Việt Nam có sẵn nền tảng để chuyển đổi nhanh sang thanh toán số
Việt Nam, Mexico và Philippines là những nước có tỷ lệ tiếp cận dịch vụ ngân hàng thấp nhưng tỷ lệ người dân sử dụng Internet cao, và đây cũng là tiền đề để những nền kinh tế này chứng kiến sự chuyển đổi nhanh chóng từ sử dụng tiền mặt sang thanh toán số dưới ảnh hưởng của Covid-19.
Trong báo cáo "Nền kinh tế kỹ thuật số đang bùng nổ" vừa được Khối Nghiên cứu kinh tế của Ngân hàng HSBC đưa ra, chuyên gia kinh tế James Pomeroy của ngân hàng này nhận định đại dịch đã đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi từ tiền mặt sang thanh toán điện tử trên thế giới. Theo đó, các doanh nghiệp trên toàn thế giới đã ngừng chấp nhận thanh toán bằng tiền mặt ở mức độ tương tự như tốc độ gia tăng của các ca nhiễm virus corona.
Xu hướng này đã được thúc đẩy bởi các chính phủ hoặc ngân hàng trung ương trong các thiết lập chính sách của họ (chẳng hạn như tăng giới hạn thanh toán không tiếp xúc ở Anh hoặc Úc) trong khi một số người tiêu dùng chỉ đơn giản là chọn không sử dụng tiền giấy để phòng ngừa virus lây lan.
“Chúng tôi nhận thấy việc thanh toán bằng tiền mặt giảm ở nhiều quốc gia (bao gồm cả Đức và Nhật Bản, hai trong số những nền kinh tế yêu thích tiền mặt nhất trên thế giới) và các doanh nghiệp đang đầu tư vào công nghệ giúp cho phép thanh toán không tiếp xúc được thực hiện với giá rẻ và dễ dàng hơn trước đây”, bản báo cáo viết..
Sự phát triển công nghệ, theo HSBC, chính là chìa khóa cho xu hướng chuyển đổi từ tiền mặt sang thanh toán điện tử. Đó là sự lan rộng của thanh toán bằng mã QR ở nhiều thị trường mới nổi, có thể được chấp nhận bởi một nhà bán lẻ khi chỉ cần hiển thị mã QR vật lý hoặc qua các giao diện số để người tiêu dùng có thể quét mã thanh toán. Trong khi ở nhiều quốc gia có hệ thống ngân hàng lâu đời, thanh toán bằng thẻ ngân hàng không tiếp xúc hoặc thanh toán di động giao tiếp trường gần (NFC) (chẳng hạn như Apple Pay và Google Pay) là phổ biến, thanh toán bằng mã QR đang tạo ra một lựa chọn hợp lý hơn cho phần lớn cho các thị trường mới nổi.
Điều này có nghĩa là ở những quốc gia có mức độ áp dụng công nghệ cao hoặc mức độ sử dụng điện thoại di động cao sẽ hưởng lợi tốt nhất từ sự thay đổi này. Giống như Mexico, Việt Nam hoặc Philippines, tỷ lệ thâm nhập ngân hàng vẫn thấp nhưng tỷ lệ sử dụng internet ở mức cao đã tạo đà giúp các nước này bước nhanh trên quá trình chuyển sang thanh toán di động.
Trong khi đó, Kenya và Ấn Độ đã thiết lập tốt mảng mobile money và mặc dù thanh toán tiền mặt vẫn còn phổ biến ở cả hai quốc gia này, cơ sở để tiếp tục áp dụng các hình thức thanh toán kỹ thuật số đã được định hình sẵn.
Theo phân tích của HSBC, xu hướng chuyển đổi sang thanh toán số đã có thể tạo ra tác động biến đổi đối với nền kinh tế toàn cầu.
Ước tính từ McKinsey cho thấy tài chính số có tiềm năng cung cấp khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính cho 1,6 tỉ người tại các thị trường mới nổi. Điều này có thể làm tăng khối lượng cho vay đối với người dân và doanh nghiệp thêm 2.100 tỉ đô la Mỹ và cho phép các chính phủ tiết kiệm 110 tỉ đô la mỗi năm bằng cách giảm rò rỉ trong chi tiêu và thu thuế. Cũng như vậy, các nhà cung cấp dịch vụ tài chính có thể tiết kiệm 400 tỉ đô la chi phí.
Nhìn chung, ước tính việc sử dụng rộng rãi tài chính số có thể thúc đẩy GDP toàn cầu tăng thêm 6% vào năm 2025 so với kịch bản cơ sở, với gần 2/3 mức tăng là do năng suất của các doanh nghiệp và chính phủ được nâng cao nhờ thanh toán số. Phần còn lại của sự tăng trưởng sẽ đến từ đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số cần thiết.
Tại Việt Nam, theo số liệu từ Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà Nước (NHNN), giá trị giao dịch theo các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt tại thời điểm cuối quí 2 đã tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó thanh toán qua thẻ, và các phương tiện thanh toán số như SMS Banking, Mobile Banking hay Internet Banking đã tăng mạnh từ 93% tới hơn 100% trong kỳ, phản ánh xu hướng thanh toán trong nền kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt nhiều hơn, đặc biệt trong khi đại dịch đang diễn ra.
Cũng theo Vụ Thanh toán, khuôn khổ pháp lý và chính sách trong hoạt động thanh toán của Việt Nam hiện đang tiếp tục được hoàn thiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc ứng dụng công nghệ cao. Hệ sinh thái thanh toán điện tử đã được hình thành với sự kết nối, tích hợp với các ngành, lĩnh vực khác cho phép khách hàng thực hiện các giao dịch thanh toán trực tuyến đối với hóa đơn điện, nước, viễn thông, mua sắm trực tuyến tại các trang thương mại điện tử, nộp thuế điện tử và một số khoản phí, lệ phí khi thực hiện một số dịch vụ hành chính công.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận