Vì sao Trung Quốc bỏ ra hơn 1 tỷ USD mua bông từ Mỹ chỉ để cất vào kho?
Lẽ ra, người Trung Quốc cũng sử dụng lượng bông này, thế nhưng đáng tiếc việc mua bông lại diễn ra ở thời điểm đại dịch khiến cho các hàng thời trang buộc phải đóng cửa các cửa hàng quần áo.
Trung Quốc đã mua hơn 1 tỷ USD sản phẩm bông từ Mỹ trong vòng 3 tháng qua, và Trung Quốc thậm chí không hề cần đến chỗ bông đó, theo bài nhận định mới được Bloomberg đăng tải.
Việc Trung Quốc mua vào lượng lớn bông được thực hiện theo thỏa thuận thương mại giữa Washington và Bắc Kinh.
Lẽ ra, người Trung Quốc cũng sử dụng lượng bông này, thế nhưng đáng tiếc việc mua bông lại diễn ra ở thời điểm đại dịch khiến cho các hàng thời trang buộc phải đóng cửa các cửa hàng quần áo, nhu cầu quần áo đi xuống thê thảm. Điều đó cũng đồng nghĩa với nhiều công ty nhà nước Trung Quốc đang phải buộc tạm trữ lượng bông mà họ đã mua, khả năng Trung Quốc nhập khẩu thêm khó xảy ra.
Theo điều khoản của thỏa thuận thương mại, Trung Quốc cần phải mua 36,5 tỷ USD nông sản Mỹ trong năm nay. Điều đó tạo ra khoảng chênh lệch lớn giữa nhu cầu thực và hoạt động nhập khẩu từ phía Trung Quốc, hiện đang ở tốc độ nhanh nhất tính từ năm 2013. Hơn 50% các hợp đồng mua công bố lên Hiệp hội các nhà xuất khẩu bông thế giới và Hiệp hội các nhà xuất khẩu bông của Mỹ trong năm qua đều có liên quan đến đối tác Trung Quốc.
Chuyên gia kinh tế trưởng tại viện nghiên cứu Cotton Inc, ông Jon Devine, nhận xét: “Việc Trung Quốc mua nhiều bông gần đây không cân xứng lắm với nhu cầu thực tế, phần lớn lượng bông mua về được tin là được trữ trong kho của Trung Quốc. Nếu được chuyển vào kho, bông có thể được sử dụng cho nhu cầu tương lai và vì vậy lượng mua sẽ không nhiều nữa”.
Tình trạng lây lan Covid-19 đã khiến cho ngành sản xuất bông toàn cầu ngày một khó khăn, việc nhiều công ty bán lẻ như J.C Penney và Neiman Marcus đóng cửa khiến cho nhu cầu tiêu thụ đi xuống. Tiêu thụ các sản phẩm bông của thế giới được dự báo sẽ giảm chưa từng có tiền lệ, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ.
Chủ tịch Hiệp hội Vận chuyển Bông Quốc tế, ông Buddy Allen, nhận xét: “Dù rằng nông nghiệp được coi như ngành nghề quan trọng, cần thiết và chuỗi cung ứng vẫn đang mở, doanh số bán lẻ quần áo giảm thê thảm do tình trạng đóng cửa”. Điều này gây ra tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong khi các nhà máy của Trung Quốc đang gặp khó khăn, hoạt động mua hàng của Trung Quốc không khỏi chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Nhiều nước khác như Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh cũng đang khó khăn.
Việc giá bông tại Mỹ tăng cao trong thời gian gần đây khiến cho triển vọng nhập khẩu của Trung Quốc còn u ám hơn nữa. Giá bông giao hợp đồng tương lai trên thị trường New York đã hồi phục hơn 25% từ mức thấp nhất trong 10 năm thiết lập vào tháng 4/2020, một phần do Mỹ và Australia đang đương đầu với hạn hán. Hoạt động mua vào của nhà nước Trung Quốc cũng khiến cho giá bông tăng.
Cho đến nay, Trung Quốc chưa hề đưa ra thêm hạn ngạch nhập khẩu nào mới cho các nhà máy, và Trung Quốc cũng đã ngừng mua bông từ phía Mỹ trong vòng 2 tuần tính đến ngày 16/7/2020. Trung Quốc cũng đang bán ra dự trữ của chính phủ với giá thấp hơn so với giá nhập khẩu. Tất cả những yếu tố này có thể dẫn đến hoạt động mua bông của phía Trung Quốc chững lại.
Việc Trung Quốc giảm mua bông cũng gây ra nhiều tác động lên Brazil. Các công ty tư nhân Trung Quốc không mua bông từ quốc gia Nam Mỹ này ngay cả khi giá đang giảm đi, theo chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu bông Brazil, ông Marco Antonio Aluisio. Ông nói thêm rằng thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung Quốc là tin xấu cho Brazil.
Chủ tịch sàn giao dịch bông quốc tế tại Thượng Hải, ông Wang Qianjin, nhận định việc Trung Quốc mua bông của Mỹ sẽ có thể vẫn tiếp tục bởi Trung Quốc đang cố gắng thực hiện đúng cam kết về thỏa thuận thương mại giai đoạn một.
Ông Allen nói: “Chúng tôi hài lòng khi thấy phía Trung Quốc tăng mua, thế nhưng chúng tôi thừa nhận rằng so với cam kết, vẫn còn nhiều khoảng cách. Chúng tôi mong các nhà máy tại Trung Quốc và khắp thế giới sớm hoạt động mạnh trở lại”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận