VIC và PDR bứt phá trong phiên 16/7, BCM tiếp tục lao dốc
Thị trường chứng khoán tăng nhẹ trong phiên 16/7 trước việc sắc xanh áp đảo ở nhóm vốn hóa lớn. Các cổ phiếu bất động sản như VIC hay PDR có đóng góp lớn giúp giữ sắc xanh của VN-Index.
Sau phiên giao dịch có phần khởi sắc hôm 15/7, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục đi theo chiều hướng tích cực trong phiên cuối tuần. Lực cầu duy trì tốt ngay từ đầu phiên giao dịch và giúp các chỉ số tăng điểm. Đà tăng của cả 3 chỉ số VN-Index, HNX-Index và UPCoM-Index đều được duy trì xuyên suốt phiên.
Tuy nhiên, mức tăng của các chỉ số ở phiên 16/7 khiêm tốn hơn nhiều so với phiên trước đó. Thanh khoản cũng có phần yếu hơn.
Nhìn chung, sự phân hóa ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn là tương đối mạnh. Các chỉ số tăng điểm là nhờ lực đẩy của một số cổ phiếu trụ cột như MSN, VIC, SHB, GVR, ACB, FPT... Trong đó, MSN tăng đến 4,8% lên 120.500 đồng/cp, VIC tăng 3,7% lên 105.800 đồng/cp. Chỉ riêng VIC đã đóng góp cho VN-Index gần 3,6 điểm còn MSN là 1,82 điểm. Bên cạnh đó, PDR cũng giao dịch tích cực khi tăng 3,4% lên 90.200 đồng/cp. Theo ước tính mới đây, PDR dự kiến sẽ đạt mức lợi nhuận trước thuế 322 tỷ đồng ở quý II/2021, tăng 112% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận ước đạt 637 tỷ đồng, tăng 82%.
Ở chiều ngược lại, áp lực trên thị trường vẫn còn rất lớn và đến từ các cổ phiếu như BCM, HVN, PVS, SSI, SAB, STB... Chính những cổ phiếu này đã khiến đà tăng của các chỉ số chỉ duy trì ở mức thấp. Trong đó, BCM sau 2 phiên giảm sàn thì tiếp tục để mất 4,8% xuống 43.100 đồng/cp. Bên cạnh BCM, VHM và VRE cũng là 2 cổ phiếu tác động xấu đến VN-Index, trong đó VHM giảm 1,2% xuống 109.000 đồng/cp, VRE giảm 1,1% xuống 27.700 đồng/cp. Mới đây, VHM đăng ký bán toàn bộ 60 triệu cổ phiếu quỹ, tương đương 1,79% vốn điều lệ từ ngày 26/7 đến 24/8. Giao dịch được thực hiện theo phương thức khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận.
Như vậy, bản thân các cổ phiếu bất động sản lớn đã có sự phân hóa mạnh ở phiên 16/7. Ngoài các cổ phiếu bất động sản lớn đã đề cập ở trên gồm VIC, BCM, VHM, VRE và PDR thì NVL và THD đều tăng giá nhẹ. NVL tăng 0,6% lên 104.600 đồng/cp. Mới đây, HĐQT của NVL đã thông qua phương án phát hành tối đa 1.500 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng được đảm bảo bằng bất động sản thuộc sở hữu của Novaland, Địa ốc No Va và các cá nhân, tổ chức khác.
Đối với nhóm bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ, sự phân hóa cũng diễn ra khá mạnh nhưng sắc xanh có phần chiếm ưu thế hớn. Các mã như NTB, V11, PIV, HDC và SZC đều được kéo lên mức giá trần. Trong đó, SZC tăng mạnh nhờ vào việc công bố BCTC quý II/2021 với kết quả tích cực. Theo đó, công ty ghi nhận doanh thu tăng 47% lên 225 tỷ đồng, giá vốn tăng 17% lên 75 tỷ đồng. Lãi sau thuế tăng 52% lên mức 109 tỷ đồng, đây là mức kỷ lục mà doanh nghiệp này đạt được nếu xét theo quý. Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần của SZC đạt 403 tỷ đồng, tăng 47%; lãi sau thuế 189 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, các mã bất động sản thanh khoản cao như CRE, DXS, DIG, HDG... cũng đồng loạt tăng giá. DXS sau phiên “chào sàn” gây thất vọng hôm trước thì đến phiên này hồi phục trở lại và tăng 3,4% lên 30.000 đồng/cp. TCH tăng 0,3% lên 19.200 đồng/cp.
Chiều ngược lại, cũng có khá nhiều cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao giảm sâu như FLC, AMD, BII, DXG, CEO, NDN...
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 5,39 điểm (0,42%) lên 1.299,31 điểm. Toàn sàn có 199 mã tăng, 178 mã giảm và 45 mã đứng giá. HNX-Index tăng 1,47 điểm (0,48%) lên 307,76 điểm. Toàn sàn có 90 mã tăng, 93 mã giảm và 185 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,35 điểm (0,41%) lên 85,33 điểm.
Thanh khoản thị trường giảm nhẹ so với phiên trước, tổng giá trị khớp lệnh ở mức 16.500 tỷ đồng (giảm 2,7%) . FLC vẫn là cổ phiếu bất động sản duy nhất nằm trong top 10 về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường với 21,9 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại mua ròng nhẹ khoảng 67 tỷ đồng trong phiên 16/7, trong đó, khối ngoại mua ròng mạnh nhất mã NVL với 97 tỷ đồng. Bên cạnh đó, VIC cũng được mua ròng 84 tỷ đồng. Chiều ngược lại, VHM, DXG và IJC là 3 mã bất động sản nằm trong top 10 về giá trị bán ròng của khối ngoại, trong đó, VHM bị bán ròng 35 tỷ đồng. DXG và IJC bị bán ròng lần lượt 24 tỷ đồng và 13 tỷ đồng.
Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 47,83 điểm (-3,6%) xuống 1.299,31 điểm; HNX-Index tăng 1,03 điểm (+0,3%) lên 307,76 điểm. Thanh khoản trên hai sàn giảm so với tuần trước đó và thấp hơn mức trung bình 20 tuần với trung bình khoảng 22.000 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn. Giá trị giao dịch trên HoSE giảm 24,1% xuống 96.596 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 19% xuống gần 3 tỷ cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX giảm 20,6% xuống 13.810 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 14,3% xuống 639 triệu cổ phiếu.
Theo phân tích của CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), VN-Index giảm điểm trong tuần thứ hai liên tiếp với thanh khoản suy giảm so với tuần trước đó và thấp hơn mức trung bình 20 tuần cho thấy áp lực bán ra tạm thời suy yếu phần nào. Trên góc nhìn sóng elliott, thị trường tiếp tục đi trong sóng điều chỉnh a với target theo lý thuyết quanh 1.210 điểm (fibonacci retracement 50% sóng tăng 5). Với việc chỉ số VN-Index vẫn chưa thể lấy lại các ngưỡng quan trọng như 1.300 điểm và 1.335 điểm (MA50) và những phiên tăng điểm luôn có thanh khoản thấp hơn các phiên giảm trước đó thì thị trường có lẽ sẽ cần lui về một vùng cân bằng thấp hơn trong tuần tới. Theo đó, trong tuần giao dịch tiếp theo 19/7 - 23/7, thị trường có khả năng sẽ tiếp tục điều chỉnh về các vùng giá thấp hơn nhằm tìm kiếm lực cầu quay trở lại./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận