Vì sao Tiki và Sendo, 2 “ông lớn” thương mại điện tử Việt Nam, lại tính đến chuyện sáp nhập?
Nhiều chuyên gia nhận định, đây là một hướng đi tốt của các doanh nghiệp nội ngành thương mại điện tử Việt Nam...
Mới đây, trang DealStreatAsia có đăng tải thông tin 2 “ông lớn” trong lĩnh vực Thương mại điện tử của Việt Nam là Tiki và Sendo sẽ tiến hành đàm phán về việc sáp nhập. Một câu hỏi được nhiều người đặt ra là, có phải nhiều khó khăn đã khiến 2 "ông lớn" này muốn về chung một nhà?
Ngành thương mại điện tử vẫn thường được ví von là “cuộc đua đốt tiền" của các “ông lớn” khi mà biên lợi nhuận vô cùng thấp. Nhiều doanh nghiệp trong ngành đang phải chấp nhận tình trạng lỗ lã, một số đã phải rời khỏi ngành, đơn cử như trang thương mại điện tử Adayroi hay gần hơn là trang thương mại điện tử dành cho thời trang cao cấp LeFlair.
Hiện trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam, 4 doanh nghiệp đang dẫn đầu cuộc đua chính là: Lazada, Shopee, Tiki, Sendo. Hiện tại, nếu như Lazada hay Shopee đều có công ty mẹ Alibaba (Trung Quốc) và SEA (Singapore) là các tập đoàn công nghệ có nguồn lực tài chính dồi dào luôn sẵn sàng bơm vốn thì Tiki và Sendo phải tự lực cánh sinh.
Shopee hay Lazada đang là những doanh nghiệp chịu lỗ nhiều nhất. Tiki và Sendo, tuy có mức lỗ không lớn bằng nhưng nguồn tài chính không dồi dào bằng các doanh nghiệp ngoại trên nên cả 2 phải luôn thực hiện thêm các vòng gọi mới để bổ sung vốn.
Tuy nhiên, cạnh tranh càng gay gắt đòi hỏi mức độ đầu tư càng cao và sự chuyển dịch đầu tư của các quỹ đầu tư mạo hiểm đang diễn ra trên toàn cầu, cũngảnh hưởng đến các công ty startup dựa vào gọi vốn để tăng trưởng như cả Tiki và Sendo.
Theo thông tin trên Reuters, sau cú sốc mang tên WeWork, làn sóng bùng nổ của các kỳ lân công nghệ tại Châu Á đã giảm dần trong năm 2019 cả về số lượng lẫn tốc độ gọi vốn. Còn số liệu từ PitchBook Data (công ty cung cấp dữ liệu, nghiên cứu và công nghệ bao gồm các thị trường vốn tư nhân, bao gồm đầu tư mạo hiểm...) thì chỉ có 23 công ty khởi nghiệp đạt giá trị tỷ USD trong năm 2019, con số này chỉ bằng một nửa so với năm 2018. Tốc độ gọi vốn cũng giảm 36% về số vụ và quy mô giảm 2/3.
Có thể nói rằng, phương án sáp nhập cũng là "kịch bản" tốt cho cả Tiki và Sendo khi việc gọi vốn đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay.
Theo nhận định của ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom), trường hợp sáp nhập này khó có thể xảy ra bởi tính riêng, phương thức kinh doanh, đội ngũ của 2 doanh nghiệp lớn này việc sáp nhậpkhông phải dễ dàng. Có chăng, có thể là một doanh nghiệp lớn nào đó đứng ra đưa 2 "ông lớn"này về chung một nhà.
Nhưng, ông Dũng cũng chia sẻ, nếu thương vụ này xảy ra cũng là một tín hiệu tốt. Bởi,trong khi Shopee, Lazada, Tiki đang tập trung cạnh tranh thị phần tại các đô thị lớn như Hà Nội hay TP.HCM thì Sendo lại có những lợi thế ở thị trường nông thôn, ngoại thành. Do đó ông Dũng cho rằng, nếu thương vụ sáp nhập giữa Sendo và Tiki thực sự xảy ra thì hai doanh nghiệp có thể bổ trợ để tăng sức cạnh tranh cho nhau. Ông Dũng cũng phân tích, việc sáp nhập này là một xu hướng chung của trên thế giới. Ông cho biết,"Giả sử 2 doanh nghiệp này sáp nhập thì sẽ tạo ra một doanh nghiệp thương mại điện tử nội đủ năng lực, tầm vóc để cạnh tranh đường dài với doanh nghiệp ngoại. Như vậy, đây là một hướng đi tốt của các doanh nghiệp nội ngành thương mại điện tử. Từ đó, Việt Nam mới làm chủ được những ngành công nghiệp tương lai như thương mại điện tử".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận