menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thái Bảo

Vị thế của USD lung lay do.. các lệnh trừng phạt Nga

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa đưa ra kết luận rằng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga có nguy cơ làm suy giảm vai trò của đồng USD với tư cách đồng tiền dự trữ chính của thế giới. Ngoài ra, còn có các mối đe dọa đối với nợ công của Mỹ. Thế giới từ lâu đã có xu hướng tìm kiếm một hệ thống tài chính thay thế. Cuộc tấn công kinh tế vào Nga đã đẩy nhanh các quá trình này.

Hiệu ứng “boomerang”

Mỹ có truyền thống sử dụng các biện pháp trừng phạt ở khắp mọi nơi để phục vụ các mục đích chính trị của mình. Đồng USD – đồng tiền dự trữ chính của thế giới - tạo điều kiện cho họ làm được điều này. Tuy nhiên, cũng sẽ xuất hiện hiệu ứng boomerang.

Năm 2021, cơ quan nghiên cứu của quốc hội Mỹ đã cố gắng thu hút sự chú ý về vấn đề này. Những nước đã bị trừng phạt đang làm mọi cách để giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng USD. Tuy nhiên, bản báo cáo đó hầu như không được chú ý. Sau khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Liên bang Nga ở Ukraine bắt đầu, Washington đã “ra tay mạnh nhất có thể”, vượt qua ranh giới của lý trí.

Trước tình trạng này, IMF đã gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng đồng USD đang bị đe dọa mạnh mẽ bởi sự phân mảnh của hệ thống tiền tệ quốc tế. Quá trình này hiện nay đang tăng tốc đột biến. Như Gita Gopinath, Phó Giám đốc điều hành thứ nhất của IMF đã chỉ ra, các nhóm quốc gia khác nhau giao dịch với nhau và hình thành khối tiền tệ. Tỷ trọng của đồng USD trong thanh toán quốc tế đang thu hẹp. Vị thế thống trị của USD sớm muộn gì cũng bị suy giảm. Người ta cho rằng cuối cùng sẽ có một hệ thống gồm 3 loại tiền tệ: đồng USD, đồng Euro và có lẽ là đồng Nhân dân tệ (NDT).

Cách đây 30-40 năm, đơn vị tiền tệ của Mỹ đã chiếm hơn 70% các giao dịch, các đồng tiền trong khu vực quá yếu và ít được quan tâm. Đến tháng 1/2022, theo dữ liệu SWIFT, 39,92% các khoản thanh toán trong thương mại thế giới là bằng USD; đồng Euro có 36,65%, Bảng Anh có 6,3%. Đồng Yen Nhật đứng vị trí thứ tư trong tháng 1/2020 với 3,32%. Bây giờ - đồng NDT của Trung Quốc từ 3,2% (đồng Yen 2,79%). Top 10 gồm có đồng CAD của Canada, AUD của Australia, HKD của Hong Kong, SGD của Singapore và đồng Bath của Thái Lan.

Kể từ năm 2019, EU đã sử dụng cơ chế INSTEX nhằm “đơn giản hóa các giao dịch thương mại hợp pháp giữa các bên tham gia kinh tế của châu Âu và Iran” và cho phép các hoạt động thương mại với Tehran “lách” qua hệ thống tài chính của Mỹ. Để tránh lưu thông tiền thật, INSTEX sử dụng điểm tín dụng.

Năm 2016, đồng NDT trở thành đồng tiền dự trữ của IMF. Đây là kết quả từ chương trình quốc tế quy mô lớn của Trung Quốc mang tên “Vành đai và Con đường”. Bước quan trọng tiếp theo là bắt đầu giao dịch trên Sàn giao dịch Thượng Hải bằng hợp đồng dầu tương lai bằng đồng tiền Trung Quốc. Quả thực, việc mở rộng đồng NDT bị cản trở do thiếu sự chuyển đổi tự do, sự bất ổn định và hệ thống tài chính không rõ ràng.

Ngoài ra, còn có đồng NDT kỹ thuật số. Việc thanh toán bằng ngoại tệ này nhanh hơn so với hệ thống SWIFT và CHIPS của Mỹ. Trong khuôn khổ dự án “Vành đai và Con đường”, điều này có thể bảo vệ các nước tham gia trước các lệnh trừng phạt của Washington.

Theo tờ “Financial Times”, những căng thẳng địa chính trị hiện tại sẽ là nguyên nhân thúc đẩy việc áp dụng tích cực tài chính kỹ thuật số - cả tiền điện tử và stablecoin và tiền kỹ thuật số do các ngân hàng trung ương phát hành.

Đồng tiền thanh toán riêng

Cho đến nay, các đồng nội tệ quốc gia dường như là một sự thay thế đơn giản và hợp lý nhất cho đồng USD. Nếu như năm 2015, gần 90% giao dịch giữa Nga và Trung Quốc là bằng USD, thì năm 2020 là 46%. Các khoản thanh toán bằng đồng tiền quốc gia của Trung Quốc và đồng Euro đã tăng lên mức cao nhất trong lịch sử - lần lượt là 24 và 30%.

Đồng Ruble thống trị trong các hoạt động thương mại của Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU). Đối với kim ngạch thương mại của Nga với Belarus, con số này là 82%, với Kazakhstan - 63%, với Kyrgyzstan - 58%.

Giờ đây, các kế hoạch của EAEU bao gồm việc hình thành một hệ thống tài chính và tiền tệ quốc tế độc lập thống nhất, điều này sẽ làm giảm hơn nữa sự phụ thuộc vào đồng USD và đơn giản hóa sự tương tác của Nga với các nước thân thiện. Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể quan tâm đến điều này.

Hiện vẫn chưa rõ là phương tiện thanh toán mới sẽ được tạo ra trên cơ sở loại tiền tệ nào. Tuy nhiên, các nhà kinh tế không loại trừ việc EAEU sẽ chuyển hoàn toàn sang đồng Ruble, do Nga là quốc gia có nền kinh tế mạnh nhất trong tổ chức. Theo “The Wall Street Journal”, Saudi Arabia đang thảo luận với Trung Quốc về khả năng bán dầu lấy đồng NDT. Tờ báo lưu ý rằng các cuộc đàm phán xảy ra là do bất hòa giữa Riyadh và Washington.

Bóp hết số tiền dự trữ

Việc chuyển đổi sang các cơ chế thanh toán giữa các nước bằng các loại tiền tệ khác được IMF coi là một xu hướng bất lợi cho đồng USD. Gita Gopinath nhấn mạnh: “Các quốc gia có xu hướng tích lũy tiền bằng các loại tiền tệ mà họ giao dịch với phần còn lại của thế giới và vay từ phần còn lại của thế giới. Chúng ta sẽ sớm nhìn thấy cơ cấu tài sản dự trữ sẽ thay đổi như thế nào”.

Trong 2 thập kỷ qua, tỷ trọng của đồng USD trong dự trữ quốc tế đã giảm từ 70% xuống 60%. Lý do chỉ có một, đó là sự tăng cường vai trò của các loại tiền tệ khác. Đồng NDT của Trung Quốc “ăn” khoảng 1/4 trong số này, mặc dù cho đến nay chưa đến 3% dự trữ của các ngân hàng trung ương là loại ngoại tệ này.

Ngoài ra, còn phải kể đến một khía cạnh khác. Washington thực sự đang sử dụng đồng USD như một vũ khí tài chính để gia tăng áp lực trừng phạt. Và đây là tín hiệu cho phần còn lại của thế giới: Đồng USD của Mỹ không đáng tin cậy, cần phải đa dạng hóa các phương thức thanh toán.

Theo dự đoán của Bank of America, kết quả cuối cùng của việc “biến đồng USD thành vũ khí trong kỷ nguyên trừng phạt mới” sẽ là sự mất giá trị của chính đồng tiền này.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
1 Bình luận
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại