Vì sao tỷ phú Waren Buffett bán hết cổ phiếu hàng không?
Có thể nói nhu cầu của người tiêu dùng là nền tảng của ngành marketing, ngành kinh doanh nói chung, và của cả nền kinh tế thị trường. Không có nó thì không cần có sản phẩm hay dịch vụ để đáp ứng, không cần nguồn cung cấp. Ngược lại khi thị trường có nhu cầu thì nguồn cung có đất sống, bất chấp bao nhiêu sóng gió có thể xảy ra đối với nền kinh tế.
Vì vậy quyết định bán tháo 100% toàn bộ các cổ phiếu của 4 hãng hàng không lớn nhất nước Mỹ hồi tháng 12 vừa rồi của tỷ phú Waren Buffett - Chủ tịch tập đoàn đầu tư danh tiếng hàng đầu Berkshire Hathaway - là một quyết định gây nhiều sự chú ý, vì nó nói lên nhiều điều về nhu cầu và tương lai của ngành hàng không nước Mỹ nói riêng hay ngành hàng không của thế giới nói chung.
Qua lăng kính của ngài Waren Buffett - một trong những doanh nhân có tầm nhìn đầu tư thành công nhất thế giới - thì thói quen đi lại, di chuyển bằng máy bay của người tiêu dùng ở Mỹ sẽ không còn như xưa nữa, ngành hàng không về cơ bản sẽ không còn như xưa nữa vì thế giới đã thay đổi rất nhiều sau cơn đại dịch. Đó là lời giải thích chính thức của ông sau khi rút chân hoàn toàn ra khỏi cuộc chơi của ngành hàng không.
Quyết định của nhà đầu tư bậc thầy này làm mọi người phải nhíu mày suy nghĩ, là không biết ngành hàng không rồi đây sẽ đi về đâu. Người viết bài này thì cho rằng mọi thứ đúng là có thể thay đổi rất nhiều, nhưng NHU CẦU đi lại, du lịch, công tác, thăm bạn bè thân nhân làm sao thay đổi được. Nó sẽ vẫn còn đó chứ, nhất là khi cơn dịch đã đi qua hoàn toàn, một vài năm là tối đa.
Có người sẽ nói là nhu cầu đi lại bằng máy bay sẽ giảm sút đáng kể một khi giá cả bị đội lên (do ít khách hơn, chi phí vận hành cao hơn sau đại dịch) và thu nhập của hành khách lại bị đẩy xuống do ảnh hưởng suy thoái của nền kinh tế. Điều đó cũng đúng nhưng chỉ đúng ở một thời điểm, vì nhu cầu đi lại bằng máy bay vẫn sẽ phải được đáp ứng khi chưa có phương tiện nào thay thế hiệu quả.
Làm sao đi từ Mỹ hay từ Úc về Việt Nam bằng tàu hay bằng xe hơi được! Làm sao đi công tác hay thăm thân nhân giữa miền Đông và miền Tây nước Mỹ, hay thậm chí nhiều trường hợp giữa Sài Gòn và Hà Nội hay các tỉnh thành xa xôi bằng xe hơi được, khi so sánh yếu tố thời gian và công sức bỏ ra.
Đây là nguyên văn câu tiếng Anh trong sách kinh tế: “If substitutes are not available, demand is likely to be unresponsive to price changes”, hay “Nếu không có nguồn cung khác thay thế thì nhu cầu của thị trường có vẻ như không bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi về giá cả”. Nói khác đi, giá vé máy bay dù có bị tăng lên đi nữa thì người ta vẫn bay vì không còn cách nào khác hơn.
Bởi vậy Waren Buffett bán tất cả các cổ phiếu hàng không của mình lúc giá rớt hơn 50% do đe doạ của dịch bệnh gây ngạc nhiên cho nhiều người là vậy, vì bình thường chính ra lúc này là lúc ông hay mua vào, hoặc ít ra là cắn răng chờ qua dịch để cổ phiếu nhích lên trở lại rồi hãy bán. Bán trong lúc giá cổ phiếu đang nằm dưới tận đáy không phải là thói quen của một nhà đầu tư lão luyện.
Chỉ có suy nghĩ là các hãng này có thể sập tiệm phá sản trước khi dịch bệnh đi qua thì mới bán tháo như vậy. Chờ không nỗi! Và ông có thể đúng, vì các hãng hàng không lớn tại hầu hết các quốc gia trên thế giới hiện nay đều phải đang thở máy Oxy, nhận viện trợ và các gói cứu trợ của Chính phủ để tồn tại, không biết ngày nào là ngày cuối cùng của mình.
Một yếu tố quan trọng là các hãng hàng không lớn nhất của Mỹ mà tỷ phú Waren Buffett nắm giữ cổ phiếu là các hãng tư nhân chứ không phải của Nhà nước như Qantas Airlines của Úc hay Vietnam Airlines của Việt Nam. Nên ngày cuối cùng của các hãng tư nhân này nếu có thì chắc chắn sẽ gần hơn rất nhiều so với các hãng hàng không quốc gia của Chính phủ.
Cho nên Waren Buffett đã quyết định đúng khi rời đi càng sớm càng tốt. Ông chưa bao giờ nói nhu cầu đi lại bằng máy bay hay các hãng hàng không sẽ biến mất, mà chỉ nói nó không còn như xưa nữa vì có nhiều thay đổi lớn - trong đó có một ý có lẽ ông không tiện nói ra, đó là các hãng hàng không của ông có thể phải chết đi để sống lại. Lỗ lãi, nợ nần sau cơn đại dịch khó ai cứu nổi…
Chỉ có nhu cầu đi lại của người tiêu dùng là vẫn tồn tại tốt qua cơn đại dịch, vì nó không bao giờ có lịch sử mà lại giàu trí nhớ.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận