menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Trung Hiếu

Viết lách bắt trend: Đáng khen hay… đáng thẹn?

Nhân việc tham gia một sự kiện về Content Marketing, với chủ đề “bắt trend khi làm nội dung”, tôi nhận được một bộ câu hỏi xoay quanh câu chuyện này.

Đó là những câu hỏi tốt, giúp ích cho người trẻ mới bắt đầu bước chân vào công việc Content Marketing. Do vậy, tôi đã ghi lại phần trả lời của mình, để chia sẻ rộng rãi hơn, ra ngoài quy mô của một sự kiện thông thường.

Qua đây, tôi hy vọng các Content Writer sẽ tránh được nhiều sai lầm không đáng có khi “bắt trend”, bởi thực tế, tôi thấy rất nhiều quan điểm nhầm lẫn đáng tiếc liên quan tới cách làm này.

Kiểu như: “Bắt trend là bắt chước”, “bắt trend là troll troll, kém chất lượng” hay “toàn bộ hệ nội dung Content Marketing của doanh nghiệp đều phải… bắt trend”. Tất cả đều thật là phiến diện!

Hỏi: Theo anh, việc áp dụng trend trong Content Marketing có quan trọng không?

Tôi đáp:

Đương nhiên là có!

Việc dùng trend để tạo nội dung nghĩa là mình “bắt đầu bằng điều mọi người quan tâm”, nó giúp tạo ra sự hấp dẫn.

Yếu tố này giúp tránh một điều sai lầm mà không ít Content Writer mắc phải, là khởi tạo nội dung “từ điều (chỉ) bản thân mình quan tâm”, bởi họ nhầm lẫn rằng, “mình thích thì hẳn người khác cũng thích”.

Bên cạnh đó, trong Content Marketing, giai đoạn khai thác “Nhận thức” rất quan trọng. Muốn khai thác, chúng ta phải sử dụng cả đề tài nóng (“bắt trend”) và nguội, nghĩa là ngoài những ý tưởng nội dung mình tự nảy ra (nguội, dạng chuyên đề), thì còn cần dựa vào đề tài nóng để phong phú hóa hệ nội dung.

Nếu không “bắt trend”, nghĩa là hệ nội dung Content Marketing của doanh nghiệp luôn ở trạng thái biệt lập. Đó là một sự đáng tiếc.

Hỏi: Thưa anh, việc bắt trend trong Content Marketing có được đào tạo không?

Tôi đáp:

Thoạt nghe “bắt trend” thì các bạn sẽ hiếm thấy các kênh chính thống đề cập trên góc độ học thuật. Bởi thế, nói việc “đào tạo bắt trend” thì hơi buồn cười.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào bản chất vấn đề thì chúng ta sẽ hiểu và chẳng có gì là buồn cười cả.

Trong đó, khi đào tạo kỹ năng viết lách Content Marketing, PR, tôi thường nói về “kỹ năng đề tài”, bao gồm kỹ năng phát hiện đề tài nóng phù hợp với lĩnh vực/sản phẩm/dịch vụ/thương hiệu… của doanh nghiệp.

Phần “kỹ năng phát hiện đề tài nóng” chính là “bắt trend” theo cách gọi nôm na mà chúng ta thường nghe.

Khi hiểu bản chất “bắt trend” là khai thác đề tài nóng phù hợp lĩnh vực của mình thì chúng ta sẽ thấy rõ sự cần thiết. Đáng tiếc, một số người hiểu sai, khi cho rằng, “bắt trend” là làm gì đó troll troll, câu view nhạt nhẽo, bất chấp.

Thậm chí, có học viên từng hỏi tôi rằng: “Theo thầy, em nên đi theo phong cách nào khi làm nội dung? Nên “bắt trend” cho thời thượng, hay làm nội dung chất lượng, có chiều sâu?”.

Tôi khá bất ngờ với câu hỏi đó, bởi vì “tại sao em lại nghĩ rằng, việc ‘bắt trend’ thời thượng thì không cần chất lượng, chiều sâu?”.

“Bắt trend” là khai thác đề tài thông tin mà mọi người đang quan tâm, bàn tán. Đương nhiên, khi làm nội dung “bắt trend” thì cũng phải đính kèm yếu tố chất lượng, giá trị hữu ích vào đó, chứ đừng hiểu nhầm “bắt trend” là xốc nổi, hớt váng.

Bản thân những kênh chính thống như báo chí cũng phải bắt trend kia mà!

Trong Content Marketing, khi ta phát hiện một trend phù hợp thì việc dựa vào trend đó để bình luận, dẫn dắt… dựa trên góc nhìn chuyên môn là điều đương nhiên cần làm.

Hỏi: Với “người mới” (newbie), anh có lời khuyên nào để các bạn biết bắt trend tốt hơn? Như là bắt đầu từ đâu, dùng kỹ năng gì?

Tôi đáp:

Thực sự thì để trả lời thấu đáo câu hỏi này, tôi phải dùng một chương trình học, với học phần về đề tài, để giải quyết.

Trong khuôn khổ một câu trả lời, tôi cho rằng, nếu “người mới” muốn bắt trend, các bạn phải ý thức theo sát thông tin, phải bám vào các đầu mối có trend.

Chẳng hạn: Thường xuyên góp mặt trong các hội nhóm mạng xã hội, theo dõi các tài khoản FB thạo tin, đọc báo, xem TV…

Có một số cách khá đơn giản để thực hiện điều trên, như:

+ Với trend mạng xã hội, các group tập trung đông thành viên (tùy từng lĩnh vực) là nguồn khởi phát/lan truyền trend không thể bỏ qua.

+ Với trend báo chí, ta có thể lên trang Báo mới, xem phần “Xu hướng” (bên phải, phía dưới). Báo chí nhắc nhiều tới chủ đề gì, ở đó sẽ hiện to và rõ.

+ Với trend video clip YouTube, ta có mục “Khám phá” với các video nằm trong “Xu hướng”.

+ Với trend tìm kiếm Google, ta có thể xem trong trends.google.com (tùy biến theo thị trường, thời gian…).

Tóm lại, muốn bắt trend thì chúng ta phải chịu đọc, chịu xem, chịu nghe.

Có điều khá buồn cười là tôi gặp một số bạn làm nghề Content mà lại giữ quan điểm: Không xem thông tin tiêu cực để tránh sinh năng lượng tiêu cực; Không hay đọc thông tin, ít lướt Facebook…

Cần hiểu rằng, việc đọc-nghe-xem đó là bước thu thập thông tin cần thiết để làm việc, chứ không phải “thích hay không thích”.

Sau khi có trend, chúng ta lại phải có kỹ năng lập kế hoạch/lên đề cương nội dung, để khai thác trend một cách hiệu quả, nhằm đảm bảo rằng, trend đó có sắc thái phù hợp (với thương hiệu, với hệ nội dung đang triển khai).

Đừng nhầm lẫn rằng, cứ thấy trend là… bắt, bởi bắt “bừa” là sai. Người làm nội dung phải biết trend nào phù hợp sắc thái, cách khai thác nào dùng được, cách nào không. Muốn thế, chúng ta phải tính toán cẩn trọng.

Kế đó là kỹ năng làm nội dung, như viết lách chẳng hạn: Phải có kỹ năng này để thể hiện đúng ý đồ, đạt mục đích ban đầu đề ra.

Tóm lại, một “hành trình” bắt trend để tham khảo là: Nắm bắt, thu thập thông tin, phát hiện trend = Tính toán cách khai thác để phục vụ mục đích Marketing, truyền thông… = Tạo nội dung.

Nếu không theo hành trình như vậy, việc bắt trend rất dễ gặp rủi ro, hoặc không đảm bảo chất lượng.

Hỏi: Theo anh, có phải bất kỳ người viết Content nào cũng phải biết bắt trend không?

Tôi đáp:

Tôi nghĩ là “Không”, bởi vì có những người viết hay, viết giỏi, họ không cần đi theo trend mà vẫn tạo ra được những nội dung hay ho, thú vị.

Trong đội ngũ làm Content Marketing đúng chất, luôn có không gian dành cho những cây bút không bắt trend mà biết tạo ra các nội dung hấp dẫn.

Tất nhiên, như đã nói, việc biết bắt trend là một lợi thế nên có, giúp giải quyết khâu ý tưởng sáng tạo, tránh tình trạng cạn nguồn đề tài khi làm nội dung.

Hỏi: Thế hệ người trẻ hiện nay – Gen Z – được cho là đa-zi-năng, sinh ra trong thời công nghệ, có tính sáng tạo cao. Liệu có thể nói rằng, các bạn Gen Z làm Content thì sẽ bắt trend tốt hơn các thế hệ khác hay không, thưa anh?

Tôi đáp:

Tôi cho rằng “Không!”.

Bởi vì trước khi những thế hệ (gen) kia già nua, thì họ cũng từng là “gen trẻ như gen Z”. Nói cách khác, lợi thế sáng tạo không phải là sự độc quyền của một thế hệ nào cả, nó là thế mạnh của người trẻ. Do vậy, thế hệ “hậu gen Z” sẽ lại sở hữu thế mạnh này mà thôi.

Bên cạnh đó, như đã bày tỏ về “hành trình” bắt trend, thì việc khai thác trend không đơn thuần là nắm bắt được thông tin của trend đó, mà còn là chuyện tính toán, triển khai nội dung dựa trên đó sao cho hiệu quả.

Bằng không, việc bắt trend chỉ là câu chuyện của “đu”, “hóng” mà thôi!

Điều đó nghĩa là, gen Z muốn bắt trend tốt, thì cũng cần phải học cách làm nội dung một cách đúng đắn, nghiêm túc.

*****

Hy vọng rằng, qua phần Hỏi – Đáp nói trên, các bạn trẻ sẽ hiểu hơn về việc viết lách bắt trend, khi làm Content Marketing, PR cho doanh nghiệp.

Nếu các bạn làm đúng, thì thật đáng khen. Còn ngược lại, bắt trend mà “lệch sóng”, thì quả là… đáng thẹn. Cái ranh giới giữa chữ “Khen” với chữ “Thẹn” ấy, nhiều khi thật quá mong manh!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Nguyễn Trung Hiếu

Bấm theo dõi để nhận thêm nội dung bổ ích từ chuyên gia này.

Tìm hiểu thêm về chuyên gia.

Hãy chọn VIP/PRO hàng đầu để nhận kho bài viết chuyên sâu

5 Yêu thích
2 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại