Vì sao tín dụng tăng chậm?
Lãi suất có xu hướng đi xuống nhưng dư nợ cho vay chưa tăng mạnh, khách hàng còn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận vốn ngân hàng
Phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc phỏng vấn Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú về việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Tín dụng nền kinh tế tăng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, đã phản ánh khó khăn chung về sức hấp thụ vốn của nền kinh tế trong bối cảnh khách quan chi phối.
Cụ thể, nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, hoạt động của các doanh nghiệp (DN) phụ thuộc rất lớn vào kinh tế quốc tế, trong khi kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, lạm phát đang có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao, nhu cầu thương mại, đầu tư giảm ảnh hưởng tới hoạt động của các DN trong nước.
Vì vậy, trong bối cảnh khó khăn chung, nhu cầu đầu tư, sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng trong nước đều giảm, dẫn đến cầu tín dụng giảm tương ứng.
Để hỗ trợ nền kinh tế, NHNN đã chủ động giảm lãi suất điều hành 4 lần liên tục với mức giảm 0,5-2 điểm %, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất thế giới tiếp tục tăng cao và neo ở mức cao, tạo điều kiện cho các NH thương mại (NHTM) tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp hơn, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay. Đến nay, mức lãi suất trung bình giảm của NHTM giảm 1,5-2 điểm %. Nhiều ngân hàng đã có những khoản vay ưu tiên, ưu đãi.
Đặc biệt, đầu tháng 7-2023, NHNN đã điều chỉnh tăng hầu như toàn bộ các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14% cho các NHTM.
* Hiện nay, thanh khoản của các NHTM rất dồi dào, lãi suất cho vay đã giảm khá nhiều nhưng DN vẫn than khó tiếp cận vốn. Theo ông, khó khăn này đang nằm ở đâu?
- Một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý như DN bất động sản (BĐS). Việc tiếp cận tín dụng của DN vừa và nhỏ (SME), hợp tác xã còn khó khăn hơn do các khách hàng này có quy mô vốn nhỏ, năng lực tài chính, quản trị điều hành còn hạn chế; thiếu phương án kinh doanh khả thi...
Ngoài ra, sau một thời gian kinh tế khó khăn, mức độ rủi ro tăng cao hơn, DN khó chứng minh hiệu quả hoạt động do chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu cao, đầu ra, đơn hàng, doanh thu giảm... Từ đó, các NHTM cũng rất khó khăn trong quyết định cho vay do không hạ được chuẩn tín dụng để bảo đảm an toàn hệ thống.
* Ông có thể nói rõ hơn về việc DN BĐS tiếp cận vốn NHTM?
- Thị trường BĐS có vai trò hết sức quan trọng và có mối liên hệ với nhiều ngành sản xuất. Trong năm 2022, BĐS đã có nhiều biến động và gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, tập trung chủ yếu vào một số vấn đề như: Quy định pháp luật về đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, nhà ở và trình tự, thủ tục đầu tư dự án…; tình trạng mất cân đối cung - cầu sản phẩm, dư thừa nguồn cung cao cấp trong khi thiếu hụt nguồn cung nhà ở giá rẻ và khó khăn về nguồn vốn; trong đó vướng mắc chủ yếu, cốt lõi là vấn đề pháp lý.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, lĩnh vực BĐS trong quý II/2023 đã từng bước được tháo gỡ khó khăn nhưng vẫn còn tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022, đồng thời những khó khăn thách thức về thể chế, pháp lý của các dự án, nguồn vốn tín dụng, trái phiếu… vẫn còn.
Quan điểm của NHNN là bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, hướng đến việc hỗ trợ cho thị trường BĐS phát triển lành mạnh, bền vững theo hướng phục vụ đa số người dân, đặc biệt là người có nhu cầu nhà ở thực, hạn chế tình trạng đầu cơ, thổi giá, trục lợi.
NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các NHTM ưu tiên cấp tín dụng cho các dự án có hiệu quả, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư; hướng tín dụng vào các nhu cầu thiết thực của người dân về nhà ở. Đồng thời, NHNN tiếp tục kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng đối với lĩnh vực BĐS, kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào nhóm khách hàng lớn, khách hàng có liên quan đến cổ đông lớn, người có liên quan cổ đông của NHTM...
* Sắp tới ngành NH và các bộ ngành, địa phương sẽ làm gì để tăng cường hỗ trợ DN tiếp cận vốn, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng?
- Hiện nay, NHNN đang rà soát lại các quy định, quy trình, điều kiện, hồ sơ tiêu chuẩn tín dụng, các quy định về phí, lệ phí để chỉ đạo các NHTM tiếp tục có các giải pháp thiết thực cụ thể hơn nữa hỗ trợ DN và người vay vốn, nhất là việc giảm lãi suất và cải cách thủ tục vay vốn trên cơ sở ứng dụng công nghệ online, trực tuyến.
Bên cạnh đó, NHNN sẽ đề nghị và cùng với chính quyền địa phương, các hiệp hội DN, ngành nghề, các tổ chức chính trị - xã hội vào cuộc tích cực hơn nữa để nắm cụ thể những khó khăn của DN, từ đó chung tay tháo gỡ.
Tuy vậy, NHNN rất cần sự phối hợp hiệu quả chủ động từ các chính sách kinh tế vĩ mô và sự đồng bộ các giải pháp cho các ngành nghề, lĩnh vực, vùng miền của cả trung ương và địa phương. Nhất là việc triển khai đồng bộ các giải pháp về xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, khai thác cầu nội địa cải thiện môi trường kinh doanh, khơi thông thị trường BĐS, trái phiếu DN, phát huy hiệu quả hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho SME, Quỹ Phát triển SME...; sự vào cuộc của các hiệp hội, sự nỗ lực của các DN trong tái cấu trúc, nâng cao hiệu quả hoạt động...
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐTV Công ty Đầu tư Tài chính TP HCM (HFIC), Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM (HUBA), cho biết DN rất muốn vay tiền để làm ăn, mở rộng quy mô sản xuất, mạng lưới phân phối… nhưng hiện nay, kinh tế khó khăn, nhiều DN chưa tìm thấy cơ hội mở rộng làm ăn hoặc chưa tìm thấy các đơn hàng. Nếu cầu tăng, DN sẽ tích cực vay vốn kinh doanh.
Cầu thị trường sẽ đến từ đầu tư công. Nếu Nhà nước giải ngân đầu tư công nhanh thì DN sẽ tham gia dự thầu và có cơ hội trúng thầu để vay vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh. Riêng TP HCM phải đẩy nhanh chương trình kích cầu đầu tư để DN biết đâu là những lĩnh vực thành phố đang khuyến khích và có khả năng gia tăng lực cầu, khi DN vay vốn cần có sự đồng hành của các cơ quan quản lý.
Trong bối cảnh hiện nay, cộng đồng DN rất mong ngành NH nới lỏng điều kiện cho vay một cách hợp lý để tiếp sức cho DN vượt qua khó khăn. Về nguyên tắc, các NH vẫn phải quản lý thật tốt các nhu cầu sử dụng vốn vay, đồng thời nới lỏng các thủ tục vay vốn cho các DN chứng minh được năng lực, khả năng trả vốn gốc và lãi vay. NH có thể nới lỏng điều kiện cho vay thông qua việc thay vì yêu cầu DN phải có tài sản thế chấp thì nên chấp nhận thế chấp bằng sản phẩm dịch vụ hình thành trong tương lai hoặc bằng hợp đồng trúng thầu.
Dưới góc độ chuyên gia, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, đề xuất cần có đánh giá đúng và trúng thực trạng tình hình DN, từ đó tháo gỡ kịp thời và chính xác những tồn tại, vướng mắc. Quan tâm hỗ trợ DN chịu tác động tiêu cực từ suy giảm xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng thông qua việc khai thác tốt hơn các hiệp định thương mại tự do đã ký kết; thực hiện hiệu quả hơn công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, đa dạng hóa hàng hóa và thị trường xuất khẩu, đầu tư; tiếp tục đẩy mạnh cải thiện thực chất môi trường đầu tư - kinh doanh, thủ tục hành chính, nhất là bộ máy thực thi công vụ gồm cả các thủ tục hoàn thuế, phòng cháy chữa cháy, định giá đất và tiền thuê đất...
Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển cũng cho rằng giảm lãi suất mới là bước đầu tiên, trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế ở thời điểm hiện tại, cung - cầu vốn cũng theo nhu cầu thị trường. Sự khó khăn này, phải gỡ từng bước từ kinh tế vĩ mô chứ không thể cho vay đẩy tín dụng nhanh như nợ xấu tăng cao sẽ gây hệ lụy xấu trong tương lai.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận