Việt Nam đối mặt với thách thức "già trước khi giàu"
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, giống như rất nhiều nước ở khu vực Châu Á, Việt Nam cũng phải đối mặt với xu hướng kép là dân số vẫn còn trẻ, song đang già hóa nhanh, có thể mang lại thách thức “già trước khi giàu”.
Dân số vẫn còn trẻ, song đang già hóa nhanh
Theo số liệu Điều tra lao động, việc làm của Tổng cục Thống kê, năm 2018, quy mô dân số cả nước đạt 94,7 triệu người, trong đó dân số dưới 15 tuổi là 22,1 triệu người, chiếm 23,3% dân số; dân số từ đủ 15 tuổi trở lên là 72,6 triệu người, chiếm 76,7% dân số.
Trong số 72,6 triệu người từ 15 tuổi trở lên, có 54,2 triệu người đang làm việc; trên 1 triệu người thất nghiệp; 17,3 triệu người không hoạt động kinh tế vì các lý do khác nhau (4,7 triệu người đang đi học, 3,7 triệu người làm nội trợ gia đình, chăm sóc con cháu, 2,1 triệu người tạm nghỉ việc vì các lý do: ốm đau, mùa vụ, ảnh hưởng môi trường, đang chuẩn bị khai trương hoạt động sản xuất kinh doanh,...; trên 900 nghìn người không có nhu cầu làm việc và 5,9 triệu người già yếu, khuyết tật không có khả năng lao động).
Như vậy, quy mô nguồn nhân lực năm 2018 đạt 66,7 triệu người (chiếm 91,9% dân số từ 15 tuổi trở lên). Số có việc làm và thất nghiệp (lực lượng lao động) là 55,3 triệu người, chiếm tới 82,9% tổng nguồn nhân lực cả nước.
Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong giai đoạn 2011 - 2018, chất lượng nguồn nhân lực nước ta đã đạt được nhiều tiến bộ xét trên nhiều tiêu chí khác nhau, song cũng còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế.
Dẫn chứng về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, cơ cấu dân số còn trẻ, song được dự báo là sẽ già hóa nhanh trong tương lai. “Giống như rất nhiều nước ở khu vực Châu Á, Việt Nam cũng phải đối mặt với xu hướng kép là dân số vẫn còn trẻ, song đang già hóa nhanh, có thể mang lại thách thức “già trước khi giàu””, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho hay.
Theo đó, từ năm 2010 đến năm 2018, tổng dân số từ 0 - 14 tuổi giảm nhẹ từ 24,7% xuống 23,77%; tỷ lệ dân số trong độ tuổi từ 15 - 64 tuổi giảm từ 68,5% xuống 67,35% và phần lớn nằm trong độ tuổi từ 15-49; tỷ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên vẫn còn nhỏ nhưng đã tăng từ 6,8% lên 8,87%. Trong cùng giai đoạn đó, tỷ lệ phụ thuộc tính theo tuổi và tổng tỷ suất sinh vẫn giữ nguyên. Tuy nhiên, vì mức sinh sẽ bắt đầu giảm xuống nên tỷ lệ trẻ em so với dân số sẽ giảm và tỷ lệ người cao tuổi sẽ tăng, tạo thêm sức ép cho dân số ở tuổi lao động vì phải hỗ trợ người cao tuổi.
Dự báo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho thấy, đến 2030, dân số từ 65 tuổi trở lên sẽ chiếm 11,48%, tăng 4,48 điểm phân trăm so với năm 2016, tức là với tốc độ tăng lên cao hơn nhiều lần so với giai đoạn 2010 - 2016 (0,2 điểm phần trăm).
Trình độ học vấn của nhân lực nước ta tiếp tục được cải thiện
Cũng theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tỷ lệ lực lượng lao động (LLLĐ) đã hoàn thành bậc phổ thông trung học tăng từ 26,1% năm 2011 lên gần 33% năm 2018. Tuy vậy, vẫn còn 3,5% lực lượng lao động chưa bao giờ đi học; 9,9% chưa tốt nghiệp tiểu học; 22,1% mới tốt nghiệp tiểu học và 31,1% LLLĐ tốt nghiệp THCS.
Trình độ chuyên môn kỹ thuật của nguồn nhân lực (NNL) Việt Nam được cải thiện, thể hiện ở tỷ lệ lực lượng lao động qua đào tạo có bằng/chứng chỉ tăng từ 15,6% năm 2011 lên 22,2% năm 2018. Tuy nhiên, để đạt được trình độ một nước công nghiệp theo hướng hiện đại thì tỷ lệ này còn rất nhỏ bé.
Trình độ chuyên môn kỹ thuật của NNL có sự chênh lệch lớn giữa nông thôn và thành thị (14,3% so với 39,7%) và bất hợp lý về cơ cấu theo cấp trình độ đối với một quốc gia đang phát triển (tương quan về số lượng lao động có trình độ đại học trở lên với các trình độ cao đẳng, trung cấp và sơ cấp nghề là 1-0,33-0,57 và 0,37).
“Những bất hợp lý này đã và đang cản trở tiềm năng đóng góp của lao động vào tăng năng suất lao động để tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững”, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho hay.
Về chỉ số cạnh tranh toàn cầu, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng cho biết, năm 2018, Việt Nam đạt 58/100 điểm, đứng thứ 77/140 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu - đạt mức trung bình. Tuy vậy, điểm số thành phần về kỹ năng chỉ đạt 54,3/100 và xếp thứ 97/1403 thấp hơn 29 bậc so với chỉ số cạnh tranh chung.
Liên quan đến năng suất lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng cho biết, chất lượng NNL cũng được phản ánh trong chỉ số về năng suất lao động. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2018 ước tính đạt 102,2 triệu đồng/lao động (tương đương 4.512 USD/lao động, tăng 5,93% so với năm 2017).
Tăng trưởng NSLĐ đã phục hồi và tăng nhanh trong những năm gần đây, đạt bình quân 4,77%/năm trong giai đoạn 2011 - 2018 (so với mức 3,17%/năm trong giai đoạn 2007 - 2010). Tuy nhiên, năng suất lao động của Việt Nam hiện vẫn rất thấp so với nhiều nước trong khu vực.
Tính theo giá so sánh năm 2010, năm 2018 NSLĐ của Việt nam bằng 1/30 lần Singapore, 29% NSLĐ của Thái lan, 13% NSLĐ của Malaysia; 44% NSLĐ của Philippines.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận