Việt Nam cần làm gì để tận dụng cơ hội của EVFTA?
Việc Nghị viện châu Âu vừa thông qua Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đánh dấu một mốc quan trọng trong chặng đường 30 năm phát triển quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU).
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, cùng với vai trò Chủ tịch ASEAN thì việc bỏ phiếu thông qua hai hiệp định EVFTA và EVIPA sẽ giúp Việt Nam phát huy mạnh mẽ hơn nữa vị thế của mình trên trường quốc tế.
Cơ hội lớn cho cả hai bên
Nhận định về cơ hội và thách thức của EVFTA với Việt Nam, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, EU là một trong số thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này năm 2019 đạt 41,48 tỷ USD và nhập khẩu đạt 14,91 tỷ USD. “Khi EVFTA được phê chuẩn thì công nghệ nguồn và nguồn vốn của EU sẽ giúp ích rất lớn cho Việt Nam hình thành những chuỗi cung ứng mới ở tại EU và toàn cầu. Và như vậy, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế của chúng ta sẽ có sự hỗ trợ rất to lớn từ nguồn lực này để đảm bảo hiệu quả, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
“Một yếu tố vô cùng quan trọng là với EVFTA, Việt Nam đã chứng minh chủ trương của Đảng về chiến lược đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ là hoàn toàn đúng đắn và mang lại những lợi ích vô cùng to lớn, nhất là để đảm bảo lợi ích quốc gia cũng như đảm bảo mối quan hệ hợp tác bền vững mang tính chiến lược để đóng góp chung cho hòa bình, ổn định chứ không đơn thuần về kinh tế, thương mại”, một chuyên gia nhận định.
Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình chính trị - an ninh thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, Hiệp định EVFTA vừa giúp Việt Nam có điều kiện nâng cao nội lực để ứng phó, vừa giúp củng cố vị thế để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh.
Mặc dù quá trình toàn cầu hóa mang lại nhiều cơ hội, song trên thực tế hiện nay, chủ nghĩa bảo hộ cũng rất phát triển và những bất ổn về kinh tế, chính trị trên thế giới còn tiềm ẩn rất lớn. Do đó, Việt Nam phải khai thác tối đa những hiệu quả bằng những hành động kịp thời để ứng phó và đảm bảo vị thế, từ đó đảm bảo lợi ích quốc gia và dân tộc. “Một trong những nhiệm vụ cần thực hiện ngay trong năm 2020 là phải tái cơ cấu, tổ chức lại hệ thống sản xuất và đảm bảo lợi ích của các đối tượng chịu tác động trong quá trình hội nhập, bao gồm cả khía cạnh tích cực lẫn tiêu cực”, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Cũng theo Tư lệnh ngành Công thương, những nội dung của hai hiệp định này có yêu cầu rất cao, không chỉ là những hiệp định thế hệ mới mà có rất nhiều điểm yêu cầu cao hơn và khác biệt kể cả so với những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới khác mà Việt Nam đã ký như CPTPP.
Vì vậy, không chỉ đơn thuần đòi hỏi sự cắt giảm hàng rào thuế quan, mà những nội dung của hiệp định còn hàm chứa rất nhiều hoạt động cải cách của hai bên để tiếp tục tạo môi trường thuận lợi, minh bạch công khai cho các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội và không chỉ thuần túy về thương mại.
Làm gì để tận dụng cơ hội?
Dù còn rất sớm để đánh giá nhưng theo tính toán của các nhà nghiên cứu quốc tế, Hiệp định EVFTA ngay lập tức sẽ mang lại lợi ích rất to lớn cho kinh tế Việt Nam, cho năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, cho doanh nghiệp và cho các sản phẩm của Việt Nam. Điều đặc biệt, trong năm 2020, Việt Nam đang chứng minh uy tín, vị thế của mình thông qua việc trở thành Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và đồng thời là Chủ tịch ASEAN thì việc bỏ phiếu thông qua hai hiệp định EVFTA và EVIPA sẽ giúp Việt Nam phát huy mạnh mẽ hơn nữa vị thế của mình trên trường quốc tế.
Về mặt quy trình pháp lý phía bạn đã làm xong phần việc của mình, còn phía Việt Nam đang còn những việc cần phải triển khai gấp. Đầu tiên là việc thảo luận của các đại biểu Quốc hội và phê chuẩn của Quốc hội Việt Nam. Việc này Bộ Công thương cũng rất trông đợi và kỳ vọng trong kỳ họp sắp tới của Quốc hội, hồ sơ của các hiệp định EVFTA và EVIPA sẽ được trình ra Quốc hội sau khi đã hoàn tất khâu chuẩn bị và nay đang được đẩy nhanh từ phía Chính phủ, để được phê chuẩn trong thời gian sớm nhất.
Như vậy, phía bạn cũng có điều kiện thực hiện nốt những phần việc cuối cùng để đưa các hiệp định vào thực hiện, theo dự kiến khoảng tháng 7 hoặc tháng 8/2020. Và với một thời gian ngắn nữa, cộng đồng doanh nghiệp, người dân cũng như các tổ chức của hai bên Việt Nam, EU sẽ được hưởng lợi từ hai hiệp định này. “Song để làm được như vậy, nhất là sau khi Quốc hội Việt Nam phê chuẩn và các hiệp định này có hiệu lực, Việt Nam cần phải chuẩn bị hàng loạt các vấn đề trong việc thực hiện các cam kết hội nhập cũng như những kế hoạch dài hạn”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.
Trước hết, Việt Nam phải có Chương trình hành động được Thủ tướng phê duyệt và ban hành nhằm thực hiện những nhiệm vụ trước mắt và dài hạn, đồng thời rà soát, chỉnh sửa pháp luật để báo cáo Quốc hội sửa đổi, thông qua, cũng như việc điều hành kinh tế-xã hội, tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển thị trường trong nước phải đảm bảo và bảo vệ có hiệu quả những lợi ích của nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân khi thực hiện các cam kết hội nhập.
Một nhiệm vụ ưu tiên cao nhất trong thời gian tới là ngay sau khi các hiệp định có hiệu lực, phải phổ biến kiến thức pháp luật và cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ về các hiệp định, Chương trình hành động của Chính phủ, những nội dung cụ thể liên quan đến từng ngành, hiệp hội, doanh nghiệp và người dân.
Thực tế, khi các hiệp định có hiệu lực dự kiến vào giữa năm nay thì việc rà soát pháp luật, điều chỉnh khuôn khổ luật pháp, tổ chức thực hiện công tác phát triển thị trường trên cơ sở khai thác những điểm thuận lợi của các hiệp định thương mại tự do này phải đặt ra ngay và cần sự vào cuộc đồng bộ của các bên.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận