Việt Nam bị nhiễm mã độc tống tiền cao nhất khu vực
Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ nhiễm mã độc tống tiền (ransomware) cao nhất trong khu vực, theo báo cáo Security Endpoint Threat Report 2019 của Microsoft trong khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Microsoft đưa ra những kết quả này thông qua phân tích nhiều nguồn dữ liệu khác nhau, bao gồm 8.000 tỷ tín hiệu về các mối đe dọa được tiếp nhận và phân tích mỗi ngày, trong khoảng thời gian 12 tháng, từ tháng 1/2029 - 12/2019.
Theo báo cáo, dù đã giảm 26% so với năm trước nhưng tỷ lệ xảy ra các cuộc tấn công bằng ransomware tại Việt Nam vẫn đứng đầu khu vực, ở mức 0,17% năm 2019, cao gấp 3, 4 lần mức trung bình.
Tương tự, các cuộc tấn công bằng malware giảm 29% so với năm trước nhưng Việt Nam cũng nằm trong top 3 bị tấn công, ở mức 8,77%.
Tỷ lệ xảy ra các cuộc tấn công bằng mã độc khai thác tiền điện tử ở Việt Nam đạt mức 0,10% trong năm 2019, đứng thứ ba toàn khu vực. Theo báo cáo, dù đã giảm 71% so với năm 2018, tỷ lệ này vẫn cao gấp 2 lần mức trung bình trong khu vực và trên toàn cầu.
Trong các cuộc tấn công này, máy tính của nạn nhân bị nhiễm mã độc khai thác tiền điện tử, tạo lỗ hổng để tội phạm lợi dụng sức mạnh tính toán của máy tính mà nạn nhân không hề hay biết.
Kể từ khi bùng phát từ đầu năm đến nay, đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi toàn cảnh an ninh mạng và hiện vẫn là mối quan tâm hàng đầu của các cá nhân, tổ chức và chính phủ trên toàn thế giới.
Dữ liệu của nhóm Microsoft Intelligence Protection đã chỉ ra rằng mọi quốc gia trên thế giới đều gặp phải ít nhất một cuộc tấn công có chủ đề Covid-19, và dường như số lượng các cuộc tấn công thành công ở các quốc gia bị ảnh hưởng lớn của đại dịch ngày một gia tăng do nỗi lo sợ và nhu cầu tìm kiếm thông tin ở các quốc gia này cao hơn.
Trong số hàng triệu tin nhắn lừa đảo (phishing) có mục tiêu được ghi nhận trên toàn cầu mỗi ngày, khoảng 60.000 trong số đó bao gồm tệp đính kèm độc hại hoặc URL độc hại liên quan đến đại dịch Covid-19. Những kẻ tấn công mạo danh những cơ quan, tổ chức lớn như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) và Bộ Y tế để xâm nhập vào hộp thư đến của người dùng.
Tỷ lệ nhiễm malware cao có liên quan tới tỷ lệ vi phạm bản quyền và ý thức cá nhân về an toàn mạng - bao gồm việc vá và cập nhật phần mềm thường xuyên.
Để đảm bảo việc xây dựng không gian mạng an toàn, Microsoft đã đưa ra khuyến cáo dành cho doanh nghiệp: Có các công cụ mạnh mẽ để bảo vệ nhân viên và cơ sở hạ tầng, cụ thể là nghiên cứu các hệ thống phòng thủ nhiều lớp và bật xác thực đa yếu tố (multi-factor authentication - MFA) khi nhân viên làm việc từ xa.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận