Vì sao Trung Quốc phong toả thành phố gần Việt Nam đẩy giá nhôm thế giới cao kỷ lục?
Giá nhôm thế giới tăng kỷ lục lên mức cao nhất trong vòng 14 năm qua khi Trung Quốc phong toả thành phố ngay sát biên giới Việt Nam – Bách Sắc (Baise).
Tại sao khóa cửa của thành phố Trung Quốc lại khiến giá nhôm tăng vọt?
Nằm gần biên giới với Việt Nam, thành phố Bách Sắc (Baise) có biệt danh là "thủ phủ nhôm của miền nam Trung Quốc".
Vụ phong toả nghiêm ngặt, thực hiện chính sách “bế quan toả cảng” vì mục tiêu Zero Covid trong tuần này tại một thành phố với dân số chỉ khoảng 3,6 triệu người, cũng tương đối ít ai biết đến của Trung Quốc, đã khiến giá nhôm toàn cầu tăng vọt lên mức cao nhất trong 14 năm qua.
Theo AFP, nhôm, kim loại phổ biến trong sản xuất và tiêu dùng đã tăng giá lên mức 3.236 USD/tấn trong phiên giao dịch chiều 8/2 trên sàn giao dịch kim loại London, đây là mức kỷ lục ghi nhận hồi năm 2008. Sau đó, giá nhôm đã giảm phần nào trở lại mức 3.223 USD/tấn.
Tại sao sự bùng phát dịch COVID-19 và tình trạng lockdown ở Bách Sắc lại làm dấy lên nỗi lo sợ trên toàn thế giới về nhôm – mặt hàng kim loại chủ chốt cho ngành công nghiệp sản xuất toàn cầu?
Theo ông Daniel Briesemann, Ngân hàng Commerzbank (Đức) cho rằng, giá nhôm tăng trước hết là do lo ngại về nguồn cung.
Ở châu Âu, hàng trăm ngàn tấn nhôm đã bị cắt bớt do chi phí năng lượng cao. Trong khi đó, ở Trung Quốc, thêm một thành phố khác với vài triệu dân đã bị cách ly xã hội vào cuối tuần qua sau khi các ca nhiễm mới được phát hiện và gây lo ngại.
“Thành phố Bách Sắc thuộc tỉnh Quảng Tây ở tây nam Trung Quốc có khả năng sản xuất 1,7 triệu tấn nhôm mỗi năm. Nếu bị phong toả kéo dài, giá nhôm chắc chắn bị ảnh hưởng”, ông Briesemann lưu ý.
Theo chuyên gia này, người ta lo sợ việc phong tỏa thành phố này sẽ cản trở việc vận chuyển nhôm, từ đó hạn chế hơn nữa nguồn cung.
Bách Sắc (Baise) ở đâu?
Nằm gần biên giới với Việt Nam, Bách Sắc có biệt danh là "thủ phủ nhôm của miền nam Trung Quốc", do đó, một khi thành phố bị phong toả, tình hình sản xuất nhôm của CHND Trung Hoa cũng như nền công nghiệp toàn cầu đều bị ảnh hưởng.
Là nơi sinh sống của khoảng 3,5 triệu người, Bách Sắc là trung tâm khai thác và sản xuất nhôm hàng đầu của Trung Quốc.
Thành phố này là nơi sản xuất khoảng 2,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm – chiếm hơn 80% sản lượng ở khu vực Quảng Tây giàu tài nguyên này của Trung Quốc.
Trong khi đó, Quảng Tây là khu vực xuất khẩu alumin chính của Trung Quốc, xuất khẩu khoảng 500.000 tấn thành phần nhôm mỗi tháng ra thị trường.
Bên cạnh đó, Trung Quốc là nhà sản xuất nhôm lớn nhất thế giới. Còn nhôm lại là một thành phần quan trọng trong các ngành công nghiệp chính bao gồm chế tạo linh kiện, sản xuất ô tô, xây dựng và hàng hoá tiêu dùng.
Tại sao Bách Sắc bị phong toả?
Dù chỉ ghi nhận dưới 190 trường hợp dương tính với Covid-19, đợt bùng phát dịch do coronavirus ở Bách Sắc trên thực tế là rất nhỏ so với các đợt bùng phát dịch viêm phổi tên ban đầu là Vũ Hán ở các khu vực khác trên thế giới.
Tuy nhiên, Trung Quốc không có chiến lược thích ứng linh hoạt với dịch bệnh Covid-19 mà theo đuổi mục tiêu Zero Covid, áp dụng phong toả chặt chẽ, có mục tiêu tại các ổ dịch, hạn chế đi lại và xét nghiệm hàng loạt để loại mầm bệnh.
Bách Sắc đã bị đóng cửa hoàn toàn hôm thứ Hai, khiến hầu hết cư dân của thành phố bị cầm chân trong nhà và những người khác cũng không thể rời khỏi các quận và thị trấn nông thôn thuộc thẩm quyền quản lý của thành phố.
Chiến lược Covid-19 cấp quốc gia vô cùng hà khắc đã giúp Trung Quốc duy trì một số tăng trưởng kinh tế trong thời kỳ đại dịch, tuy nhiên, việc thực thi những quốc sách này đã gây ra tình trạng gián đoạn thường xuyên đối với các trung tâm sản xuất và logistics chính trong những tháng gần đây.
Vụ phong toả Bách Sắc tác động lên giá nhôm thế giới như thế nào?
Hiệp hội các ngành công nghiệp địa phương của Bách Sắc cho biết hôm thứ Ba rằng trong khi sản xuất nhôm phần lớn ở mức bình thường, việc vận chuyển phôi và nguyên liệu thô bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các lệnh hạn chế đi lại trong thời gian đóng cửa, phong toả thành phố.
Điều này cũng làm dấy lên lo ngại về nguồn cung thiếu hụt từ Trung Quốc và sau đó trên khắp thế giới.
“Đợt bùng phát bất ngờ ở thành phố Bách Sắc đã cản trở quá trình vận chuyển hàng hoá, nguyên liệu, làm ảnh hưởng đến kỳ vọng của thị trường cũng như việc thắt chặt nguồn cung theo từng giai đoạn do sụt giảm sản lượng” Hiệp hội này cho biết.
Một khu công nghiệp lớn ở Bách Sắc nơi một số nhà máy đã bị phong tỏa, ngưng sản xuất, ảnh hưởng đến việc di chuyển đi lại của công nhân, vận chuyển cung ứng nguyên liệu thô và nguồn hàng nhôm thành phẩm.
Tuy nhiên, một số nhà máy lọc alumin thành phần ở Quảng Tây đã ngừng sản xuất vì dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng.
Huayin Aluminium, một nhà máy luyện kim lớn ở Bách Sắc, đã cắt giảm công suất sản xuất khoảng 1,2 triệu tấn do các biện pháp hạn chế vận chuyển cũng như khó khăn trong giao thông đi lại, theo đơn vị nghiên cứu hàng hóa Antaike của Trung Quốc.
Có phải Bách Sắc là nguyên nhân duy nhất khiến giá nhôm tăng?
Các nhà phân tích cho rằng, tình trạng gia tăng giá nhôm toàn cầu được châm ngòi bởi việc phong toả Bách Sắc, sát biên giới với Việt Nam, tuy nhiên, còn có những yếu tố chính khác được ghi nhận.
Trong đó, thời gian phong toả Bách Sắc cũng đóng góp một phần vào xu hướng tăng giá nhôm phi mã trên thị trường hiện nay.
Tình trạng thiếu nhôm cả nguyên liệu và thành phẩm trong nước của Trung Quốc đã trở nên trầm trọng hơn vào những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, trong đó hầu hết các nhà máy trên toàn quốc phải tạm dừng hoặc giảm sản lượng.
Tiếp đó, sau thời gian nghỉ ngơi dài dịp Tết Nguyên Đán lại đến vụ phong toả toàn thành phố nằm gần Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc hàng tồn kho không thể được cung ứng ra thị trường một cách bình thường, thuận lợi.
Theo SMM, giá nhôm được dự đoán sẽ tăng sau kỳ nghỉ lễ kết thúc hôm thứ Hai, do lượng tồn kho trong nước thấp và nhu cầu duy trì ổn định từ các nhà sản xuất.
Hơn nữa, Antaike cho biết hôm thứ Ba rằng các ngành công nghiệp alumin ở ba tỉnh khác của Trung Quốc cũng buộc giảm sản lượng.
Thị trường nhôm toàn cầu đang đối mặt với tình hình thâm hụt sản lượng lớn trong năm nay, với nhu cầu vượt cung khi nền kinh tế thế giới phục hồi sau đại dịch.
Hơn nữa, sản xuất nhôm hiện nay còn liên quan đến sự ổn định của các nguồn cung cấp khác.
Giới phân tích cho hay, cuộc khủng hoảng trong quan hệ Nga-Ukraina đang diễn ra thời điểm này gây ra lo ngại rằng nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu từ nhà sản xuất lớn Nga sẽ bị ảnh hưởng nếu tình hình căng thẳng leo thang.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố rõ ràng hôm thứ Hai trong cuộc họp với Thủ tướng Đức Olaf Scholz rằng đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) khổng lồ từ Nga đến châu Âu buộc phải ngừng lại nếu Moskva “xâm lược Ukraina”. Tuy nhiên, kịch bản này đối với Kremlin chỉ là “giả tưởng”.
Nhà phân tích Fiona Cincotta của City Index nói với AFP rằng, sản xuất nhôm đòi hỏi một lượng năng lượng đáng kể và khí đốt là nguồn nhiên liệu chính. Lo ngại rằng dự án Dòng chảy phương Bắc 2 có thể bị ngừng lại đang đẩy giá nhôm lên cao hơn.
Căng thẳng địa chính trị Nga - Ukraina không chỉ đẩy giá dầu và khí đốt tăng cao, mà còn giá kim loại.
"Ngoài ra, Nga cũng là nhà sản xuất nhôm chủ chốt ... Các mối đe dọa trừng phạt từ phương Tây nhằm vào Moskva cũng sẽ làm tăng giá nhôm và ảnh hưởng nguồn cung trên thị trường”, chuyên gia Fiona Cincotta chỉ rõ.
Theo Goldman Sachs, cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu và Trung Quốc, cùng với nhu cầu nhôm mạnh mẽ có thể đẩy thị trường nhôm 66 triệu tấn vào tình trạng cạn kiệt hàng tồn kho vào năm 2023.
Nhà phân tích của Goldman Sachs cho rằng, thị trường nhôm sẽ đối mặt với đà tăng giá mạnh mẽ trong năm nay. Nguồn cung nhôm vốn đã thấp, trong khi tình trạng thiếu hụt vẫn tiếp tục diễn ra ở Trung Quốc và phần còn lại của thế giới.
Hiệp hội ngành công nghiệp nhôm Bách Sắc cho biết, chính quyền địa phương hiện đang tích cực phối hợp để cấp giấy thông hành cho các doanh nghiệp sản xuất cũng như vận chuyển để sớm ổn định thị trường nhôm, trước hết là ở Trung Quốc.
Theo Sputnik
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận