Vì sao Trung Quốc đòi điều tra nguồn gốc Covid-19 tại căn cứ Mỹ?
Chiến dịch tuyên truyền rằng Covid-19 bắt nguồn từ một căn cứ quân sự Mỹ ở bang Maryland đang được Trung Quốc đẩy mạnh trong bối cảnh tình báo Mỹ chuẩn bị công bố kết quả điều tra nguồn gốc đại dịch.
Vào tháng 5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra lệnh tình báo Mỹ điều tra nguồn gốc đại dịch trong vòng 90 ngày. Cho đến thời điểm đó, giả thuyết virus SARS-CoV-2 rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, Trung Quốc, bị đa số giới khoa học xem là thuyết âm mưu.
Tuy nhiên, trong bối cảnh báo cáo của tình báo Mỹ sắp được công bố, Trung Quốc bắt đầu đẩy mạnh cáo buộc cho rằng Covid-19 có nguồn gốc từ Mỹ, BBC đưa tin.
Trung Quốc đã sử dụng mọi thứ, từ nhạc rap đến các bài đăng trên Facebook, cho chiến dịch này. Theo BBC, các chuyên gia cho rằng Trung Quốc đã thành công trong việc khiến người dân trong nước hoài nghi về những lời chỉ trích từ cộng đồng quốc tế mà Bắc Kinh phải đón nhận về vai trò trong đại dịch Covid-19. Dù vậy, các chuyên gia nhận định chiến dịch này không có nhiều tác động đối với hình ảnh của Trung Quốc trên trường quốc tế.
Cáo buộc của Trung Quốc
Hầu hết người Mỹ có thể chưa bao giờ nghe nói về căn cứ Fort Detrick. Tuy vậy, Fort Detrick đang trở thành một cái tên quen thuộc ở Trung Quốc.
Các quan chức Trung Quốc đã cáo buộc virus SARS-CoV-2 được tạo ra và bị rò rỉ từ căn cứ Fort Detrick ở Frederick, bang Maryland, cách Washington D.C khoảng 80 km về phía bắc.
Fort Detrick từng là trung tâm nghiên cứu cho chương trình vũ khí sinh học của Mỹ. Chương trình đã bị hủy bỏ vào năm 1969. Hiện nơi này có các phòng thí nghiệm y sinh học nghiên cứu những loại virus bao gồm Ebola và bệnh đậu mùa. Tuy nhiên, lịch sử phức tạp của Fort Detrick đã làm dấy lên nhiều đồn đoán ở Trung Quốc.
Theo South China Morning Post, Fort Detrick được Bắc Kinh nhắc đến lần đầu vào tháng 3.2020, ngay sau khi Tổng thống Mỹ lúc đó, ông Donald Trump, tuyên bố virus corona mới rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán mà không đưa ra bằng chứng.
Dù ông Trump thất cử và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 30.3 năm nay công bố báo cáo cho biết việc virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm là “cực kỳ khó xảy ra”, những lo ngại về nguồn gốc đại dịch vẫn còn đó.
Một ngày sau khi báo cáo của WHO được công bố, 14 quốc gia - bao gồm Mỹ, Anh, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Canada - đưa ra tuyên bố nêu rõ lo ngại về việc thiếu quyền tiếp cận vào dữ liệu ban đầu ở phòng thí nghiệm Vũ Hán để phục vụ cuộc điều tra.
Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã nhắc đến Fort Detrick. "Quân đội Mỹ đã tiến hành những hoạt động gì trong các phòng thí nghiệm ở Fort Detrick?", South China Morning Post dẫn lời ông Triệu. “Chúng tôi một lần nữa kêu gọi Mỹ có trách nhiệm, nghiêm túc đáp lại các mối quan tâm của quốc tế và đưa ra lời giải thích rõ ràng về các hoạt động quân sự - sinh học của mình ở trong và ngoài nước”, ông Triệu phát biểu.
Ông Triệu, người có phong cách ngoại giao “chiến lang”, đóng vai trò quan trọng trong việc lan truyền cáo buộc virus có “nguồn gốc từ Mỹ”. Vào năm ngoái, ông Triệu đã nhắc đến Fort Detrick trên Twitter của mình. "Chuyện gì xảy ra đằng sau việc đóng cửa phòng thí nghiệm sinh học ở Fort Detrick? Khi nào Mỹ sẽ mời chuyên gia đến điều tra nguồn gốc virus ở Mỹ", ông Triệu viết vào tháng 7.2020.
Trong những tháng gần đây, luận điệu của ông Triệu được các nhà ngoại giao Trung Quốc tại nhiều nước khác nhau sử dụng. Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV còn phát sóng phóng sự đặc biệt dài một giờ mang tên “Lịch sử đen tối đằng sau Fort Detrick”. Phóng sự tập trung vào các vụ vi phạm quy tắc phòng thí nghiệm vào năm 2019 để củng cố tuyên bố rằng Fort Detrick được kiểm soát lỏng lẻo.
Một giả thuyết phổ biến khác, được tờ Global Times đưa ra, cho rằng nguồn gốc của virus có liên quan đến Tiến sĩ người Mỹ Ralph Baric và các nhà nghiên cứu tại Fort Detrick.
Tờ Global Times viện dẫn một bài báo ông Baric làm đồng tác giả về sự lây truyền của virus từ dơi trên tạp chí Nature Medicine để lập luận rằng nhà khoa học này đã tạo ra một loại virus corona mới lây nhiễm sang người.
Global Times còn tạo một bản kiến nghị trực tuyến kêu gọi cư dân mạng Trung Quốc ký vào thư ngỏ yêu cầu WHO điều tra Fort Detrick. Mọi người có thể "ký" vào bức thư chỉ bằng một cú nhấp chuột, và lời kêu gọi đã thu thập được hơn 25 triệu "chữ ký".
Mục đích của Trung Quốc
South China Morning Post dẫn lời một số chuyên gia cho biết việc Bắc Kinh “chĩa mũi dùi” vào Fort Detrick là phản ứng của Trung Quốc trước chiến dịch tuyên truyền tương ứng do cánh hữu ở Mỹ, dẫn đầu là ông Trump, khởi xướng.
Chiến dịch tuyên truyền về Covid-19 của Trung Quốc có thể không mang lại cho Bắc Kinh thêm đồng minh ở nước ngoài. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng chiến dịch này đã thành công thuyết phục người dân Trung Quốc trong nước.
“Mối quan tâm lớn nhất của chính phủ Trung Quốc là tính chính danh trong nước”, BBC dẫn lời Phó giáo sư Maria Repnikova về truyền thông toàn cầu của Đại học bang Georgia (Mỹ) cho biết.
Gần đây, nhiều nhà ngoại giao Trung Quốc cũng dùng Twitter, mạng xã hội vốn bị cấm ở nước này. Tuy nhiên, các thông điệp của họ dường như nhắm vào đối tượng trong nước.
Bà Repnikova cho biết nhiều năm qua, Trung Quốc đã xóa nhòa ranh giới giữa tuyên truyền trong nước và ngoài nước. Tuy vậy, chiến lược này vẫn mang theo rủi ro. Thông điệp đưa ra bên ngoài kém hiệu quả có thể gây căng thẳng cho quan hệ đối ngoại của Trung Quốc.
Trong khi đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc gia tăng đưa thông tin dựa vào nguồn nước ngoài. Các nguồn này được lựa chọn một cách có chủ đích, theo BBC.
Các blogger nước ngoài cũng ngày càng đóng vai trò nổi bật trong chiến dịch tuyên truyền của Bắc Kinh. Những nỗ lực này nhằm “mang lại tính chính danh từ bên ngoài cho Trung Quốc”, Phó giáo sư Repnikova cho biết.
Sự gia tăng của các yếu tố nước ngoài trong chiến dịch tuyên truyền của Trung Quốc cũng báo hiệu sự thay đổi trong chiến lược của Bắc Kinh. “(Chiến dịch) không chỉ bao gồm việc kể chuyện mà còn là tạo ra một câu chuyện”, BBC dẫn lại nhận định của bà Repnikova.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận