menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Ngô Đức Phòng

Việt Nam coi trọng và tham gia tích cực hợp tác Mekong Lan Thương

Từ ngày 19-20/2, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong-Lan Thương lần thứ 5 theo lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao

Việt Nam coi trọng và tham gia tích cực hợp tác Mekong Lan Thương

Trưởng đoàn sáu nước dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hợp tác Mekong-Lan Thương lần thứ tư tại Lào, ngày 17/12/2018.

Cơ chế Hợp tác Mekong-Lan Thương (MLC) là một cơ chế hợp tác phù hợp với xu thế toàn cầu hóa và hội nhập ngày càng mạnh mẽ hiện nay. Việt Nam coi trọng MLC, tham gia tích cực và đóng góp hiệu quả trong hợp tác Mekong-Lan Thương, thúc đẩy vấn đề quản lý bền vững nguồn nước sông Mekong và tăng cường hợp tác với các nước Mekong khác.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong - Lan Thương được tổ chức định kỳ thường niên; Hội nghị Cấp cao tổ chức hai năm một lần và luân phiên theo thứ tự chữ cái. Các nguyên tắc chỉ đạo là đồng thuận, bình đẳng, tham vấn và phối hợp lẫn nhau, tự nguyện, cùng đóng góp và chia sẻ lợi ích, tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.

Thúc đẩy hợp tác đa dạng và liền mạch

Ý tưởng MLC với sự tham gia của sáu nước ven sông (gồm Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Trung Quốc) được Thái Lan đề xuất lần đầu tiên vào năm 2012. Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN – Trung Quốc tháng 11/2014, Thủ tướng Trung Quốc đã bày tỏ ủng hộ sáng kiến của Thái Lan và sẵn sàng xem xét việc thành lập cơ chế Đối thoại và Hợp tác Lan Thương – Mekong. Tháng 11/2015, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao MLC lần thứ nhất đã được tổ chức lần đầu tiên tại Cảnh Hồng, Vân Nam, Trung Quốc.

Ngày 23/3/2016, Hội nghị Cấp cao lần thứ nhất đã chính thức khởi động MLC giữa sáu nước Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc và thống nhất các định hướng lớn cho cơ chế hợp tác.

Hội nghị quan trọng này cho thấy bước tiến trong hợp tác khu vực về quản lý bền vững nguồn nước sông Mekong. Các nhà lãnh đạo đều nhấn mạnh tầm quan trọng của sông Mekong đối với sự phát triển của tiểu vùng và cuộc sống của người dân, và sự cần thiết tăng cường hợp tác giữa các nước vì lợi ích chung của tất cả các bên. Tại Hội nghị, Thủ tướng Trung Quốc đã đề xuất thành lập Trung tâm hợp tác nguồn nước Mekong – Lan Thương; đồng thời khẳng định Trung Quốc sẽ nỗ lực hỗ trợ các nước hạ lưu và cân nhắc lợi ích chính đáng của các nước ven sông.

Tại Hội nghị cấp cao Mekong-Lan Thương lần thứ hai (ngày 10/1/2018) tại Phnom Penh, Campuchia, các nước đã thông qua hai văn kiện là Tuyên bố chung Phnom Penh, và Kế hoạch hành động MLC giai đoạn 2018 - 2022. Theo đó thống nhất nội dung triển khai trên ba trụ cột hợp tác gồm: (i) Về an ninh - chính trị, duy trì trao đổi cấp cao, tăng cường đối thoại, giao lưu giữa các đảng chính trị và đẩy mạnh hợp tác an ninh phi truyền thống; (ii) Về kinh tế và phát triển bền vững, thúc đẩy hợp tác kết nối hạ tầng cứng và mềm, năng lực sản xuất, thương mại và đầu tư, tăng cường hợp tác tài chính trong khu vực, hợp tác về nông nghiệp, lâm nghiệp, xóa đói giảm nghèo; đẩy mạnh hợp tác quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong, bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh; (iii) Về văn hóa - xã hội và giao lưu nhân dân, chú trọng giao lưu văn hóa, nghệ thuật, xúc tiến du lịch, tăng cường hợp tác về giáo dục, y tế, đẩy mạnh truyền thông về MLC. Các nước cũng nhất trí từng bước mở rộng quy mô của các dự án, đặc biệt là hình thành và triển khai các dự án cơ sở hạ tầng lớn ở khu vực.

Hội nghị Bộ trưởng MLC lần thứ tư, lần gần đây nhất (16-17/12/2018) được tổ chức tại Lào. Hội nghị đã đánh giá cao những kết quả tích cực mà MLC đạt được trong triển khai Kế hoạch Hành động MLC giai đoạn 2018-2022 được thông qua tại Hội nghị Cấp cao MLC lần thứ hai (tháng 1/2018).

Một số kết quả điển hình là: (i) Tổ chức thành công Diễn đàn Hợp tác nguồn nước Mekong - Lan Thương lần thứ nhất, Diễn đàn Hợp tác về Năng lực sản xuất Mekong - Lan Thương lần thứ nhất, Diễn đàn tỉnh trưởng Mekong - Lan Thương lần thứ hai, Hội nghị thượng đỉnh về truyền thông MLC 2018, Tuần lễ MLC tại sáu nước thành viên; (ii) Các trung tâm hợp tác MLC về nguồn nước, môi trường và Trung tâm nghiên cứu toàn cầu về Mekong đã đi vào hoạt động; các nhóm công tác đang xây dựng kế hoạch hành động chuyên ngành; (iii) Nhiều dự án trong số 132 dự án sử dụng Quỹ đặc biệt MLC năm 2017 đã hoàn thành; 214 dự án của năm 2018 đang trong quá trình đăng ký hồ sơ; đến nay Quỹ MLC đã hỗ trợ 40 triệu USD. Về hợp tác nguồn nước, các Bộ trưởng hoan nghênh việc chuyên gia sáu nước đã thống nhất Kế hoạch hành động hợp tác nguồn nước MLC 2018-2022 và đề nghị các bên tích cực triển khai kế hoạch nhằm tăng cường hợp tác quản lý nguồn nước.

Trong năm 2019, hợp tác MLC tập trung vào ba loại hình hoạt động chính: Hoạt động của các Nhóm công tác; Thực hiện các dự án sử dụng Quỹ đặc biệt MLC; và Hoạt động của kênh 2 về xây dựng Vành đai phát triển kinh tế MLC.

Việt Nam tích cực trong nỗ lực chung

Việt Nam đã tích cực tham gia cơ chế MLC ngay từ quá trình thành lập và có nhiều đóng góp về nội dung, lĩnh vực hợp tác. Các đoàn đại biểu Việt Nam tham gia đầy đủ các cuộc họp nhóm công tác, theo dõi quá trình triển khai các chương trình, dự án hợp tác trong khuôn khổ hợp tác tiểu vùng này.

Việt Nam cũng tích cực, chủ động đề xuất các lĩnh vực hợp tác. Cụ thể, nước ta đã đề xuất bốn dự án tại Hội nghị cấp cao MLC lần thứ nhất và bảy dự án trong năm 2017. Hiện các Bộ, ngành liên quan của Việt Nam đang đẩy mạnh đề xuất các dự án trong nhiều lĩnh vực khác.

Là một trong những thành viên tích cực của cơ chế MLC, Việt Nam sẵn sàng phối hợp với các nước tiểu vùng Mekong triển khai dự án chung về thành lập Trung tâm hợp tác nguồn nước Mekong - Lan Thương nhằm chia sẻ thông tin, nâng cao năng lực về quản lý bền vững tài nguyên nước sông Mekong, trong đó có việc đóng góp tài chính, chuyên gia làm việc tại Trung tâm này.

Chuyến tham dự Hội nghị cấp cao MLC lần thứ hai của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thể hiện sự coi trọng của Việt Nam đối với cơ chế MLC, đóng góp tiếng nói quan trọng vào các định hướng MLC thời gian tới, khẳng định vai trò của Việt Nam trong hợp tác tiểu vùng Mekong. Sự tham gia của Việt Nam cũng nhằm thúc đẩy các nội dung phù hợp với lợi ích của Việt Nam và có ý nghĩa đối với sự phát triển chung, bền vững của Tiểu vùng.

Trong năm 2019, ngoài các cuộc họp của các Nhóm công tác, các Bộ, ngành của Việt Nam đã tham gia một số hoạt động sau: Diễn đàn MLC về phát triển bền vững Công nghệ thông tin và truyền thông, Khóa đào tạo về công nghệ nông nghiệp hiện đại và kinh nghiệm xóa đói giảm nghèo (tháng 6/2019); Khóa đào tạo về quản lý và đánh giá các dự án phát triển tiểu vùng (24-28/6/2019, Thái Lan); Khóa đào tạo nâng cao năng lực về hợp tác giảm nghèo MLC (9-27/9/2019, Bắc Kinh, Trung Quốc); Khóa đào tạo về quản lý dự án và phát triển các lĩnh vực ưu tiên hợp tác MLC (16-20/9/2019, Siem Reap, Campuchia); Hội thảo Đăng ký công dân và thống kê dân số MLC (9-14/9/2019, Champasak, Lào); Hội thảo về Sáng tạo và Doanh nghiệp trẻ vì sự phát triển khu vực (29/8-1/9/2019, Nay Pyi Taw, Myanmar); Diễn đàn Nhà Ngoại giao trẻ MLC (10-15/11/2019, Vientiane và Luang Prabang, Lào); Hội nghị Hợp tác kết nối khu vực MLC lần thứ 2 (24/11– 01/12/2019, Trung Quốc). Các Bộ, ngành của Việt Nam đã đăng ký 29 dự án sử dụng Quỹ đặc biệt MLC.

MLC phải đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của các nước thành viên, thu hẹp khoảng cách phát triển trong khu vực, hỗ trợ xây dựng Cộng đồng ASEAN và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững 2030 (SDGs) và thúc đẩy hợp tác Nam – Nam. Hợp tác sẽ được triển khai trên ba trụ cột là an ninh – chính trị; kinh tế và phát triển bền vững; văn hóa, xã hội và giao lưu nhân dân. Trong giai đoạn tới, năm lĩnh vực hợp tác ưu tiên cụ thể là nguồn nước, kết nối, hợp tác năng lực sản xuất, hợp tác kinh tế qua biên giới, nông nghiệp và giảm nghèo.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả