"Việt Nam có hùng cường được hay không?" và đây là câu trả lời của các bộ ngành
Thảo luận tại diễn đàn Vietnam ICT Summit 2019, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp - ông Nguyễn Hoa Cương cho rằng: "Chúng ta có thể có đất nước hùng cường, nếu như chúng ta có doanh nghiệp hùng cường, và toàn bộ nền kinh tế tạo môi trường hùng cường".
Chủ tịch Vinasa Trương Gia Bình đặt vấn đề: "Trên thế giới, ai đã hùng cường? Họ đã trở thành những quốc gia hùng mạnh sau các cuộc cách mạng công nghiệp. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất trên cơ sở máy hơi nước, là Anh, Pháp. Cuộc cách mạng thứ hai gắn với điện, ta có cả châu Âu và Mỹ. Cuộc cách mạng lần ba liên quan đến điện tử, ta thấy Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc hay Singapore cũng vậy. Còn lần thứ tư, thì gắn với công nghệ lõi AI. Hỏi rằng, Việt Nam có thể hùng cường hay không?".
Cục trưởng Cục CNTT, Bộ Giáo dục và Đào tạo - ông Nguyễn Sơn Hải cho rằng: "Diễn đàn năm nay tập trung rất sâu vào chủ đề AI, đó là lý do khiến diễn đàn nhận được sự quan tâm của giới chuyên môn, Chính phủ cũng có nhiều hoạt động, chương trình. Nên câu hỏi này có lẽ chúng ta đều có niềm tin rằng với cuộc cách mạng công nghệ 4.0, với công nghệ AI, chúng ta hoàn toàn có cơ hội và điều kiện để tận dụng phát triển.
Tôi chia sẻ thêm một số thông tin ở góc độ chính phủ. Tôi cho rằng muốn phát triển bất kỳ một lĩnh vực gì, thì vai trò của chính phủ phải là số một, phải đi tiên phong từ khâu chính sách, lực lượng,... Hiện nay Chính phủ đang đẩy mạnh triển khai chính phủ điện tử, mục tiêu quan trọng là số hóa hướng tới chính phủ số. Số hóa chính là nền tảng quan trọng để triển khai công nghệ AI.
Thứ hai, tôi cho rằng tới đây các bộ ngành phải quan tâm thúc đẩy các nguồn tổng. Bộ ngành nên nghiên cứu chiến lược, kế hoạch để ứng dụng AI trong lĩnh vực của mình. Ví dụ như giáo dục đào tạo, AI ứng dụng vào quản lý giáo dục như thế nào? Ban hành các chính sách ra sao? AI ứng dụng vào học thế nào, kiểm tra ra sao? Bản thân các cơ quan làm chính sách của chính phủ phải có chiến lược như vậy thì mới tạo ra được nguồn cầu.
Vấn đề thứ ba, tôi rất tin tưởng Việt Nam có nguồn nhân lực trẻ, thích hợp để phát triển AI. Sinh viên học sinh của ta có năng khiếu học Toán so với thế giới và khu vực. Đây chính là nền tảng tốt để lực lượng lao động trẻ của chúng ta đi lên".
"Chuyện hùng cường, mình muốn thì họ cũng muốn, mình đua thì họ cũng đua. Việt Nam làm sao để hùng cường?" - Chủ tịch Vinasa Trương Gia Bình đặt câu hỏi.
Ông Hoàng Minh Tiến, Phó Cục trưởng cục ATTT, Bộ Thông tin Truyền thông cho ý kiến: "Trong lĩnh vực thông tin truyền thông nói chung và an toàn an ninh mạng nói riêng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã khẳng định, phải đưa Việt Nam trở thành cường quốc về an toàn an ninh mạng. Đó là quyết tâm chính trị của người đứng đầu ngành".
"Tất cả các lãnh đạo và cấp cao nhất của Đảng, Nhà nước và Chính phủ đều chỉ đạo sát sao rất cụ thể về tiềm lực tài chính, con người, kỹ thuật. Tôi xin trả lời câu hỏi của anh Bình, với riêng lĩnh vực an toàn an ninh mạng, Việt Nam có cơ hội trở nên hùng cường" - ông Tiến nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói: "Từ góc độ quan điểm của tôi, chúng ta có thể có đất nước hùng cường, nếu như chúng ta có doanh nghiệp hùng cường, và toàn bộ nền kinh tế tạo môi trường hùng cường. Từ góc độ phát triển doanh nghiệp, chúng tôi nhìn nhận các yếu tố liên quan đến phát triển doanh nghiệp gồm có: môi trường kinh doanh, tiếp cận tài chính và các yếu tố phi tài chính.
Xét các yếu tố phi tài chính đó, công nghệ đóng vai trò hàng đầu trong việc tạo nên sự thay đổi mang tính nền tảng và căn bản hay không. AI cũng như câu chuyện chuyển đổi số chính là yếu tố quan trọng chiến lược hiện nay, làm thế nào để doanh nghiệp có thể ứng dụng AI để thay đổi căn bản tính chất và giá trị gia tăng của mình. Dù không làm việc trực tiếp về vấn đề AI nhưng chúng tôi nhìn nhận công nghệ là yếu tố nền tảng để doanh nghiệp tốt hơn.
Liên quan đến câu chuyện đổi mới sáng tạo và công nghệ, gần đây chúng tôi có tập trung vào dự án Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia. Cách đây 2 tháng, chúng tôi đã tổ chức diễn đàn quy tụ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo là Vietnam Venture Summit ở Hà Nội và TPHCM. AI chắc chắn là xu hướng chính đối với các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo".
Hàng năm chúng ta luôn nói về chuyện có bao nhiêu doanh nghiệp mới, nhưng có lẽ chuyện đó không quan trọng bằng việc các doanh nghiệp đã thực sự đóng góp những gì, đã tận dụng những gì mới nhất của con người Việt Nam và công nghệ được tiếp cận trên thế giới để đưa ra sản phẩm cuối cùng tốt nhất hay chưa?.
Năm 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có sáng kiến về mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam, trong đó cố gắng tập trung các tri thức Việt Nam đang học tập ở trong nước và nước ngoài, trí thức làm việc ở các tập đoàn lớn như Google, Microsoft,... cũng như các trí thức đã khởi nghiệp và một bộ phận đã quay lại Việt Nam tạo dựng startup của mình.
"Chúng tôi thấy rõ ràng yếu tố con người là yếu tố mang tính then chốt thực sự, có thể tạo ra những doanh nghiệp đột phá, tạo ra giá trị gia tăng cho tất cả các bên, có thể huy động sự kết nối giữa các tổ chức công nghệ và các quỹ đầu tư, các doanh nghiệp khởi nghiệp. Với vai trò của chúng tôi là cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi phải thực sự nhìn lại chúng tôi đã làm được gì chưa để đóng góp cho quá trình đổi mới một cách tốt hơn. Và vấn đề muôn thuở là phải khơi thông nguồn vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư trong nước và nước ngoài" - ông Cương nói thêm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận