Việt - Lào và điểm sáng về đầu tư - thương mại
Hôm 1-10 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì lễ đón trọng thể và sau đó hội đàm với Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith đang thăm chính thức Việt Nam từ ngày 1 đến 3-10.
An ninh là then chốt
Lãnh đạo hai nước khuyến khích các bộ, ban, ngành, địa phương hai nước mở rộng quan hệ hợp tác trực tiếp, hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh, ổn định và trật tự.
Hai thủ tướng vui mừng trước những bước phát triển mạnh mẽ trong hợp tác quốc phòng, an ninh, cho đây là lĩnh vực then chốt nhằm giữ vững môi trường ổn định để phát triển ở mỗi nước.
Hai nước nhất trí tiếp tục phối hợp triển khai tốt các hiệp định, thỏa thuận về biên giới; ngăn chặn và xử lý kịp thời mọi hành động xâm phạm biên giới; phối hợp đấu tranh phòng chống các loại tội phạm xuyên biên giới và đẩy mạnh ký kết các thỏa thuận trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh.
Hai bên nhất trí sớm tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá hiệu quả việc thực hiện mô hình kiểm tra "một cửa, một lần dừng" tại cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Việt Nam) - Đen Sạ Vẳn (Lào); đồng thời phối hợp tổ chức hội nghị tổng kết việc thực hiện thỏa thuận về việc giải quyết vấn đề di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước trong năm 2019.
Điểm sáng đầu tư - thương mại
Đầu tư và thương mại là 2 điểm sáng trong mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào. Tính đến hết năm 2018, doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư sang Lào 409 dự án, với tổng vốn đăng ký 4,1 tỉ USD. Hiện Việt Nam là nhà đầu tư lớn thứ 3 vào Lào, chỉ sau Trung Quốc và Thái Lan. Trong khi đó, năm 2018 chứng kiến kim ngạch thương mại hai chiều đạt gần 1 tỉ USD.
Tại hội đàm, hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục thúc đẩy các biện pháp xúc tiến thương mại nhằm đưa kim ngạch hai chiều tăng trưởng ổn định từ 10-15%/năm như đã đề ra; thực hiện hiệu quả các thỏa thuận về thương mại; sớm ký bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới; tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các cơ chế ưu đãi thuế, thương mại; nâng cao hơn nữa tính bổ trợ giữa hai nền kinh tế.
Hai bên nhất trí triển khai các biện pháp hiệu quả để đảm bảo tiến độ, chất lượng của các dự án đầu tư của Việt Nam tại Lào, có chính sách hỗ trợ thiết thực trên tinh thần quan hệ đặc biệt giữa hai nước đối với doanh nghiệp; tiếp tục tổ chức các cuộc tiếp xúc giữa lãnh đạo Chính phủ Lào và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động kinh doanh, đầu tư tại Lào.
Thủ tướng Chính phủ Lào cam kết tiếp tục tạo điều kiện đơn giản hóa các thủ tục và giảm chi phí liên quan tới việc xin cấp phép cho lao động Việt Nam.
Hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, thượng tôn pháp luật, an ninh, bảo đảm an toàn, tự do hàng hải và hàng không, giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật biển Liên Hiệp Quốc năm 1982 (UNCLOS) và tái khẳng định các lập trường nguyên tắc của ASEAN về vấn đề Biển Đông nêu trong các tuyên bố gần đây của ASEAN.
Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Đảng
Tiếp thủ tướng Lào chiều cùng ngày, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bày tỏ vui mừng về mối quan hệ Việt - Lào ngày càng phát triển đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước đề nghị hai thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chủ động tích cực phối hợp chặt chẽ, triển khai có hiệu quả các nội dung hai bên đã thỏa thuận; đi sâu trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, quản lý kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế và các biện pháp triển khai thực hiện nghị quyết đại hội của mỗi Đảng; tập trung tìm các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để nâng cao hiệu quả hợp tác về kinh tế, đầu tư, thương mại, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - kỹ thuật.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận