Việt Nam có gạo ngon nhất thế giới, rồi sao?
Tôi đón nhận tin Việt Nam có gạo ngon nhất thế giới trong một niềm vui khôn tả, không phải chỉ mừng cho ông bạn quá khổ nhọc vì gạo Việt, kỹ sư Hồ Quang Cua, mà mừng vì có thể xem đây là tiếng chuông thức tỉnh cho sự cần thiết thay đổi chủ trương lâu năm trong sản xuất và tiêu thụ gạo là chạy theo số lượng, bất chấp chất lượng.
Dân tình tuần qua lập tức đi tìm ST 24, 25, họ nói đâu cần mua “gạo Miên”, gạo Thái nữa, mình có gạo ngon nhất thế giới mà. Thị trường cả nội địa và xuất khẩu có cơ chuyển mạnh nếu ta biết tận dụng cơ hội.
Nhưng hãy xem xét lại một chủ trương lâu đời, qua cách Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) nói về tình hình xuất khẩu gạo Việt quí gần nhất, quí 3-2019.
Nhất nhì thế giới, nói vậy mà không phải vậy
Vì chỉ nhất nhì về số lượng, còn giá cả cứ rớt thảm hại. Bộ NN&PTNN nhìn nhận, giá gạo xuất khẩu quí 3-2019 thấp nhất, tức là “chạm đáy” trong 12 năm (325 đô la Mỹ/tấn trong khi giá gạo Thái Lan khoảng 350-360 đô la Mỹ/tấn). Khối lượng gạo xuất khẩu chín tháng đầu năm ước đạt 5,2 triệu tấn và 2,24 tỉ đô la Mỹ, tăng 5,9% về khối lượng nhưng giảm 9,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Philippines đang đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với hơn 36% thị phần. Cần nhớ là từ tháng 8-2019, Chính phủ Philippines tuyên bố sẽ tập trung mua gạo của các địa phương và hạn chế nhập khẩu.
Khó khăn trong xuất khẩu lúa gạo chủ yếu bắt nguồn từ thị trường tỉ dân Trung Quốc giảm hẳn nhập gạo Việt Nam, nhất là qua đường biên mậu. Trung Quốc kiểm soát chặt vấn đề chất lượng và đa dạng hóa đối tác cung cấp gạo (qua Myanmar, Campuchia...). Các thị trường nhập nhiều gạo Việt như Indonesia, Banglandesh đều giảm nhập khẩu. Khó khăn thị trường còn do các nước đặt hàng rào kỹ thuật, đòi đáp ứng tiêu chí về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.
Giải pháp cho tình trạng này là gì? Bộ NN&PTNN đưa ra cách tìm thêm thị trường: cần mở rộng sang các thị trường châu Phi và Trung Đông.
Vậy là rõ. Kiên quyết không “đổi vận” cho hạt gạo Việt, nâng chất lượng, giảm số lượng để bán được gạo và bán với giá cao hơn.
Nghị định 109/2010 về kinh doanh xuất khẩu gạo - một ví dụ từng xôn xao một thời - cũng là yếu tố gây khó khăn cho hàng Việt. Điều kiện tham gia xuất khẩu gạo là: phải có ít nhất một kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc; có ít nhất một cơ sở xay, xát thóc, gạo công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ; phải xuất khẩu gạo trong thời gian 12 tháng liên tục... tám năm. Sau này Nghị định 109 chuyển thành Nghị định 107/2018, về lý thuyết không bắt buộc nhà kinh doanh phải sở hữu kho chứa thóc, gạo và cơ sở xay, xát, chế biến nữa, bãi bỏ thủ tục bắt buộc đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo tại Hiệp hội Lương thực Việt Nam... nhưng hỏi lại thì những doanh nghiệp sản xuất gạo chất lượng cao vẫn bị trói buộc chằng chịt chưa xuất khẩu được.
Chừng nào thay đổi triệt để chủ trương này thì mới hy vọng thay đổi sinh mệnh cho gạo Việt Nam.
Nỗi niềm người chủ loại gạo ngon nhất thế giới
Từ khi có tin gạo ST 25 được công nhận ngon nhất thế giới (trước đó có tin cũng từ chính ban tổ chức là gạo ST 24), người tiêu dùng ùn ùn tìm mua. Chỉ riêng tại Phiên chợ Xanh tử tế, có chừng 60 gian hàng thôi và chỉ có một gian bán gạo ST mà trong buổi sáng thứ Bảy (16-11) đã bán được 1,2 tấn. Hàng không đủ cung.
Nhưng nỗi lo nhiều năm nay của anh Cua là quản lý giống và chống hàng giả. Ngay tại tỉnh Sóc Trăng, nơi làm ra giống và trồng ra luôn gạo ST 24, 25 thì chính quyền cũng không quan tâm kiểm soát hàng giả. Ở thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng, người ta “bắt quả tang” giống lúa giả nhưng xử không được vì quan chức địa phương... lơ. Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương và Tiến sĩ Trần Tấn Phương, là hai đồng nghiệp của anh Cua trong nhóm nghiên cứu ra giống ST 24, 25 thì hiện nay, nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp bán giống ST, ghi “ lúa lương thực và thời gian sinh trưởng...” . Cơ quan chức năng biết giống giả nhưng họ không làm gì.
Xem ra, trách nhiệm nặng nề của danh hiệu “gạo ngon nhất thế giới” là đặt ra nhiều vấn đề cốt lõi, thay đổi tư duy và chủ trương trong sản xuất lúa gạo và thay đổi cả cách điều hành để có được sản phẩm có chất lượng, có tiêu chuẩn.
Theo anh Cua, Nhà nước chỉ cần làm cho hết trách nhiệm trong bốn việc (đặt tên giống, đưa bộ giống xây dựng thương hiệu vô danh mục; quy vùng chỉ dẫn địa lý; tiêu chuẩn độ thuần; kiểm soát thị trường giống) là ra lộ trình xây dựng thương hiệu. Thái Lan làm như vậy và cứ đầy đủ tiêu chuẩn sẽ được in dòng chữ thương hiệu quốc gia Việt Nam. Trong khi đó, ta lo vẽ logo nhưng không xác định rõ giống nào, lúc thì RVT, Jasmine 85, Nàng Hoa...
Tới ngày 1-1-2020, Luật Trồng trọt mới có hiệu lực. Bây giờ anh Cua chỉ dựa vào quy chuẩn công bố hợp quy (gồm: giấy phép kinh doanh; xem giống có tên trong danh mục không; có quyền sở hữu trí tuệ không; kết quả kiểm định hạt giống) để tự bảo vệ. Trong khi đó, lẽ ra Nhà nước chỉ cần vận dụng Luật Sở hữu trí tuệ là sẽ xử được hàng giả.
Hỏi nỗi niềm ông chủ giống ST 24, 25? Thực ra, từ khi đưa giống ST 24 ra thị trường tới giờ, anh Cua vẫn lỗ và tiếp tục lỗ vì giống thật của anh không bán được bao nhiêu (bị làm giả quá nhiều). Anh phải bỏ giống qua trồng lúa, tức làm lương thực (mỗi năm chừng 1.200 tấn). Nhưng, mỗi ki lô gam lúa giống chuyển qua lương thực thì lại bị lỗ 4.500 đồng. Tiếp tục hay ngưng, anh ấy nghĩ, không phải mình trồng nhiều, làm lớn vì ham lời, tại sao giống lúa được quốc tế công nhận, quốc gia công nhận mà mình không làm? Vậy nhân cơ hội được thế giới công nhận, anh Cua muốn khuấy động vấn đề kiểm soát chất lượng. Việt Nam chỉ có thể xây dựng thương hiệu gạo khi nào kiểm soát được chất lượng hạt giống. Mà cả các sản phẩm khác cũng đều phải vậy, đúng không?
Không kiểm soát được đâu là giống lúa thật thì sẽ tiêu diệt gạo ST và không đẩy lùi được hàng giả thì rồi sẽ toàn kẻ bất lương hưởng lợi, người tiêu dùng bị lừa, nhà sản xuất thiệt thòi.
Hiện nay có những công ty lúa gạo là đối tác tốt giúp anh Cua mở rộng sản xuất từ mua giống của anh như Tấn Vương, Cỏ May. Người Thái sau vụ ST 24, 25 được công nhận đã hỏi mua gạo này với khối lượng lớn để phân phối... toàn cầu.
Nông dân Việt, thấy gạo ST 24, 25 bán được, mà lấy lúa thịt làm giống, hay dùng giống giả (giống không rõ nguồn, đúng chuẩn) thì gạo mang tên này sẽ bị giảm chất lượng, độ thuần, rồi thoái hóa khiến phải dùng thuốc chống sâu bệnh, dẫn tới gạo bị dư lượng hóa chất, mất an toàn, năng suất thấp.
Năng lực lõi và đam mê của anh Cua là lo đủ nguồn cung giống cho các đối tác và được tiếp tục làm công tác nghiên cứu để có nguồn giống thuần, có thêm nhiều dòng lúa ST 28, 29, 30 tới ST 100 vì mỗi năm anh có thêm hàng trăm tổ hợp lai, đủ vật liệu di truyền để lai tạo tiếp nhiều giống tối ưu. Kế đó là tổ chức trồng ở địa phương (khoảng 10.000 héc ta hay hơn chút ít) để giảm lỗ khi sản xuất giống nhưng sức khỏe anh ấy cũng không cho phép.
Xem ra, trách nhiệm nặng nề của danh hiệu “gạo ngon nhất thế giới” là đặt ra nhiều vấn đề cốt lõi, thay đổi tư duy và chủ trương trong sản xuất lúa gạo và thay đổi cả cách điều hành để có được sản phẩm có chất lượng, có tiêu chuẩn.
Ngày 12-11-2019, gạo ST 25 của Việt Nam được trao giải gạo ngon nhất thế giới tại cuộc thi World’s Best Rice, do The Rice Trader tổ chức. Đây là lần đầu tiên một loại gạo của Việt Nam nhận giải thưởng cao nhất trong cuộc thi đã được tổ chức 10 lần trong 10 năm qua này, sau khi vượt qua các đối thủ đến từ Thái Lan, Campuchia vốn đã nhiều lần đạt danh hiệu vô địch. Cuộc thi được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị thương mại gạo thế giới lần thứ 11 tại Manila, Philippines từ ngày 10 đến 13-11-2019, được chấm bởi các đầu bếp quốc tế, qua việc kiểm tra cảm quan của gạo trước khi nấu cơm và độ ngon của cơm. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận