Việt Nam đang tạo kẽ hở cho các nước khác hưởng lợi từ CPTPP?
Trên thực tế, CPTPP sẽ có những yêu cầu rất khắt khe về nguyên tắc xuất xứ. Đây là khó khăn không nhỏ với các DN dệt may Việt Nam, bởi hiện tại ngành công nghiệp phụ trợ hàng dệt may đang phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước ASEAN.
Nhiều ý kiến cho rằng, dệt may Việt Nam còn thiếu điều kiện phát triển đầy đủ trong nước, khi nhiều địa phương quay lưng với ngành dệt nhuộm do sợ ảnh hưởng môi trường. Theo cách này, Việt Nam đang tạo kẽ hở cho các nước khác hưởng lợi từ CPTPP, còn mình thì không hưởng lợi do chuỗi dệt may không có cách nào phát triển đầy đủ để hưởng các ưu đãi thuế tối thiểu 55% tỷ lệ nội địa hóa sản xuất mới được hưởng ưu đãi thuế quan.
Theo ông Bùi Văn Tiến - Tổng giám đốc May Việt Tiến, hiện các hiệp định thương mại được ký kết chưa có tác động tích cực, vẫn còn mù mờ vì căn bản Việt Nam không có nguyên liệu, vẫn chỉ là gia công. Còn ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch HĐQT May Việt Tiến cho biết, nhà đầu tư nghĩ rằng, ngành dệt may Việt Nam sẽ có rất nhiều cơ hội nhưng phần cung thiếu hụt của ngành dệt may Việt Nam vẫn chưa được đầu tư phát triển kịp với các hiệp định thương mại mà Nhà nước đã ký.
Trong khi đó, CPTPP đòi hỏi giá từ sợi, nhuộm, dệt và may tại Việt Nam thì mới được hưởng lợi thế từ thuế quan. EVFTA cũng đòi hỏi vải phải được sản xuất tại Việt Nam. May Việt Tiến được nâng cấp lên FOB nhưng vẫn phải do sự chỉ định của khách hàng, phải mua ở nước ngoài là Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc. Do đó, ban lãnh đạo chưa có sự đánh giá cao đối với tác động tích cực từ các hiệp định mang lại.
Thực tế những khó khăn trên cũng đã được chỉ ra từ trước bởi hầu hết các DN dệt may hiện nay là vẫn phụ thuộc nguồn nguyên liệu từ nước ngoài, trong đó chủ yếu nhập từ Trung Quốc, Đài Loan. Trong khi đó, Trung Quốc không tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn, đặc biệt là CPTPP, có nghĩa là Việt Nam không tận dụng được ưu đãi về thuế quan. Đây là điểm bất lợi cho DN dệt may Việt Nam
Hơn nữa, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho rằng các FTA đang đặt ra các thách thức không hề nhỏ với DN dệt may. Cụ thể, DN Việt Nam trước đây chỉ cần ngồi chờ là khách hàng đến, nhưng nay đơn hàng chỉ đến với DN nếu đáp ứng được yêu cầu mà phía đối tác đưa ra.
Nếu DN Việt Nam sử dụng nguyên liệu vải trong nước, khách hàng sẽ đặt đơn hàng FOB (cung ứng thêm nguyên liệu), nếu DN thiết kế được sản phẩm thì đối tác sẽ đặt đơn hàng ODM (từ thiết kế gốc phát triển thành sản phẩm)…
"FTA là một sân chơi mà DN phải chấp nhận các nguyên tắc mới có đơn hàng. FTA đến càng gần, thách thức càng lớn", ông Giang nhấn mạnh.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho rằng từ trước đến nay, DN chỉ quan tâm tới thị trường, chủ yếu gia công, chưa chú trọng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.
Thậm chí, theo ông Hải đang xảy ra tình trạng sử dụng nhãn hiệu chưa rõ ràng, trong một số trường hợp sản phẩm của nước ngoài nhưng lại gắn "Made in Vietnam", một số khác là sản phẩm Việt Nam nhưng gắn nhãn mác nước ngoài dẫn tới những tranh chấp pháp lý không đáng có. DN muốn tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị cần bắt đầu khắc phục từ những bất cập của tình trạng này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận