menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nam Hưng

Việt Á 'phù phép' đề tài nghiên cứu Nhà nước thành tài sản riêng

Chủ tịch Việt Á Phan Quốc Việt bị cáo buộc khi bắt đầu tham gia nghiên cứu đã có "mục đích chiếm đoạt", biến quy trình nghiên cứu kit test Covid-19 thành tài sản riêng để sản xuất thu lợi.

Cáo buộc trên được Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) nêu trong kết luận điều tra ra ngày 17/8, sau gần 18 tháng điều tra đại án Việt Á. Phan Quốc Việt bị đề nghị truy tố về hai tội: Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Đưa hối lộ.

Trong 37 người bị đề nghị truy tố còn lại có 3 nguyên ủy viên trung ương là cựu bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, bị xác định nhận hối lộ hơn 2 triệu USD; cựu Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh bị cáo buộc gây thất thoát gần 19 tỷ đồng; cựu bí thư Hải Dương Phạm Xuân Thăng nhận 4 tỷ đồng; cùng hàng loạt lãnh đạo cấp Vụ, Sở, CDC và nhân viên y tế tỉnh thành.

Việt Á 'phù phép' đề tài nghiên cứu Nhà nước thành tài sản riêng

Phan Quốc Việt lúc quảng cáo kit xét nghiệm. Ảnh: Việt Á

Cơ quan điều tra xác định, đầu năm 2020, Covid-19 bùng phát, Học viện Quân y đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ giao đơn vị mình phát triển test xét nghiệm. Đề tài khi đó đang được Viện Nghiên cứu Y dược học quân sự (thuộc Học viện) nghiên cứu.

Theo cáo buộc ngay từ lúc này, Việt đã "có mục đích" để Việt Á được cùng tham gia thực hiện đề tài nghiên cứu kit test với tham vọng "chiếm đoạt, biến kit xét nghiệm từ thuộc sở hữu Nhà nước thành sản phẩm của riêng", từ đó sản xuất, tiêu thụ kiếm lời. Để thực hiện, Việt thông đồng với bị can Trịnh Thanh Hùng khi đó là Vụ phó Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, do có quan hệ thân thiết từ trước.

Theo yêu cầu của ông Hùng, ngày 31/1/2020, Học viện Quân y đề xuất Việt Á là đơn vị phối hợp nghiên cứu, chế tạo kit test. Ông Hùng còn đề xuất gộp nhiệm vụ chế tạo 20.000 test xét nghiệm cho Việt Á.

Cơ quan điều tra xác định, mục đích của đề xuất gộp nhằm giúp Việt Á được thực hiện cả đề tài, vì Học viện Quân y chỉ có chức năng nghiên cứu, không có chức năng sản xuất. Đề xuất của ông Hùng được chấp thuận, kinh phí thực hiện đề tài gần 19 tỷ đồng, trích ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ trung ương.

Hợp đồng thực hiện đề tài ký ngày 6/2/2020. Cơ quan điều tra quy kết, Việt đã thông đồng với vụ phó Hùng nhằm "biến kết quả đề tài thành tài sản riêng của Việt Á".

Sau quy trình nghiên cứu test thành công, ông Hùng bị cáo buộc tác động để Học viện Quân y có văn bản nghiệm thu kết quả giai đoạn 1 của đề tài.

Việt Á 'phù phép' đề tài nghiên cứu Nhà nước thành tài sản riêng

Sản phẩm kit tách chiết của Việt Á. Ảnh: Ngọc Thành

Hội đồng sau đó nghiệm thu giai đoạn 1 và đề nghị Bộ Y tế cấp phép, không nêu đề nghị cấp phép sử dụng cho Công ty Việt Á, song Chủ tịch Việt Á vẫn sử dụng biên bản nghiệm thu này để lập hồ sơ đề nghị, và được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành test xét nghiệm cho Việt Á, kết luận điều tra nêu.

Đề tài hoàn thiện và nghiệm thu cấp quốc gia cuối năm 2021. Nhưng cơ quan điều tra xác định Việt Á đã bắt đầu sản xuất, bán test xét nghiệm và thu lợi từ năm 2020.

Ngày 29/12/2021, Bộ Khoa học và Công nghệ cho hay đề tài nghiên cứu kit xét nghiệm do Học viện Quân y chủ trì thực hiện và Bộ là đại diện chủ sở hữu kết quả. Đến nay, Bộ chưa chuyển giao quyền sở hữu hoặc sử dụng đề tài nghiên cứu cho bất kỳ ai. Bộ cũng chưa ban hành văn bản gửi Bộ Y tế đề nghị cấp phép sử dụng kit xét nghiệm Covid-19.

Theo Bộ, Việt Á chỉ được tiếp cận, sử dụng quy trình công nghệ để sản xuất thử nghiệm 20.000 bộ sinh phẩm. Việc Việt Á sử dụng kết quả nghiên cứu để chuyển sang sản xuất thương mại hóa là vượt quá phạm vi đề tài.

Còn Học viện Quân y cho rằng không có thẩm quyền và không giao quyền sở hữu, sử dụng kết quả nghiên cứu đề tài cho Việt Á ứng dụng, phát triển thương mại. Tại biên bản bàn giao giai đoạn 1 ngày 10/2/2020, Học viện Quân y chỉ bàn giao cho Việt Á các sinh phẩm, chứng dương và các quy trình kỹ thuật để sản xuất thử nghiệm 20.000 kit xét nghiệm theo đề tài.

Chủ tịch Việt Á chi 600.000 USD bôi trơn 3 quan chức

C03 xác định, giá sản xuất tối đa một test của Việt Á khoảng 143.000 đồng (nguyên liệu, phí nhân công, phí sản xuất, bán hàng, chi phí hợp lý, hợp lệ và lợi nhuận 5% theo quy định...)

Năm 2020 và 2021, Việt Á sản xuất hơn 8,7 triệu test, tiêu thụ 8,3 triệu test theo đơn giá 470.000 đồng, tức gấp hơn 3 lần giá sản xuất. Việt Á đã được thanh toán gần 6 triệu kit, tổng hơn 2.250 tỷ đồng. Số tiền Việt Á hưởng lợi trái phép được xác định gần 1.236 tỷ đồng.

Theo cáo buộc, để thực hiện trót lọt phi vụ nghìn tỷ, sáng 27/8/2020, Việt nhắn tin xin gặp nhưng ông Chu Ngọc Anh không trả lời. Chiều cùng ngày, Việt khoác balo màu xanh đựng 200.000 USD đến gặp ông Chu Ngọc Anh tại phòng làm việc của Bộ, nói chuyện xã giao.

Trước khi ra về, Việt mở balo lấy túi quà đưa cho Bộ trưởng. Ông Chu Ngọc Anh khai nhận, cất túi quà vào buồng ngủ trong phòng làm việc. Một tháng sau, khi dọn dẹp để chuyển đến Trụ sở UBND Hà Nội giữ chức Chủ tịch thành phố, ông mới kiểm tra và thấy 200.000 USD.

Cùng cách thức gặp gỡ, chiều 19/4/2021, Việt đưa 50.000 USD cảm ơn thứ trưởng Tạc. Riêng vụ phó Hùng được Việt thỏa thuận ăn chia % doanh thu bán kit test và đã nhận tổng 350.000 USD tại nhà riêng vào các ngày 26/8/2020 và 9/2/2021.

C03 cho hay xác minh tại các ngân hàng thấy phù hợp lời khai của Việt về việc rút tiền VNĐ, quy đổi ra USD để Việt đưa ba ông Ngọc Anh, Hùng, Tạc.

Việt Á 'phù phép' đề tài nghiên cứu Nhà nước thành tài sản riêng

Ông Chu Ngọc Anh tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội sáng 25/9/2020. Ảnh: Giang Huy

Ba người đều bị cơ quan điều xác định biết rõ quyền sở hữu, sử dụng kết quả nghiên cứu Đề tài thuộc về Nhà nước; biết Công ty Việt Á quản lý, khai thác và sử dụng kết quả này để sản xuất thương mại là sai luật nhưng không làm đúng chức vụ, không ngăn chặn, xử lý sai phạm.

Họ bị cáo buộc đã "tạo điều kiện để Việt Á biến test xét nghiệm từ sản phẩm nghiên cứu thuộc sở hữu Nhà nước, thành sản phẩm thương mại thuộc sở hữu của Công ty Việt Á, sản xuất, thương mại hóa, thu lời bất chính, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho tài sản Nhà nước".

C03 ghi nhận ông Ngọc Anh, Tạc và Hùng đều thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác cơ quan điều tra làm rõ bản chất vụ án, có thành tích xuất sắc trong công tác. Riêng bị can Hùng đã nộp khắc phục toàn bộ 350.000 USD. Đây là các yếu tố được Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị làm tình tiết giảm nhẹ khi lượng hình.

Vụ án Việt Á được coi là điển hình về "tham nhũng có hệ thống" do tính quy mô, xảy ra từ cơ quan, bộ ngành trung ương đến các địa phương. Sau gần hai năm điều tra, nhà chức trách đã khởi tố 111 người trong "chùm" 33 vụ án liên quan Việt Á.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả