Việt Nam có cơ hội đón sóng tài chính xanh
Nếu Việt Nam đặt ra một chương trình đột phá về chuyển dịch năng lượng sang xanh, sạch; có dự án lớn để thu hút sóng đầu tư này, sẽ tạo ra rất nhiều hệ sinh thái về công ăn việc làm...
Tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp
Đánh giá kinh tế năm 2021 và đưa ra những nhận định, dự báo cho năm 2022, GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội cho rằng, dù hơi buồn vì mức tăng trưởng của Việt Nam năm 2021 chỉ đạt 2,58%, thấp hơn thế giới rất nhiều; Nhưng phải nói rằng chúng ta đã vượt qua khó khăn, thách thức lớn, từ chỗ khi bắt đầu đại dịch COVID-19, Việt Nam hoàn toàn zero vaccine, nên dẫn đến tình trạng phải đóng cửa, phong tỏa để đảm bảo an toàn. Vì thế, tăng trưởng 2,58% cũng là một con số đáng khích lệ, khi nhiều quốc gia vào giai đoạn đỉnh điểm của dịch bệnh còn tăng trưởng âm, thậm chí tới -4 %.
Cũng theo ông Cường, dự báo cho năm 2022, tình hình kinh tế có sáng sủa hay không còn phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh như thế nào. Như hiện nay, ngay cả khi Việt Nam đã xuất hiện biến chủng Omicron, nhưng chúng ta vẫn chủ động được trong khâu kiểm soát, không để xảy ra tình trạng “phanh gấp”, gây đứt gãy mọi hoạt động như năm 2021. "Nhưng biết đâu vẫn có những thứ khác xảy ra, mà trong bối cảnh đại dịch là vô cùng khó đoán định", ông nói.
“Vì thế, khả năng chúng ta làm chủ thế nào trong phòng chống dịch rất quan trọng. Tuy nhiên, tôi tin tưởng Việt Nam luôn thích ứng rất nhanh với việc phòng chống dịch, đặc biệt người dân có ý thức cao, từ đảm bảo các quy định an toàn, đến tự nguyện đi tiêm vaccine và không có các biểu hiện chống đối khi phải phong toả, giãn cách xã hội.
GS. TS. Hoàng Văn Cường cũng chia sẻ thêm về kỳ vọng trong gói hỗ trợ, đó là gói 40.000 tỷ đồng cho tín dụng, hỗ trợ về lãi suất để nhiều doanh nghiệp có thể tiếp cận được hơn.
“Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ 2% lãi suất và có tiền để hỗ trợ là có thật. Nếu ngân hàng muốn hỗ trợ doanh nghiệp, thì phải làm sao để bất kỳ doanh nghiệp nào có nhu cầu vốn mở rộng sản xuất kinh doanh đều được tiếp cận được. Đừng bắt họ phải có tài sản thế chấp, cũng tránh bài học của năm 2009 – 2011, bơm tiền cho doanh nghiệp nhưng không đồng hành cùng doanh nghiệp, không có sự giám sát về các hoạt động của dòng vốn.
Đón sóng tài chính xanh
Nếu Việt Nam đặt ra một chương trình đột phá chuyển dịch năng lượng sang xanh, sạch, có dự án lớn để thu hút sóng đầu tư này, sẽ tạo ra rất nhiều hệ sinh thái về công ăn việc làm (ảnh minh hoạ)
Chia sẻ về những đánh giá của mình, ông Phạm Xuân Hoè, Nguyên Phó viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, trong năm qua, chính kinh tế số đã giúp cho hệ thống ngân hàng thực sự có nguồn thu rất lớn từ phí bảo hiểm, phí thanh toán và các phí khác, đóng góp thêm giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Còn với lĩnh vực xuất nhập khẩu thật sự ấn tượng, nhưng chính vì câu chuyện đó nên cán cân tổng thể của Việt Nam mới thặng dư và giúp tăng dự trữ ngoại hối, cũng là tạo niềm tin đối với nhà đầu tư nước ngoài tốt hơn. Tuy nhiên, có 4 điều quan ngại không thể bỏ qua bao gồm:
Riêng tài chính còn có vấn đề nữa đó là thị trường trái phiếu doanh nghiệp trị giá 500.000 tỷ đồng, trong đó 94,5% là phát hành riêng lẻ, mà các tiêu chí đều không đạt và tiềm ẩn rủi ro.
Về điểm sáng trong năm mới, ông Hoè hoàn toàn đồng tình về việc thay đổi thể chế, tiêu biểu như áp dụng một Luật sửa chín luật, là một trong những nút đột phá khi mạnh dạn triển khai.
Ví dụ với luật đầu tư công, sẽ tăng cường sự phân cấp để giải quyết vấn đề thủ tục hành chính cho các cấp địa phương, để giải ngân nhanh hơn. Với luật đầu tư đối tác công tư cũng sẽ sử dụng một hoặc nhiều nguồn cho nguồn vốn trên một dự án, nhằm bổ sung năng lực, tiền vốn cho dự án thực hiện triển khai.
Tiếp đó là điều kiện về kinh doanh dịch vụ an ninh mạng đã được khái quát hóa để phát triển kinh tế số và khởi nghiệp sáng tạo. Riêng Luật về nhà ở đã gỡ vướng về trình tự thủ tục, để chấp thuận chủ trương đầu tư cũng như chấp thuận nhà đầu tư giúp thị trường bất động sản có thêm nguồn cung. Đặc biệt, Luật điện lực có các điểm hay đó là tăng cường khả năng cạnh tranh hơn trong thị trường năng lượng, quy định rõ hơn lĩnh vực nào nhà nước độc quyền và cũng hẹp lại một số lĩnh vực nhà nước độc quyền.
“Đáng chú ý, cam kết Net Zero của Chính phủ tại Hội nghị COP26 vừa qua tại Anh, chính là làn sóng để Việt Nam có tiếp được cơ hội của sóng tài chính xanh hay không. Nếu thực sự chúng ta đặt ra một chương trình đột phá chuyển dịch năng lượng sang xanh, sạch, có dự án lớn để thu hút sóng đầu tư này, như đầu tư vào điện gió ngoài khơi, hay điện mặt trời, sẽ tạo ra rất nhiều hệ sinh thái về công ăn việc làm. Lượng lớn các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam sẽ kích thích tăng trưởng, đồng thời trong nước, các ngân hàng thương mại cũng tiếp cận được các nguồn vốn này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận