Việt Nam có tiếp bước Trung Quốc bị Mỹ gắn mác "thao túng tiền tệ"?
Báo cáo “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ” sẽ được Bộ Tài chính nước này công bố trong một vài ngày tới. Việt Nam sẽ lại một lần nữa đối mặt với nguy cơ bị gắn mác thao túng tiền tệ.
Nguy cơ cao
Trong báo cáo được công bố hồi tháng 5, Mỹ đưa Việt Nam vào Danh sách giám sát do thỏa mãn hai tiêu chí về thặng dư thương mại song phương với Mỹ và thặng dư cán cân vãng lai. Danh sách này bao gồm 9 quốc gia là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ý, Ireland, Singapore, Malaysia và Việt Nam, nhưng Bộ tài chính Mỹ đã không gắn mác thao túng tiền tệ cho quốc gia nào trong báo cáo này.
Tuy nhiên, vào tháng 8, sau khi tỷ giá USD/CNY vượt qua ngưỡng 7.00, phía Mỹ đã tuyên bố gắn mác thao túng tiền tệ lên Trung Quốc, dựa vào việc Bắc Kinh đã có thời gian dài định giá thấp đồng nội tệ thông qua sự can thiệp kéo dài và với quy mô lớn vào thị trường ngoại hối.
Theo Ngân hàng ING của Hà Lan, báo cáo tháng 10 của Mỹ sẽ đưa ra giải thích chính thức vì sao Trung Quốc bị gắn mác thao túng tiền tệ dù chỉ đáp ứng được 1 trong 3 tiêu chí đánh giá nếu một quốc gia đang thao túng giá trị đồng tiền của mình trong nỗ lực giành được lợi thế cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại quốc tế.
Việt Nam một lần nữa đứng trước rủi ro bị gắn mác thao túng tiền tệ khi Mỹ xem xét tiêu chí thặng dư thương mại hàng hóa của Việt Nam với nước này đã tăng trong thập kỷ qua, đạt 40 tỉ đô la trong năm 2018. Cán cân vãng lai hiện tại của Việt Nam cũng có xu hướng tăng cao hơn trong khoảng thời gian này, đạt 5% GDP trong bốn quí kết thúc tháng 6-2018. Mặc dù Việt Nam đã áp dụng chính sách tỷ giá mới năm 2016, giúp tăng tính linh hoạt của tỷ giá, trên thực tế đồng Việt Nam vẫn được quản lý chặt chẽ theo diễn biến đồng đô la Mỹ.
Dựa trên các tính toán đã được điều chỉnh với tình hình thực tế cho cả 3 tiêu chí, ING đưa ra cảnh báo Việt Nam có nguy cơ bị gắn mác thao túng tiền tệ: “Nếu ước tính của chúng tôi đủ chính xác, Việt Nam sẽ có thể bị gắn mác thao túng tiền tệ, đi kèm với thặng dư hàng hóa với Mỹ và thặng dư tài khoản vãng lai lớn, với khả năng tham gia can thiệp tiền tệ để đạt giữ giá trị của tiền đồng”.
Đánh giá của ING cho 3 tiêu chí Nguồn: ING
Và điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Trung Quốc và Việt Nam là hai trong số các nước nguy cơ cao bị dán mác thao túng tiền tệ Nguồn: ING
Theo quy định, Chính phủ Mỹ sẽ phải đàm phán với Việt Nam trước khi quyết định dán mác thao túng tiền tệ và Mỹ cũng không thể tự động kích hoạt các hành động trả đũa như áp thuế lên các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, ING cho rằng Tổng thống Trump thường tìm những tiêu chí khác ví dụ như an ninh quốc gia để áp đặt thuế quan lên một quốc gia. Chính quyền Trump có thể xem xét sử dụng tiêu chí thao túng ngoại hối để gây sức ép với Việt Nam.
Sau khi Mỹ áp thuế lên các mặt hàng của Trung Quốc, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng mạnh vào năm 2019, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ.
Những con số này có xu hướng gợi ý rằng các công ty Trung Quốc đang định tuyến lại một số sản phẩm của họ đến Việt Nam, rất có thể, chỉ cho các giai đoạn cuối cùng của sản phẩm, hoặc đóng gói lại sản phẩm. Nhãn hiệu ‘được sản xuất tại Việt Nam’ sẽ cho phép nhiều sản phẩm tránh được thuế quan của Tổng thống Trump, nhưng ông Trump cũng đã cảnh báo Việt Nam về sự trả đũa có thể xảy ra. Câu hỏi đặt ra là: nhãn thao túng tiền tệ có thể là tác nhân kích hoạt thuế quan không?
ING cho biết câu trả lời cho câu hỏi này sẽ thúc đẩy hầu hết các phản ứng của thị trường đối với việc dán nhãn có thể có của Việt Nam, rủi ro có vẻ hướng tới sự suy giảm giá trị của các tài sản của Việt Nam và tiền đồng, ít nhất là trong ngắn hạn.
Sau công bố của Bộ tài chính Mỹ hồi tháng 5, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để trao đổi, làm việc về các vấn đề mà Bộ Tài chính Mỹ yêu cầu trên tinh thần hợp tác, đồng thời tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế một cách hợp lý, điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế cũng như đặc thù của kinh tế Việt Nam, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không lành mạnh.
Tập đoàn tài chính Maybank KimEng (MBKE) trong một báo cáo vào tháng 5 cho rằng rủi ro đối với Việt Nam bị gắn mác là một quốc gia thao túng tiền tệ là thấp mặc dù Việt Nam có thể đã đáp ứng ba tiêu chí để đánh giá nếu một quốc gia đang thao túng giá trị đồng tiền của mình.
“Chúng tôi không nghĩ rằng Mỹ sẽ biến Việt Nam thành mục tiêu tiếp theo với mối quan hệ thân thiện hiện tại. Chính quyền Trump cũng có thể không muốn chọn những trận đánh không cần thiết với các nước châu Á nhỏ hơn khác và xa lánh các nước này, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại leo thang với Trung Quốc,” báo cáo này nhấn mạnh.
Trong khi Việt Nam vẫn còn là một thị trường cận biên tại thời điểm hiện tại và ở trong tình trạng thu nhập thấp, điều này đặt ra câu hỏi là liệu có thực sự công bằng khi dán mác Việt Nam là một quốc gia thao túng tiền tệ vốn luôn cần tích lũy dự trữ ngoại hối như một bộ giảm sóc cho tiền đồng và thanh toán quốc tế.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận