Việt Nam đang phụ thuộc quá nặng vào nguồn nguyên liệu của Trung Quốc
Việt Nam đang phụ thuộc quá nặng vào các nguồn nguyên liệu của Trung Quốc như dệt may, phụ tùng điện tử.
Mới đây, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh "Phải chú trọng đẩy mạnh hơn xây dựng một nền kinh tế tự chủ, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu và chuỗi cung ứng ngoài nước. Muốn vậy, phải đề cao nội lực, chú ý thị trường nội địa với 100 triệu dân. Không chỉ chú ý đến doanh nghiệp vừa và nhỏ mà phải đặc biệt quan tâm đến những doanh nghiệp lớn, đầu đàn có khả năng dẫn dắt và lan tỏa".
Đối với kinh tế Việt Nam, câu chuyện giảm phụ thuộc vào chuỗi cung ứng nước ngoài không mới nhưng cũng chưa bao giờ cũ. Tuy nhiên, trước những rủi ro, thách thức từ bên ngoài mà lớn nhất hiện nay là Covid-19 diễn biến khó lường, chưa kiểm soát được tại nhiều nước và khu vực. Căng thẳng thương mại vẫn leo thang, thiên tai, lũ lụt ảnh hưởng đến khả năng phục hồi kinh tế, do vậy để thực hiện nhiệm vụ này Chính phủ còn đối mặt với rất nhiều thách thức và khó khăn.
Trao đổi với Dân Việt về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận định, hiện nay Việt Nam đang phụ thuộc quá nặng vào các nguồn nguyên liệu của Trung Quốc như dệt may, phụ tùng điện tử... Bởi vì nguyên liệu của đất nước láng giềng sản xuất rẻ, linh hoạt, đáp ứng được hầu hết yêu cầu thay đổi của khách hàng.
Do đó, muốn tự cung ứng, Việt Nam cần xây dựng được các vùng nguyên liệu thay thế cho nguồn cung đầu vào của Trung Quốc. Ví dụ, vải mình tự dệt lấy, linh kiện tự sản xuất, nhưng vẫn đáp ứng yếu tố về giá, chất lượng, thời gian giao hàng.
"Để đi vào cụ thể của từng khâu sản xuất, chúng ta phải đối diện với rất nhiều vấn đề. Ví dụ, dệt và nhuộm vốn là ngành nghề gây ô nhiễm môi trường thì bảo vệ môi trường như thế nào?", ông Doanh cho hay.
Việt Nam đang phụ thuộc quá nặng vào nguồn nguyên liệu của Trung Quốc.
Theo TS Lê Đăng Doanh, để giải quyết những vấn đề đó, Bộ Công thương nên phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch có nhiều bước. Bên cạnh đó, trong thế giới hội nhập, ngoài giảm phụ thuộc nguồn nguyên liệu nước nhà.
Việt Nam nhập nguyên liệu đầu vào của Trung Quốc thì cũng xuất khẩu thành phẩm đầu ra sang Trung Quốc. Về khía cạnh nào đó, đất nước tỷ dân vẫn phải phụ thuộc vào mình. Đồng thời, Chính phủ cần kiểm soát tỷ lệ nhập nguyên liệu đầu vào tại thì trường bất kỳ dưới 8%. Bởi trường hợp mình nhập khẩu vượt mức này, đối tác có thể tăng giá, ra điều kiện bất lợi cho đơn vị sản xuất.
"Nghĩa là hai bên có quan hệ kinh tế bình đẳng, chứ không phải mình phụ thuộc đơn phương về nước bạn. Muốn làm được như vậy, chúng ta phải đa phương hóa, đa dạng hóa. Thay vì nhập từ Trung Quốc, mình mở rộng thêm các thị trường như Ấn Độ, Bangladesh... Mỗi thị trường khác nhau điều kiện khác nhau. Nhưng thay đổi như vậy là cần thiết và cần có chương trình hành động trong nhiều năm", ông Doanh nêu quan điểm.
TS. Võ Trí Thành cho rằng việc phát triển vùng nguyên liệu đối với nhiều ngành hàng đã được đặt ra từ lâu. Ở bối cảnh hiện tại, kinh tế thế giới đang là nền kinh tế hội nhập, toàn cầu hóa. Do đó, quá trình sản xuất, kinh doanh đang dựa trên chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị sản xuất.
Điều đó đồng nghĩa với việc ở các ngành hàng xuất hiện tự do hóa, lợi thế so sánh, chi phí kết nối và phát triển công nghệ, đặc biệt là công nghệ IT và công nghệ số, điều này chính là yếu tố dẫn dắt thị trường trong tương lai.
"Vậy nên, Việt Nam phát triển giảm lệ thuộc đầu vào sẽ tạo ra nhiều ý nghĩa trong việc cạnh tranh về giá, phát triển công nghiệp phụ trợ... đằng sau đó là đầu tư nhà xưởng, vùng nguyên liệu, cơ sở hạ tầng và tạo công ăn việc làm cho chính người dân. Ngoài ra, quá trình tự cung tự cấp giúp chúng ta giảm được nhiều rủi ro", ông Thành nói.
Tuy nhiên, TS Võ Trí Thành cũng cho rằng, trong quá trình đó, Chính phủ cần tính đến xu hướng dịch chuyển đang diễn ra. Cần đánh giá đúng năng lực cạnh tranh, khả năng thích ứng, dịch chuyển dòng vốn để tạo ra các chuỗi giá trị. Trong đó, hiệu quả về mặt thị trường chính là nhân tố chủ chốt cho quá trình giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu và chuỗi cung ứng nước ngoài.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận