Việt Nam chậm một bước trong cuộc “tranh mua” vaccine toàn cầu
Sẵn sàng trả giá cao hơn thị trường, mở toang cửa cho tư nhân tham gia tiếp cận vaccine và quyết liệt thúc giục các hãng dược giao vaccine sớm.
Đó là những giải pháp được các chuyên gia khuyến nghị để Việt Nam có thể tăng tốc mua vaccine trong bối cảnh đất nước đang gồng mình chống chọi với làn sóng dịch Covid-19 thứ 4.
Việt Nam cần tăng tốc nhập vaccine
Cho đến cuối tháng 4 năm 2021, Việt Nam luôn được ca ngợi như một điển hình chống dịch Covid-19 thành công nhờ các biện pháp truy vết khoanh vùng, dập dịch quyết liệt.
Làn sóng dịch thứ 4, với số ca nhiễm lớn gấp đôi so với ba làn sóng trước cộng lại, hơn thế đa số được phát hiện trong cộng đồng và các khu công nghiệp, cho thấy hiệu lực của những biện pháp chống dịch trước đây đã bị suy giảm đáng kể, theo nhận định của các chuyên gia tham gia Toạ đàm về mở rộng nguồn tiếp cận vaccine (do Trường Chính sách Công và Quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam tổ chức ngày 19/6/2021).
“Điều này đòi hỏi một chiến lược phòng – chống dịch hoàn toàn mới, trong đó vaccine đóng vai trò quyết định chuyển từ “phòng thủ” sang “tấn công” theo tuyên bố của Thủ tướng Chính phủ”, TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách Công và Quản lý nhận xét.
Thế nhưng, thực tế là cho đến nay, Việt Nam vẫn là một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng vaccine Covid-19 thấp nhất, mới chỉ đạt hơn 1,3% dân số.
Điều này tương phản với tỷ lệ 98% dân số muốn được tiêm vaccine – là tỷ lệ cao nhất thế giới theo kết quả một cuộc khảo sát đăng trên the Lancet – một tạp chí y học hàng đầu.
Lý giải cho thực trạng này, TS Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock, Đại học Sydney (Australia) thẳng thắn cho rằng, Việt Nam đã “chậm một bước” so với các nước khác trong cuộc cạnh tranh toàn cầu quyết liệt để tiếp cận vaccine.
Ngay từ tháng 3 năm 2020 khi vaccine Covid còn đang được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, nước Anh đã đặt hàng công ty Astra Zeneca sản xuất vaccine này cho họ. Đến tháng 3 – tháng 4, hàng loạt quốc gia đặt hàng vaccine Astra Zeneca.
Tình hình tương tự cũng diễn ra với các vaccine ra đời sau đó như Pfizer và Moderna.
Trong khi đó, Việt Nam bắt đầu thương thuyết và đặt hàng Astra Zeneca từ tháng 8/2020 và hoàn thành hồ sơ để đăng ký trở thành quốc gia nhận vaccine từ chương trình Covax.
Nhưng từ cuối năm ngoái, nhiều cảnh báo về tình trạng thiếu nguồn cung vaccine cho Covax đã đặt ra, dù tổ chức này nỗ lực thương thuyết với nhiều nhà sản xuất bởi vì các nhà sản xuất vaccine thường ưu tiên bán cho những nước mua trực tiếp.
Ngay cả trong thời gian tới, khi số lượng sản xuất vaccine tăng lên, Covax cũng khó tự chủ được đủ nguồn vaccine cho các nước, trong đó có Việt Nam, bà Thu Anh cảnh báo.
Nhìn nhận ở góc độ quản trị Nhà nước, PGS.TS Phạm Duy Nghĩa, giảng viên Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright cho rằng về bản chất, đại dịch Covid-19 đặt các quốc gia trong tình trạng khẩn cấp và buộc chính phủ các nước phải hành xử theo tình huống khẩn cấp.
Nhiều nước đã ứng tiền ngay từ lúc các công ty dược phẩm còn đang nghiên cứu vaccine nên họ đương nhiên được mua trước.
Nhưng ở Việt Nam, Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp lại không được sử dụng mà bộ máy vẫn vận hành như trong tình trạng bình thường.
“Do đó, toàn bộ quá trình sử dụng tiền ngân sách để đi đàm phán và mua vaccine bị ràng buộc bởi những quy trình phát luật và thủ tục hành chính rất chặt chẽ”, ông Phạm Duy Nghĩa lí giải.
PGS.TS Phạm Duy Nghĩa viện dẫn thực tế, ngay cả khi VNVC đã tham gia đặt mua 30 triệu liều Astra Zeneca từ tháng 9 năm ngoái nhưng bên bán vẫn yêu cầu Chính phủ phải đứng ra đàm phán và mua.
Trong khi đó, Luật về Đấu thầu đòi hỏi những quy trình chặt chẽ khiến cho việc giải ngân diễn ra chậm chạp.
Trong tình trạng làn sóng dịch thứ 4 đã bùng phát gần như trên toàn quốc (42/63 tỉnh thành) và lây lan nhanh trong cộng đồng, việc đẩy nhanh tốc độ tiếp cận vaccine cũng như triển khai một cách nhanh chóng và hiệu quả chiến lược tiêm chủng vaccine trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của chiến lược phòng chống Covid trong giai đoạn mới của Việt Nam.
Chính phủ đã đặt ra mục tiêu đến cuối năm nay và đầu năm sau Việt Nam có thể nhập và triển khai tiêm chủng cho 70% dân số, tương đương với khoảng 150 triệu liều vaccine.
Trả giá cao để tăng tốc nhập vaccine
Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Đại học Fulbright, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đề xuất các giải pháp để Việt Nam tăng tốc nhập vaccine.
Nhưng để có thể tiếp cận được số lượng lớn thì không thể tiếp tục cách tiếp cận kiểu “con nhà nghèo” trong bối cảnh tranh mua vaccine như hiện nay.
“Việt Nam cần đưa ra thông điệp mới là chúng ta sẵn sàng có nguồn lực tài chính và chấp nhận mua vaccine với giá bằng hoặc cao hơn giá trung bình trên thị trường quốc tế”, ông Thành nêu quan điểm.
Đây cũng là bài học của các quốc gia đã thành công trong nỗ lực tiêm chủng diện rộng. Ví dụ như Israel sẵn sàng trả 23 USD/liều vaccine Pfizer (giá trung bình 19,5 USD) và đến giờ này đã hoàn tất tiêm chủng cho hơn 60% dân số.
Hiện tại, cơ hội tiếp cận vaccine của Việt Nam đang rộng mở vì nhiều nước phát triển đã tiêm đủ số lượng nên không còn găm giữ, tích trữ vaccine như trước.
“Đàm phán mua giá cao đúng thời điểm này, Việt Nam sẽ có vaccine sớm. Chi phí mua vaccine dù lớn đến đâu vẫn không thể so sánh được với thiệt hại về kinh tế nếu để dịch bệnh bùng phát”, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh.
Ông Thành ước tính, năm ngoái trong bối cảnh Việt Nam kiểm soát tốt Covid nhưng thiệt hại về tăng trưởng kinh tế tương đương khoảng 15 tỷ USD.
Năm nay, thiệt hại của đợt bùng phát dịch lần thứ 4 này chưa thể dự đoán được nhưng chắc chắn vượt xa con số chi phí 1 tỷ USD nhập khẩu vaccine.
Mặt khác, dù Việt Nam đã đàm phán với nhiều hãng nhưng chưa có cam kết thời gian giao hàng cụ thể. Bộ Y tế cần tiếp tục quyết liệt thúc giục các hãng giao hàng sớm.
Bởi vì, Việt Nam sẵn sàng trả giá cao để được giao hàng trước thì chúng ta có lợi thế để gây áp lực với các hãng phải giao hàng đúng thời hạn, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành lưu ý.
Mở toang cửa cho tư nhân và chiến lược quản lý rủi ro
Một giải pháp được các chuyên gia dành nhiều thời gian thảo luận là chiến lược huy động mọi nguồn lực tham gia mua vaccine, nói nôm na là “xã hội hoá” việc tiếp cận vaccine, thay vì Nhà nước độc quyền như trước đây.
Chính phủ và Bộ Y tế đang khuyến khích các doanh nghiệp, địa phương tham gia mua, nhập vaccine. Đây cũng là cách tiếp cận mà nhiều nước đang triển khai, nhằm có vaccine bằng mọi giá.
"Nếu Chính phủ đứng ra mua vaccine, thủ tục sẽ mất nhiều thời gian. Khối tư nhân mua vaccine sẽ rút ngắn tối đa thủ tục và thời gian. Nhưng nhiều hãng sản xuất chỉ đàm phán với Chính phủ.
Vì vậy, Việt Nam cần sớm hình thành cơ chế đàm phán ba bên là Chính phủ, doanh nghiệp, nhà sản xuất", ông Thành khuyến nghị.
Đồng tình với đề xuất này, PGS.TS Phạm Duy Nghĩa nhấn mạnh vai trò dẫn dắt của Nhà nước khi huy động mọi nguồn lực tham gia mua vaccine, đặc biệt là tầm quan trọng của cơ chế giám sát và quản lý rủi ro.
Với tính chất đặc biệt của mặt hàng vaccine, Bộ Y tế phải đứng ra kiểm định chất lượng từng lô hàng nhập về, tránh tình trạng vaccine giả, kém chất lượng hoặc quá hạn sử dụng.
Nhưng mặt khác, để tạo điều kiện hơn cho các doanh nghiệp có thể mạnh dạn tham gia kết nối, mua nhập vaccine, “Chính phủ cần ban hành quy định miễn trừ trách nhiệm cho các đơn vị này, nếu vaccine đảm bảo chất lượng nhưng xảy ra phản ứng phụ. Nếu có sự cố, Chính phủ đứng ra bồi thường”, TS Phạm Duy Nghĩa đề xuất.
Nhắc lại câu chuyện 248.00 liều mà VNVC nhập về bị lưu kho gần một tháng gây ì xèo trong dư luận vừa qua, chuyên gia Phạm Duy Nghĩa một lần nữa nhấn mạnh bài học về quản trị nhà nước để có thể triển khai thành công chiến lược vaccine đầy tham vọng hiện nay.
“Dù không tuyên bố tình trạng khẩn cấp nhưng cách hành xử của bộ máy hành chính phải đặt trong tình trạng đặc biệt, chống dịch như chống giặc, mới có thể thành công.
Họ phải được giải phóng khỏi trách nhiệm pháp lý theo cái nghĩa trong quy trình cũ và được đo lường bằng trách nhiệm chính trị là anh có mang được vaccine về hay không.
Còn anh mang về bằng cách nào, dựa trên những quy trình nào thì toàn bộ bộ máy phải hậu thuẫn để đạt được mục tiêu đó”, TS Phạm Duy Nghĩa nêu quan điểm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận