Việt Nam có thể bị đưa vào danh sách ‘vùng xám’ rửa tiền
Việc hoàn thiện khung khổ pháp lý cho quản lý tài sản ảo không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn thể hiện cam kết về chính trị của Việt Nam về phòng chống rửa tiền, đồng thời giúp minh bạch hóa thị trường và nâng cao tín nhiệm quốc gia.
Ngày 13-3, tại Hà Nội, Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) tổ chức hội thảo khoa học góp ý xây dựng khung pháp lý quản lý tài sản (VA) và nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP) nhằm thu thập ý kiến đóng góp của các đơn vị, tổ chức, cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực này.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó Chủ tịch VBA, cho biết VA là xu thế chung không thể đạo ngược của thế giới. Theo ước tính, tổng giá trị VA dự kiến sẽ đạt hơn 16.000 tỷ USD vào năm 2030 và chiếm tới 10% tổng GDP toàn cầu.
“Việc hoàn thiện khung khổ pháp lý cho quản lý tài sản ảo không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn thể hiện cam kết về chính trị của Việt Nam về phòng chống rửa tiền, đồng thời giúp minh bạch hóa thị trường và nâng cao tín nhiệm quốc gia”, ông Hùng khẳng định.
Đồng quan điểm, ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực VBA, cho biết thêm, với xu thế phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ, Việt Nam cần phải nhanh chóng ban hành các quy định quản lý VA và VASP phù hợp với tiêu chuẩn phòng chống rửa tiền của Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF).
Điều này nhằm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách “xám” theo Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 23-2-2024 của Thủ tướng về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia nhằm thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền.
“Ở đây, chúng ta phải hiểu Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 23-2-2024 của Thủ tướng không phải là nhằm hạn chế hoạt động của blockchain, mà là đưa các hoạt động này vào khung khổ, vào quản lý để giảm thiểu rủi ro cho Việt Nam khi có thể bị đưa vào danh sách ‘vùng xám’ về rửa tiền. Đây là nhiệm vụ cần thiết và cấp bách mà cơ quan quản lý Nhà nước buộc phải làm theo thông lệ quốc tế”, ông Trung nhận xét.
Do đó, đại diện VBA kêu gọi cộng đồng và các VASP tích cực đề xuất các giải pháp và phối hợp với các cơ quan quản lý, hiệp hội nghề nghiệp trong các vấn đề hoạt thiện cơ sở pháp lý VA và VASP.
Đồng thời, hỗ trợ các hoạt động phổ biến nhận thức cộng đồng ở khối tư nhân, tuân thủ và phối hợp với các đơn vị triển khai các hoạt động bảo vệ lợi ích cộng đồng, chống các hành vi lừa đảo, chủ động đóng thuế và đề xuất các giải pháp được đóng thuế để khẳng định vai trò của VA và VASP đóng góp vào nền kinh tế đất nước.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận