Việt Nam áp thuế cao với nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc
Các doanh nghiệp nhôm trong nước chắc chắn hưởng lợi từ động thái áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm nhôm có xuất xứ từ Trung Quốc.
Theo đó, Bộ Công Thương sẽ áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm nhôm, hợp kim hoặc không hợp kim ở dạng thanh, que và hình đã được đùn ép, đã hoặc chưa xử lý bề mặt, đã hoặc chưa được gia công thêm nhập khẩu vào Việt Nam có mã HS 7604.10.10, 7604.10.90, 7604.21.90, 7604.29.10, 7604.21.90.
Biện pháp chống bán phá giá tạm thời được áp dụng dưới hình thức thuế nhập khẩu bổ sung, với mức thuế từ 2,46% đến 35,58%.
Sau khi quyết định áp thuế chống bán phá giá tạm thời, Bộ Công Thương sẽ thực hiện việc thẩm tra, xác minh lại các thông tin do các bên liên quan cung cấp trước khi hoàn thành kết luận điều tra chính thức về vụ việc.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng sẽ tổ chức tham vấn công khai để các bên liên quan trực tiếp trao đổi, cung cấp thông tin, bày tỏ quan điểm về vụ việc trước khi đưa ra kết luận cuối cùng về vụ việc.
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 81 Luật Quản lý Ngoại Thương, trong trường hợp kết luận cuối cùng của Cơ quan điều tra xác định có thiệt hại đáng kể hoặc có đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương có thể quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá có hiệu lực trở về trước.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 5/6/2019, thời hạn áp dụng là 120 ngày.
Hồi đầu năm nay, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 33/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với một số sản phẩm bằng nhôm, hợp kim hoặc không hợp kim, ở dạng thanh, que và hình (mã HS: 7604.10.10; 7604.10.90; 7604.21.90; 7604.29.10; 7604.29.90)xuất xứ từ Trung Quốc.
Quyết định của cơ quan quản lý xuất phát từ phản ánh của cácdoanh nghiệpsản xuất nhôm trong nước, cho biết việc nhập khẩu tràn lan nhôm từ Trung Quốc đã gây thiệt hại tới sản xuất trong nước, khiến lợi nhuận giảm, hàng sản xuất ra bị ép giá và tồn kho tăng.
Theo Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), lượng tiêu thụ trong nước đối với nhóm ngành vật liệu nhôm mỗi năm tăng trung bình từ 15% đến 20%. Trong năm 2018, thị phần nhôm ngoại đang chiếm tới gần 50%, trong đó, nhôm Trung Quốc đang giữ vị trí dẫn đầu với hơn 30%; nhôm Đức, Úc, Đài Loan… đang chiếm 2% thị phần.
Với sự đổ bộ ồ ạt của nhôm hệ nhập khẩu Trung Quốc thiếu kiểm soát, không quan tâm đến chất lượng chỉ chạy theo lợi nhuận của các nhà nhập khẩu, phân phối trong nước đã khiến các doanh nghiệp sản xuất nhôm hệ trong nước đã lâm vào một cuộc khủng hoảng cục bộ.
Các doanh nghiệp sản xuất nhôm trong nước vừa gồng mình chống chọi để tồn tại trong các cuộc cạnh tranh về giá thành, vừa phải sản xuất nghiên cứu những tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng. Hệ lụy từ việc phát triển thiếu bền vững là điều không khó lý giải khi nhìn lại một năm giai đoạn này đầy biến động của ngành sản xuất nhôm hệ trong nước.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng bối cảnh nhiều biến động của thị trường hiện tại chính là cơ hội vàng để các doanh nghiệp chinh phục người tiêu dùng. Cạnh tranh ngành nhôm năm nay sẽ cao hơn nhưng sẽ là cuộc cạnh tranh giữa chất lượng sản phẩm và chất lượng dịch vụ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận