Vì sao Zoom không tiếc 14,7 tỷ USD để thâu tóm Five9?
Để đa dạng hóa nguồn thu, Zoom không tiếc bỏ ra 14,7 tỷ USD thâu tóm Five9 hoạt động trong lĩnh vực phần mềm cho tổng đài.
Salesforce cần 14 năm hoạt động như một công ty đại chúng để đạt tới vốn hóa 100 tỷ USD với ba thương vụ thâu tóm tỷ USD và bốn nguồn doanh thu riêng biệt.
Trong khi đó, Zoom đã gia nhập câu lạc bộ 100 tỷ USD vào năm ngoái, chỉ mất vỏn vẹn 14 tháng. Công ty này chỉ dựa vào một thứ duy nhất là nền tảng họp trực tuyến bùng nổ trên toàn cầu trong đại dịch Covid-19.
Giờ đây, khi đã chắc chân trên sàn Nasdaq, Zoom bắt đầu tìm kiếm những nguồn doanh thu mới để làm hài lòng các nhà đầu tư. So với thời điểm lập đỉnh vào tháng 10 với vốn hóa 159 tỷ USD, Zoom đã mất đi ⅓ giá trị bất chấp doanh thu tăng 191% trong quý gần nhất do phải chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ mạnh như Microsoft Teams.
Dù vậy, Zoom vẫn nằm trong số 25 công ty công nghệ giá trị nhất Bắc Mỹ đã lên sàn trong vòng bốn năm qua. Những cái tên nổi bật hơn Zoom trong cùng thời điểm chỉ có Shopify và Snap.
Nói cách khác, giá trị cổ phiếu của Zoom đang trở thành một thứ công cụ hữu hiệu để đưa lên bàn đàm phán. Và Zoom đang dùng lợi thế đó để thông báo kế hoạch 14,7 tỷ USD thâu tóm Five9, một công ty bán phần mềm đám mây cho các tổng đài.
Thương vụ mua lại này nằm trong số 10 vụ giao dịch các công ty phần mềm lớn nhất nước Mỹ, qua mặt cả các vụ thâu tóm của Amazon, Google, Oracle, Cisco hay Adobe. Định giá của Zoom đối với Five9 cũng gấp khoảng 23 lần doanh thu dự kiến trong năm 2022. Đây còn là thương vụ phần mềm đắt giá thứ hai sau vụ Salesforce chốt mua Slack với giá 27 tỷ USD vào đầu tháng 7 này.
Với thương vụ trên, giới phân tích nhận định mục tiêu của Zoom không chỉ là họp trực tuyến mà còn trở thành trung tâm kết nối mọi cuộc đàm thoại công việc, bao gồm dịch vụ chăm sóc khách hàng qua tổng đài.
Tuy nhiên, nguồn tin giấu tên cho biết thương vụ này đã bị chậm lại trong ba tháng qua, chủ yếu là do biến động cổ phiếu của Five9 và Zoom. Cuối cùng, giá mua lại được chốt thấp hơn 13% so với giá ở phiên đóng cửa giao dịch của Five9 khi thương vụ được công bố.
Thương vụ dự kiến hoàn tất trong nửa đầu năm 2022 và CEO của Five9 sẽ điều hành công ty dưới tư cách giám đốc của Zoom. Five9 dự định bổ sung thêm 650 triệu USD doanh thu trong năm kế tiếp lên con số 4,8 tỷ USD cho Zoom.
Trong cuộc họp báo công bố thương vụ ngay sau đó, CEO Eric Yuan của Zoom cho biết công ty có thể đầu tư xây dựng sản phẩm từ đầu, nhưng nhấn mạnh rằng các khách hàng của Zoom không muốn chờ đợi lâu hơn.
Giới phân tích nhận định đây là một quyết định chính xác, bởi đầu tư nghiên cứu và phát triển sản phẩm có thể mất hàng năm trời, trong khi đó đối thủ có thể đã chiếm hết thị phần. Các đối thủ như Salesforce, Adobe và ServiceNow đang có một danh mục sản phẩm đa dạng hơn rất nhiều so với Zoom.
Năm ngoái, Zoom đã ra mắt sản phẩm OnZoom để mở rộng ra bên ngoài họp trực tuyến và công việc. Đến tháng 7, Zoom tuyển Abhisht Arora, người có 21 năm kinh nghiệm làm việc ở Microsoft, làm người phụ trách chiến lược tập đoàn, trực tiếp báo cáo công việc cho CEO kiêm nhà sáng lập Eric Yuan.
Mục tiêu của Yuan là tiếp tục giữ vững sự phát triển của Zoom kể cả khi đại dịch được khống chế và cuộc sống trở lại bình thường.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận