Việt Nam: Điểm đến đầu tư của doanh nghiệp Đức
Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư của doanh nghiệp Đức với kỳ vọng cao về sự phát triển kinh tế tích cực trong trung hạn.
Đây là nhận định được đưa ra từ kết quả cuộc Khảo sát AHK World Business Outlook (phần về Việt Nam) được thực hiện bởi mạng lưới các Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức trên toàn cầu.
AHK World Business Outlook (AHK WBO) - Khảo sát đánh giá niềm tin doanh nghiệp Đức toàn cầu - là cuộc khảo sát hàng năm của Hiệp hội các Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức với sự tham dự của các doanh nghiệp và nhà đầu tư Đức tại nước ngoài.
Năm 2019, khảo sát được tiến hành trực tuyến trong khoảng thời gian từ 8-30/4/2019. Khảo sát tại Việt Nam được thực hiện bởi phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (GIC/AHK Việt Nam) với sự tham dự của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam tới từ nhiều ngành và lĩnh vực khác nhau.
Khảo sát được xem là thước đo đánh giá niềm tin doanh nghiệp Đức tại Việt Nam. Kết quả cuộc khảo sát sẽ là kim chỉ nam nhằm đánh giá về tình hình phát triển, xu hướng phát triển của doanh nghiệp Đức trong 12 tháng tới, kế hoạch đầu tư, kế hoạch tuyển dụng cũng như những kỳ vọng của chính nhà đầu tư Đức đối với sự phát triển kinh tế vĩ mô của Việt Nam.
Theo kết quả khảo sát vừa được công bố ngày 20/6/2019, Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư của doanh nghiệp Đức với kỳ vọng cao về sự phát triển kinh tế tích cực trong trung hạn.
Cụ thể, 77% doanh nghiệp Đức tại Việt Nam đánh giá tình hình doanh nghiệp của mình tốt lên trong năm nay trong khi chỉ có 56% trong số họ có nhận định khả quan như vậy vào năm 2018. Chỉ số này trong năm 2019 cũng cao hơn nhiều so với chỉ số trung bình của các nước Đông Nam Á (61%).
72% doanh nghiệp Đức được hỏi đều nhận định khả quan về sự phát triển của doanh nghiệp trong 12 tháng tới. Với nhiều thành tựu về kinh tế, đầu tư và phát triển xã hội trong năm 2018, Việt Nam nhận được nhiều niềm tin từ phía doanh nghiệp Đức trong sự phát triển kinh tế trong vòng 12 tháng tới, khi có tới 67% doanh nghiệp Đức đồng ý kiến với quan điểm này.
2018 được đánh giá là một năm thành công đối với nền kinh tế Việt Nam, thể hiện qua các chỉ số tăng trưởng tích cực, như GDP tăng 7,1%; vốn FDI rót vào thị trường đạt 13 tỷ USD; Chính phủ tỏ rõ thiện chí trong việc hỗ trợ và tạo các điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài. Thêm vào đó, hàng loạt các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia trong những năm gần đây, trong đó có EVFTA, cũng là những nhân tố thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Việt Nam.
Những yếu tố trên đã hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp nước ngoài nói chung và các doanh nghiệp Đức nói riêng đẩy mạnh hoạt động tại Việt Nam, gia tăng lạc quan và kỳ vọng vào sự phát triển bền vững của kinh tế Việt Nam trong trung hạn.
Có 55% doanh nghiệp Đức tham gia khảo sát cho biết có kế hoạch nâng cao mức đầu tư tại Việt Nam, cao hơn tỷ lệ 44% của toàn Đông Nam Á cũng như của tỷ lệ 52% vào năm 2018. So với các nước trong khu vực, Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp Đức và là điểm hút đầu tư tại khu vực. 59% nhà đầu tư Đức tại Việt Nam dự định sẽ tuyển thêm nhân sự trong năm 2019 và 2020, tăng so với tỷ lệ 56% của năm 2018.
Đáng chú ý, các doanh nghiệp Đức kỳ vọng EVFTA sẽ góp phần hoàn thiện khung cơ sở pháp lý và chính sách kinh tế tại Việt Nam. Theo kết quả cuộc khảo sát, 51% doanh nghiệp Đức nhận định chính sách kinh tế tại Việt Nam sẽ là một thách thức đối với sự phát triển của doanh nghiệp họ trong vòng 12 tháng tới.
Những yếu tố khác như thiếu hụt nguồn lao động chất lượng cao (44%) và chi phí nhân sự tăng cao (31%) hay các rào cản thương mại (28%) cũng là những yếu tố gây lo ngại cho tình hình doanh nghiệp Đức trong trung hạn tại Việt Nam.
Một yếu tố đặc biệt khác là sự gắn kết trong lịch sử giữa Đức và Việt Nam cũng như hình ảnh tốt đẹp của hai quốc gia đối với người dân hai nước là những yếu tố quan trọng giúp cho doanh nghiệp Đức thuận lợi hơn trong việc phát triển tại thị trường Việt Nam. Đây một yếu tố đặc biệt và duy nhất khi so sánh với các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Tại khảo sát này, GIC/AHK Việt Nam đưa ra một số kiến nghị và đề xuất. Trong đó, một mặt Việt Nam cần tiếp tục có những giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nâng cao khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, cần xây dựng và phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong nước, các cụm công nghiệp điển hình với các thế mạnh của từng vùng, qua đó tăng liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, hợp tác trao đổi kinh nghiệm, công nghệ để cùng phát triển.
Cùng với đó, tập trung xây dựng một hệ thống giáo dục đào tạo nghề mang tính thực tiến cao, học đi đôi với hành, qua đó giúp Việt Nam gây dựng các lớp trẻ kế cận có trình độ, học thức chuyên môn và kỹ năng thực hành, giao tiếp tốt. Đây chính là yếu tố lợi thế cạnh tranh của Việt Nam và bảo đảm sự phát triển bền vững trong dài hạn.
Ngoài ra, gây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp lành mạnh, sáng tạo và hỗ trợ về tài chính, đào tạo cũng như về môi trường để giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước có cơ hội tiếp cận nhà đầu tư, công nghệ và kỹ thuật.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận