: “Hướng tới một giai đoạn mới của quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á”.
Vai trò ngày càng tăng của Việt Nam đối với các vấn đề quốc tế
Trong Tuyên bố chung, hai bên hoan nghênh sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện và thực chất của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trên nhiều lĩnh vực; khẳng định Nhật Bản và Việt Nam là đối tác quan trọng của nhau, chia sẻ nhiều lợi ích chiến lược. Hai bên tin tưởng quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản còn nhiều tiềm năng to lớn để phát triển sâu sắc hơn nữa; nhất trí tiếp tục hợp tác chặt chẽ nhằm duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới.
Nhật Bản ghi nhận vai trò ngày càng tăng và đóng góp xây dựng của Việt Nam đối với các vấn đề quốc tế và khu vực; khẳng định tầm quan trọng của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Việt Nam khẳng định vai trò của Nhật Bản là đối tác quan trọng và lâu dài của Việt Nam, bày tỏ mong muốn Nhật Bản sẽ tiếp tục đóng vai trò tích cực và xây dựng đối với các vấn đề quốc tế và khu vực.
Việt Nam cảm ơn Chính phủ và nhân dân Nhật Bản về sự hỗ trợ hiệu quả trong công cuộc phát triển KT-XH và xóa đói giảm nghèo thông qua viện trợ phát triển chính thức (ODA) trong 30 năm qua; đánh giá cao vai trò và đóng góp tích cực của các doanh nghiệp Nhật Bản đối với sự nghiệp phát triển kinh tế và xây dựng đất nước của Việt Nam.
Hai Thủ tướng nhất trí hợp tác chặt chẽ trong việc triển khai các biện pháp phòng chống đại dịch Covid-19. Thủ tướng Kishida Fumio thông báo Chính phủ Nhật Bản sẽ hỗ trợ bổ sung 1,5 triệu liều vắc xin Covid-19 cho Chính phủ Việt Nam.
Hai bên nhất trí tiếp tục duy trì các chuyến thăm, tiếp xúc và đối thoại cấp cao, giao lưu giữa các chính đảng và quốc hội hai nước dưới nhiều hình thức, bao gồm trong khuôn khổ các cơ chế đa phương. Hai bên khẳng định tiếp tục nỗ lực nâng cao hiệu quả các cơ chế đối thoại và tham vấn hiện có trên nhiều lĩnh vực.
Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác nhằm giải quyết các thách thức an ninh phi truyền thống như an ninh mạng, tội phạm mạng, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh lương thực và an ninh tài nguyên; đồng thời, chia sẻ nhận thức về tầm quan trọng của chuỗi cung ứng bền vững, đa dạng, an toàn và minh bạch.
Là các quốc gia ven biển, hai bên ghi nhận tầm quan trọng của việc duy trì tự do và rộng mở trên biển, tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982 và Hiến chương LHQ. Hai bên khẳng định tiếp tục tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh hàng hải, trong đó có việc xây dựng năng lực cho các cơ quan liên quan của Việt Nam, phát triển kinh tế biển, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên biển…
“Tương lai sẽ còn tốt hơn”
Hôm qua cũng là ngày làm việc với lịch ken đặc sự kiện, khi Thủ tướng còn chủ trì 2 cuộc đối thoại, làm việc với các nhà đầu tư Nhật Bản và tiếp hàng chục doanh nghiệp khác; hội kiến Chủ tịch Thượng viện và Chủ tịch Hạ viện; Thủ tướng cũng có cuộc gặp với ông Abe Shinzo, cựu Thủ tướng Nhật Bản.
\n
Điều đáng chú ý trong ngày bận rộn hôm qua, là việc Thủ tướng đã cùng lúc chủ trì làm việc trong hai bữa ăn sáng và ăn trưa. Cụ thể, vào trưa qua, Thủ tướng cùng các nhà đầu tư hàng đầu Nhật Bản vừa ăn trưa vừa đối thoại về cơ hội hợp tác, đầu tư giữa hai bên. Chia sẻ tại diễn đàn, người đứng đầu Chính phủ bày tỏ, mối quan hệ Việt - Nhật “là lương duyên” khi trước đây, người Nhật đã để lại cho Việt Nam di sản thế giới Hội An (Quảng Nam). Các bậc tiền bối Việt Nam khi tìm đường cứu nước, nhiều người đã nghĩ và tìm đến Nhật Bản.
“Mối quan hệ này là duyên nợ. Gần 50 năm thiết lập quan hệ, có thể khẳng định chưa bao giờ tốt như bây giờ”, Thủ tướng nói và dẫn chứng: Nhật Bản đang là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, với số tiền lên tới gần 27 tỉ USD, chiếm tới xấp xỉ 30% số vốn ODA mà Chính phủ Nhật Bản dành cho các nước.
Đặc biệt, Thủ tướng thông tin, hai Chính phủ đang bàn bạc để thống nhất về một thế hệ ODA mới, với nội hàm mới, cách làm mới nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của đồng vốn ODA Nhật Bản dành cho Việt Nam.
Tương tự, về đầu tư trực tiếp, Thủ tướng cũng thông tin, hiện Nhật nằm trong top đầu các nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, với khoảng 4.800 dự án, tổng số tiền trên 65 tỉ USD. Trong khi đó, thương mại hai chiều đã trên dưới 40 tỉ USD. “Sau chuyến thăm, tôi hy vọng dòng đầu tư sẽ còn được thúc đẩy hơn, có thể tăng đột biến. Quan hệ hai nước chưa bao giờ tốt như lúc này, nhưng trong tương lai sẽ còn tốt hơn”, Thủ tướng nói.
Nói về công tác đối ngoại cấp cao, Thủ tướng kể, 2 Thủ tướng Nhật Bản gần đây sau khi nhậm chức đều chọn Việt Nam là nước đầu tiên để tới thăm. Còn lần này, Thủ tướng Việt Nam lại là vị lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến Nhật Bản sau khi Thủ tướng Kishida Fumio cầm quyền. “3 lần đầu tiên ấy đã thể hiện mối quan hệ hết sức tốt đẹp. Ngay năm ngoái, Thủ tướng Nhật Bản cũng đến thăm Việt Nam, bất chấp giữa đại dịch Covid-19”, Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, định hướng sắp tới của Việt Nam là ưu tiên phát triển xanh, chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi số. Điều này gắn 3 đột phá chiến lược là thể chế; đào tạo nhân lực; đột phá hạ tầng. “Để làm được như vậy, chúng tôi xác định nội lực là quyết định, nhưng ngoại lực là quan trọng và đột phá. Ngoại lực đó là cần đột phá ở vốn, công nghệ, cách quản lý”, Thủ tướng chia sẻ và tin tưởng rằng, đó là những thế mạnh mà Việt Nam có thể chờ đợi tin tưởng từ các nhà đầu tư Nhật Bản..
Tại buổi ăn sáng và làm việc với các lãnh đạo tập đoàn lớn của Nhật Bản trong lĩnh vực chuyển đổi số, Thủ tướng cho biết thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế chuyển đổi số trên cơ sở xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Trong đó, chủ trương của Việt Nam là hiện đại hóa nhanh lĩnh vực tài chính, ngân hàng để các lĩnh vực này đi đầu trong chuyển đổi số.
Bên cạnh an ninh và các thách thức liên quan nổi lên trong khu vực, hai Thủ tướng còn thảo luận nhiều vấn đề khác như xúc tiến đầu tư vào Việt Nam, biến đổi khí hậu và thực trạng của lao động thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản.
Đặc biệt, chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng trong việc định vị Việt Nam ở một khoảng cách phù hợp với khuôn khổ hợp tác đa phương của Nhật Bản trong khu vực. Thông qua quan hệ đối tác chặt chẽ hơn với Nhật Bản, Việt Nam có thêm sức bật thông qua các quan hệ đối tác đa dạng.
(chuyên về quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan châu Á -Thái Bình Dương, Nhật Bản)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận