menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Khánh Huyền

Việt Nam đang trên đà trở thành thị trường tiêu dùng tương lai, mở ra cơ hội to lớn cho cả nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài

Tăng trưởng kinh tế dẫn dắt bởi FDI cho phép Việt Nam hưởng lợi nhiều hơn so với các nước khác, thu hút đầu tư vào các ngành tăng trưởng nhờ trở thành cơ sở sản xuất toàn cầu đối với hàng điện tử.

Việt Nam sẽ chứng kiến thay đổi nhiều nhất về tỷ lệ người trưởng thành có tài sản trị giá trên 250.000 USD, vượt qua hầu hết các nền kinh tế ở châu Á. Đồng thời, Việt Nam đang trên đà trở thành thị trường tiêu dùng tương lai, mở ra cơ hội to lớn cho cả nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài.

Chia sẻ quan điểm về kinh tế Việt Nam năm 2024 và những năm tới, ông Ahmed Yeganeh, Giám đốc toàn quốc Khối Dịch vụ Ngân hàng Doanh nghiệp HSBC cho biết, HSBC vẫn duy trì tâm thế lạc quan và tham vọng về triển vọng của Việt Nam trong những năm tới.

"HSBC kỳ vọng nhìn thấy sự phục hồi ở các đối tác thương mại lớn của Việt Nam trong năm 2024. Điều đó sẽ mang lại chút thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế trong những năm tới", ông Ahmed Yeganeh bày tỏ.

Đầu tiên, phải nói đến đặc điểm nhân khẩu học tích cực. Trong khi khu vực Bắc Á đang đối mặt với thử thách kép: dân số suy giảm và già đi, Việt Nam lại đang hưởng lợi nhờ một nền dân số trẻ và đang phát triển với với tốc độ đô thị hóa gia tăng và tầng lớp thu nhập trung lưu gia tăng nhanh chóng.

Điều này sản sinh ra một lực lượng lao động trẻ trung và am hiểu công nghệ cho phép Việt Nam hưởng lợi và đón nhận những cơ hội từ những nền tảng mới và cách làm việc/cách tương tác mới, và tiếp tục duy trì vị thế điểm đến FDI hấp dẫn.

Đến năm 2030, trong 10 thị trường tiêu dùng lớn nhất toàn cầu có tới 6 thị trường của châu Á là Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Bangladesh và Việt Nam. Điều đó dẫn đến sự tăng trưởng không ngừng của tầng lớp trung lưu ở Việt Nam và đây chính là một động lực của thịnh vượng và tăng trưởng kinh tế.

Những đặc điểm nhân khẩu học chính là một thế mạnh của Việt Nam. 100 triệu dân, trẻ, có tinh thần làm chủ và am hiểu công nghệ, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động lên đến hơn 73% và tốc độ đô thị hóa ngày càng gia tăng ở mức 38%. Dân số trong độ tuổi lao động của Việt Nam tiếp tục tăng hàng năm ở mức 0,4% trong khi Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore đều đang suy giảm. Kết quả là tiêu dùng nội địa của Việt Nam sẽ trở thành một trong 10 thị trường lớn nhất thế giới, vượt qua các nước như Vương quốc Anh, Đức, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2030.

Một kết quả tích cực dễ thấy là thương mại điện tử đã tăng gấp đôi từ 8 tỷ USD vào năm 2018 lên hơn 16 tỷ USD trong năm 2022 và báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam dự báo con số này sẽ tăng lên hơn 20 tỷ USD vào năm 2024. Việt Nam cũng sẽ chứng kiến thay đổi nhiều nhất về tỷ lệ người trưởng thành có tài sản trị giá trên 250.000 USD, vượt qua hầu hết các nền kinh tế ở châu Á. Việt Nam đang trên đà trở thành thị trường tiêu dùng tương lai, mở ra cơ hội to lớn cho cả nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài.

Chính điểm này dẫn đến thế mạnh tiếp theo của Việt Nam là số hóa. Tốc độ thay đổi mà chúng ta chứng kiến ngày nay có khả năng là mức chậm nhất chúng ta sẽ trải qua. Với nhiều người, đây thực sự là một điều đáng báo động. Thay đổi được coi là không thể tránh khỏi và sẽ còn tiếp tục gia tăng tốc độ, thay đổi cách chúng ta tương tác với thế giới dẫn đến đầu tư gia tăng vào công nghệ ví dụ như trí tuệ nhân tạo (AI) để giúp chúng ta làm chủ những thay đổi vốn dĩ đã khiến chúng ta cảm thấy "quá tải" như hiện nay.

Tăng trưởng kinh tế dẫn dắt bởi FDI cho phép Việt Nam hưởng lợi nhiều hơn so với các nước khác, thu hút đầu tư vào các ngành tăng trưởng nhờ trở thành cơ sở sản xuất toàn cầu đối với hàng điện tử. Có thể thấy Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến khi nhìn lại thời điểm năm 2.000, xuất khẩu điện tử mới chỉ chiếm 5% trong tổng xuất khẩu còn hiện tại đã đóng góp hơn 30% tỷ trọng.

Nói riêng về mảng phương tiện chạy điện, nếu như Indonesia và Thái Lan đang dẫn đầu cuộc chơi thì HSBC tin rằng Việt Nam đứng thứ 3 trong vai trò điểm đến cho đầu tư vào chuỗi cung ứng xe điện nhờ những đặc điểm chuỗi cung ứng và cơ hội thị trường trong nước.

Trong lĩnh vực cung ứng bán dẫn, Singapore, Malaysia và Thái Lan nắm giữ vị trí dẫn đầu trong các thành phần khác nhau của chuỗi cung ứng thì Việt Nam lại hưởng lợi nhờ chiến lược đa dạng hóa thương mại. Những nhà sản xuất hàng điện tử Đài Loan và Hàn Quốc đã chuyển sản xuất sang Việt Nam trong khi Intel và Amkor đã tham gia mở rộng các cơ sở lắp ráp và thử nghiệm ở công đoạn phía sau. Điều đó cũng hỗ trợ cho lộ trình phát triển thành phố tương lai cho Việt Nam.

Những nỗ lực số hóa của Việt Nam đã thổi một luồng gió mới vào các doanh nghiệp startup, kiến tạo cơ hội và nhu cầu cho những doanh nghiệp khởi nghiệp có thể cung cấp giải pháp trên nền tảng công nghệ nhằm cải thiện hệ thống hiện tại trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ tài chính, logistics… Google và Temasek dự báo nền kinh tế internet của Việt Nam sẽ đạt quy mô giá trị 45 tỷ USD vào năm 2025.

Chuyển dịch năng lượng cũng là một lĩnh vực tiềm năng cho tăng trưởng và cơ hội. Một vài con số đáng nhớ có thể kể ra ở đây như: 96% năng lượng bổ sung thêm trong năm 2023 ở Ấn Độ đều là năng lượng xanh; 5 nhà sản xuất điện than lớn của Trung Quốc giờ đây đã trở thành những nhà đầu tư lớn nhất thế giới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo; Việt Nam công bố cam kết mạnh mẽ tại COP26 sẽ chuyển dịch sang cân bằng phát thải vào năm 2050 và điều này đòi hỏi lượng đầu tư không hề nhỏ.

Vì vậy, chuyển dịch năng lượng giờ đây trở thành trọng tâm trong các ưu tiên của Chính phủ và sẽ là một động lực tăng trưởng quan trọng. Lượng điện Việt Nam tiêu thụ đang gia tăng nhanh chóng do dân số gia tăng, tăng trưởng GDP mạnh mẽ và ngành công nghiệp đang phát triển. An ninh năng lượng là vấn đề trọng điểm trong bối cảnh các quyết định đầu tư đang hướng về những nguồn năng lượng tái tạo mới và chuyển dịch dần khỏi điện than và khí đốt.

"Việt Nam cần đảm bảo tiếp tục là điểm đến ưa thích của đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Chúng ta không nên xem nhẹ quy mô và tầm vóc của tham vọng này, Việt Nam sẽ cần tới 14 tỷ USD đầu tư hàng năm để đạt được cam kết cân bằng phát thải vào năm 2050, tương đương hơn 100 tỷ USD tới năm 2030 và hơn 300 tỷ USD tới năm 2050", ông Ahmed Yeganeh lưu ý.

Bên cạnh chuyển dịch năng lượng, ngành vận tải cũng sẽ thay đổi hoàn toàn do sự chuyển đổi sang phương tiện chạy điện và các nhà sản xuất linh kiện, phụ tùng trên toàn khu vực.

Theo chuyên gia của HSBC, 3 yếu tố thúc đẩy giúp Việt Nam khai mở tiềm năng tạo ra từ chính nền tảng vững mạnh và tầm nhìn của Việt Nam chính là: Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); nội lực của các doanh nghiệp trong nước; tiếp cận nguồn vốn

Một yếu tố quan trọng cho thành công và mức tăng trưởng cao trong hiện tại chính là tính hiệu quả trong thu hút FDI ở một khu vực cạnh tranh cao.

Đồng thời, Việt Nam cũng đang xây dựng một hệ sinh thái chuỗi cung ứng vững vàng xoay quanh sản xuất và chế biến, tìm đường vươn lên trong chuỗi giá trị và định vị là một trong những điểm đến đầu tư được ưa thích trước làn sóng Trung Quốc + 1.

"Tuy nhiên, câu chuyện của Việt Nam không chỉ xoay quanh FDI và các tập đoàn đa quốc gia. HSBC nhìn thấy sự vươn tầm phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam cũng chính là một động lực quan trọng cho thành công của nền kinh tế này. Điều này phản ánh một xu hướng đang lớn mạnh về sáng tạo và minh chứng của chuyển giao kinh nghiệm cũng như kỹ năng tới cấp cơ sở của Việt Nam", ông Ahmed Yeganeh chia sẻ.

Minh chứng của xu hướng này chính là sự gia tăng và tiến hóa của các tập đoàn lớn của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực. Những cái tên như Vingroup, Tập đoàn Masan, Tập đoàn FPT, Tập đoàn Viettel đang vươn tầm quốc tế. VinFast đã gia nhập thị trường xe điện thế giới. Thương hiệu Chin-su của Masan ra mắt dòng sản phẩm gia vị mới ở Nhật Bản, Trung Quốc, Úc, châu Âu… FPT có mặt ở 27 quốc gia và vùng lãnh thổ còn Viettel đạt doanh thu 3 tỷ USD nhờ các dự án đầu tư ở nước ngoài trong năm vừa qua. Danh sách này vẫn còn chưa dừng lại ở đây.

Họ đang tạo ra rất nhiều công ăn việc làm và khơi nguồn cảm hứng cho thế hệ doanh nghiệp Việt Nam sau này tiếp tục hưởng ứng tinh thần đổi mới sáng tạo, tạo ra giá trị và của cải.

Việt Nam đang nỗ lực để tới năm 2025 có thể nâng hạng thị trường chứng khoán từ Thị trường Cận biên lên Thị trường Mới nổi. Khi đó, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ chứng kiến đầu tư gia tăng đáng kể. Việt Nam cũng có tham vọng tạo dựng một Trung tâm Tài chính Quốc tế ở Việt Nam, đồng thời Việt Nam cũng không ngừng cải cách môi trường quy định pháp lý nhằm tạo cơ hội cho nguồn vốn mới chảy vào Việt Nam. Điều đó sẽ mở ra cơ hội tiếp cận vốn tốt hơn để Việt Nam có thể nắm bắt những cơ hội trong các lĩnh vực năng lượng, vận tải và cơ sở hạ tầng.

"Tôi tin rằng Việt Nam có vị thế tốt để đón đầu những xu hướng toàn cầu đang đổi thay, tận dụng nền tảng cơ sở vững mạnh và tiếp tục thu hút đầu tư trong khi nuôi dưỡng nguồn nhân tài trong nước và thúc đẩy đổi mới sáng tạo", ông Ahmed Yeganeh bày tỏ niềm tin về Việt Nam.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại