Viện kiểm sát: bị cáo Nguyễn Thành Tài ký nhanh, ký nhiều văn bản sai luật
Sau phần bào chữa của các luật sư, đại diện Viện kiểm sát khẳng định việc định tội các bị cáo là đúng, đề nghị giữ nguyên mức án.
Viện Kiểm sát: Bị cáo Tài ký nhiều văn bản sai luật
Chiều ngày 18/9, sau phần bào chữa của các luật sư và tự bào chữa của các bị cáo liên quan đến việc giao đất công trái luật, gây thất thoát, lãng phí hơn 1.927 tỷ đồng. Đại diện Viện kiểm sát (VKS) tranh luận lại quan điểm bào chữa của các luật sư rằng, bản luận tội trước đó và mức án đề nghị đối với các bị cáo là phù hợp.
Cụ thể, nói về mối quan hệ giữa bị cáo Nguyễn Thành Tài và Lê Thị Thanh Thúy, VKS cho rằng các luật sư đang làm xấu đi tình trạng của các bị cáo. VKS khẳng định đây không phải là mối quan hệ bất chính, mà chỉ nói rằng đây là mối quan hệ tình cảm thân thiết.
Trong quá trình khai nhận thì các bị cáo cũng thừa nhận, trong cáo trạng cũng thể hiện rất rõ ràng.
Về bản chất của vụ án, đại diện VKS cho biết, khu nhà đất 8-12 Lê Duẩn (quận 1) có 3 mặt tiền đường. Có thể coi là đất vàng tại TP.HCM. Hơn nữa đây chính là 2 lô đất liền nhau chứ không phải bị ngắt quãng.
Những người có trách nhiệm quản lý nhà, đất tại TP.HCM cũng đã được chỉ rất rõ. Khi có chủ trương thu hồi để xây khách sạn 5 sao và trung tâm thương mại thì 4 công ty đang thuê ở đây không chịu di dời.
Qua thẩm tra tại phiên tòa thì thấy rõ, 4 công ty này được Công ty quản lý kinh doanh nhà hứa sẽ bố trí địa điểm kinh doanh thích hợp. Nhưng thực tế thì không được bố trí nên khi biết được chủ trương của Thành phố thì một mực xin được tham gia đầu tư, nhưng lại không có năng lực tài chính.
Cái sai đến từ khi Công ty quản lý kinh doanh nhà có công văn đề nghị huy động thêm vốn. Việc huy động thêm vốn là không sai, nhưng phải theo đúng quy định của pháp luật. UBND TP.HCM phải có trách nhiệm thực hiện bảo toàn tài sản nhà nước.
Trong khi đó, bị cáo Tài là người phụ trách mảng này, đầu tiên là đồng ý nhưng không có chỉ đạo gì. Cho góp vốn nhưng trái pháp luật. Sau đó là hàng loạt các giao dịch sai trái.
Từ đó đến thời điểm Công ty CP Đầu tư Lavenue được thành lập thì lần lượt 4 công ty bán cổ phần. Theo đó, Công ty Lavenue là công ty tư nhân. Khi đã không là doanh nghiệp nhà nước thì không được giao đất theo Quyết định 09.
“Bị cáo Tài biết rõ là công ty tư nhân rồi nhưng vẫn chỉ đạo các sở ban ngành để xem xét giải quyết cho Công ty Lavenue thuê đất. Chỉ đạo này xuất phát từ Công văn 01 của bị cáo Thúy đề nghị được giao, thuê đất thực hiện dự án. Sau đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp nhận chỉ đạo của bị cáo Tài”, đại diện VKS nói.
Theo đó, Sở Tài nguyên môi trường (TNMT) chỉ nhận được công văn của bị cáo Tài, chứ không có hồ sơ gì. Các bị cáo tại Sở TNMT biết rõ điều này nhưng vẫn tiếp tay cho sai phạm, đề nghị Thành phố xem xét và đẩy nhanh tiến độ.
Sau khi có tham mưu của Sở TNMT, Văn phòng UBND Thành phố có văn bản đề xuất thuê 1 hình thức để bị cáo Tài phê duyệt, nhưng bị cáo Tài không đồng ý mà phê duyệt 2 hình thức giao, thuê đất trong cùng 1 dự án.
Như vậy, bị cáo Tài đã bỏ qua đề xuất của Văn phòng Ủy ban là cho thuê đất 50 năm trả tiền 1 lần.
Sau khi bị cáo Tài có chỉ đạo giao đất và cho thuê đất cùng 1 dự án thì bị can Nguyễn Thị Thu Thủy (Giám đốc Công ty quản lý kinh doanh nhà TP.HCM - đang bị truy nã) đã ký công văn đề nghị cho Công ty Lavenue thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Ngay sau đó 2 ngày, bị cáo Tài ký công văn đề nghị Sở Tài chính duyệt mức giá. Như vậy, kết luận bị cáo Tài ký nhanh, ký nhiều văn bản sai luật là hoàn toàn chính xác.
Sau khi hoàn thiện vấn đề tài chính, Sở TNMT cấp quyền sử dụng đất cho Công ty Lavenue. Như vậy là kết thúc 1 quá trình khép kín, quyền sử dụng đất đã được chuyển từ nhà nước sang doanh nghiệp tư nhân với giá thấp và không đúng đối tượng, không thông qua đấu giá.
Kết luận của cáo trạng về hành vi của các bị cáo là trái pháp luật. Sai về đối tượng, hình thức, theo quyết định 09.
Bị cáo Thúy tham gia để trục lợi
Phân tích hành vi trái pháp luật của các bị cáo, đại diện VKS cho rằng, trong phần bào chữa, bị có Thúy và luật sư cho rằng bị cáo không có hành vi xúi giục, tác động đến bị cáo Tài.
Nhưng trong kết quả điều tra và trong phiên tòa cũng đã thể hiện rõ hành vi gian dối ngay từ đầu. Cụ thể là từ khi có văn bản xin tham gia dự án. Tự nhận công ty có kinh nghiệm, năng lực tài chính để tham gia dự án.
Tuy nhiên, công ty mới thành lập nhưng vẫn xin tham gia đầu tư dự án. Về năng lực tài chính thì bị cáo Thúy cũng khai rằng đi vay của người nhà. Đây chính là hành vi gian dối đầu tiên.
“Đây chỉ là thủ đoạn đầu tiên để bước vào 1 dự án mà hông phải thông qua đấu giá. Mục đích của bị cáo Thúy tham gia vào dự án là để trục lợi”, kiểm sát viên Nguyễn Đức Bằng nói.
Xét về vai trò, VKS cho rằng mức độ vi phạm của bị cáo Thúy ngang bằng hoặc tương đương với bị cáo Tài. Sở TNMT và các bị cáo liên quan có vai trò ít quan trọng hơn.
Như vậy, các kết luận của cơ quan CSĐT và VKS là hoàn toàn đúng người, đúng tội. Bởi thiệt hại xảy ra ngay từ khi bị cáo Tài cho bị cáo Thúy tham gia góp vốn đầu tư vào dự án.
Một thiệt hại nữa cho Nhà nước được VKS chỉ ra là thiệt hại về số tiền nghĩa vụ tài chính phải nộp cho ngân sách. Bởi nếu tính theo giá trị thực thì số tiền mà Công ty Lavenue phải nộp cho nhà nước lớn hơn nhiều lần.
Chưa kể, trong trường hợp Công ty Lavenue mà chuyển nhượng khu đất cho Công ty nước ngoài thì thiệt hại còn lớn hơn. Nhưng rất may là cơ quan chức năng đã ngăn chặn kịp thời nên không phải bồi thường cho bên thứ 3.
Bị cáo Tài và Thúy phải chịu trách nhiệm thiệt hại
Liên quan đến số tiền 4,7 tỷ đồng mà VKS đề nghị HĐXX buộc bị cáo Tài và Thúy phải nộp cho ngân sách.
Kiểm sát viên Nguyễn Đức Bằng cho rằng, nhà số 12 Lê Duẩn có diện tích hơn 2.000m2 mặt sàn, được làm bằng bê tông, cốt thép. Được định giá có giá trị hơn 5 tỷ đồng.
Trong khi đó, các bị cáo có vai trò chính là sau khi được giao thuê đất, chị báo Thúy ký văn bản cho tháo dỡ nhà này, thu về được 300 triệu đồng. Như vậy, từ 5 tỷ đồng mà thu về được 300 triệu đồng thì thiệt hại là 4,7 tỷ đồng.
Đại diện VKS lý giải thêm, theo quy định thì đây là tài sản nhà nước, phải được công ty nhà nước bảo quản. Theo đó, bị Thủy (Giám đốc Công ty quản lý kinh doanh nhà) phải chịu trách nhiệm về việc bồi thường này.
Nhưng hiện tại bị can Thủy đang bỏ trốn, trong khi đó việc làm có liên đới đến bị cáo Thúy và Tài nên 2 bị cáo phải chịu trách nhiệm về việc bồi thường này.
Về việc kê biên tài sản, VKS đề nghị HĐXX tiếp tục kê biên tài sản để thi hành án. Bởi đây là quyền của HĐXX, bị cáo nào phải bồi thường thì tiếp tục kê biên.
“Chúng tôi đề nghị như vậy, nếu như HĐXX xét thấy không cần thiết thì có thể hủy bỏ việc kê biên này”, ông Bằng nói.
Kết thúc phần đưa ra ý kiến của mình, đại diện VKS cho biết, có thể thấy rõ ràng rằng các bị cáo đã thực hiện nhiều hành vi trái pháp luật, gây hậu quả thất thoát tài sản nhà nước.
Hiện tại vẫn còn một số vấn đề cần làm rõ, nhưng sẽ ở một vụ án khác. Sẽ tiếp tục làm rõ hành vi sai phạm nếu có của các đối tượng liên quan.
“Vụ án này là điều cảnh tính để các doanh nghiệp khác chuẩn bị hoặc có kế hoạch liên quan đến đất đai công sản thì phải tìm hiểu kỹ pháp luật, luôn thượng tôn pháp luật. Không phải cứ được sự giúp sức, đồng ý của lãnh đạo thành phố là có thể triển khai dự án trái pháp luật.
Tình trạng doanh nghiệp có sự thông đồng với cán bộ, lãnh đạo quản lý tài sản công để trục lợi khiến công đồng rất bức xúc. Theo đó, mức án mà VKS đề xuất là mức án phù hợp, đúng người, đúng tội”, đại diện VKS nhấn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận